Phó Chủ tịch ABBank: Sau khi thoái vốn, đến bây giờ EVN vẫn hỗ trợ chúng ta

VietTimes -- “Sau khi thoái vốn, đến bây giờ EVN vẫn hỗ trợ chúng ta. Tuy nhiên ở đây cũng có sự cạnh tranh, nếu chúng ta làm không tốt họ sẽ chuyển ngân hàng khác và như vậy là ABBank sẽ để mất khách hàng” - ông Vũ Văn Tiền - Phó Chủ tịch HĐQT ABBank chia sẻ.
Ban Chủ tọa phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của ABBank (Ảnh: VT)
Ban Chủ tọa phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của ABBank (Ảnh: VT)

Dấu ấn CEO Phạm Duy Hiếu

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 (ĐHĐCĐ) diễn ra ngày 25/4/2019, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã đành nhiều thời gian chia sẻ với cổ đông về hoạt động kinh doanh của nhà băng này.

Theo đó, ông Vũ Văn Tiền - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) ABBank - cho biết năm 2018 ngân hàng ghi nhận biến động nhân sự cấp cao nên cũng phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động. Các kết quả kinh doanh mà ABBank đạt được là đáng khích lệ và một phần dựa vào “tiềm lực đã được chuẩn bị từ trong quá khứ” của ngân hàng.

“Nhưng rồi ai làm và làm như thế nào?” - ông Tiền đặt vấn đề.

Cũng theo đại diện của ABBank, kể từ khi bổ nhiệm ông Phạm Duy Hiếu làm Tổng Giám đốc, vị lãnh đạo trẻ này đã có các giải pháp kết nối, kiên quyết hơn nên mới khơi dậy được tiềm lực của ngân hàng này.

Về định hướng kinh doanh, ông Vũ Văn Tiền cho biết ABBank đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường và phát triển các sản phẩm mới, vì nếu chỉ cho vay tín dụng, khách hàng lớn thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Trứng phải bỏ vào nhiều giỏ”, ông Tiền nêu quan điểm và cho biết ABBank muốn trở thành ngân hàng có dịch vụ bán lẻ tốt thì phải tập trung nghiệp vụ, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên chuyên nghiệp hơn.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch ABBank nhấn mạnh ngân hàng đang có nhiều thuận lợi, với sự ủng hộ của cổ đông lớn nước ngoài và ngay bản thân cổ đông cũ EVN cho tới nay vẫn hỗ trợ nhiều.

“Sau khi thoái vốn, đến bây giờ EVN vẫn hỗ trợ chúng ta. Tuy nhiên ở đây cũng có sự cạnh tranh, nếu chúng ta làm không tốt họ sẽ chuyển ngân hàng khác và như vậy là ABBank sẽ để mất khách hàng” - ông Tiền lưu ý.

Được biết, EVN từng là cổ đông lớn của ABBank nhưng đã triệt thoái vốn khỏi ngân hàng này trong giai đoạn từ năm 2013 - 2016 khi thực hiện tái cấu trúc.

Tính đến ngày 31/12/2018, ABBank ghi nhận có 3 cổ đông lớn là tổ chức, bao gồm: Malayan Banking Berhad, CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp (Geleximco), Công ty Tài chính Quốc tế IFC với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 20%, 12,99% và 10%. Số cổ phần còn lại, tương ứng với 57,01% vốn điều lệ, do các cổ đông khác nắm giữ.

Bên cạnh vai trò là Phó Chủ tịch HĐQT ABBank, ông Vũ Văn Tiền còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Geleximco.

Nhiều cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của ABBank (Ảnh: VT)
Nhiều cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của ABBank (Ảnh: VT)

“Lên sàn” sớm nhất có thể

Một vấn đề khác cũng được cổ đông tham dự đại hội quan tâm là việc thực hiện niêm yết cổ phiếu của ABBank trên sàn chứng khoán. Chia sẻ về vấn đề này, đại diện ngân hàng cho biết cũng mong muốn cổ phiếu của ABBank sẽ sớm được niêm yết để góp phần nâng cao sự minh bạch, chất lược quản trị.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Đào Mạnh Kháng - Chủ tịch HĐQT ABBank - cho biết việc niêm yết đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 thông qua. Sau đó, HĐQT ngân hàng đã gấp rút làm việc và gửi hồ sơ niêm yết lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

“ABBank đã gửi hồ sơ lên UBCKNN nhưng đơn vị này lại gửi lại, yêu cầu bổ sung hồ sơ” - vị đại diện ABBank phân trần và cho biết việc thực hiện niêm yết cổ phiếu có thể sẽ mất nhiều thời gian nhưng sẽ phấn đấu “thực hiện sớm nhất có thể”.

Về kế hoạch năm 2019, ABBank dự kiến sẽ tăng quy mô tổng tài sản lên mức 105.720 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2018. Trong đó, dư nợ tín dụng được đặt mục tiêu ở mức 63.030 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Ở chiều hướng ngược lại, ABBank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng huy động ở mức 27%, đạt 86.119 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế được ngân hàng này lên kế hoạch ở mức 1.220 tỷ đồng, tăng trưởng tới 35% so với năm 2018.

Một số chỉ tiêu kế hoạch của ABBank so với năm 2018 (Nguồn: ABBank)
Một số chỉ tiêu kế hoạch của ABBank so với năm 2018 (Nguồn: ABBank)

Về kế hoạch xử lý nợ xấu, ABBank đặt mục tiêu thu hồi, xử lý được 816,8 tỷ đồng và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu chính thức ở mức dưới 3% trong năm 2019.

Trong thời gian tới, ABBank đặt mục tiêu tăng trưởng các chỉ tiêu kinh doanh từ 20 - 30%. Tuy nhiên, việc mở rộng hoạt động kinh doanh cũng khiến ngân hàng này phát sinh nhu cầu thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính. Ngân hàng này cần có một trụ sở mới đủ rộng, có không gian chuyên biệt cho một số mảng kinh doanh và đáp ứng được các nhu cầu tăng trưởng trong nhiều năm tới.

Do đó, sau khi xem xét nhiều yếu tố, HĐQT ABBank đã đề xuất thay đổi địa điểm trụ sở chính về Số 36 Hoàng Cầu (Phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) và đã được cổ đông thông qua.

Ngoài ra, các cổ đông cũng thông qua việc giữ lại phần Lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối năm 2018 là 1.021 tỷ đồng nhằm thực hiện tăng vốn cho ABBank thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu trong thời gian tới./.