Philippines nguy cơ hụt hơi khi đối phó Trung Quốc trên Biển Đông

Nhiệm vụ hiện đại hóa quân đội của Philippines đang đứng trước nguy cơ mất động lực trong bối cảnh Manila nỗ lực ngăn chặn Bắc Kinh ở Biển Đông.
 Máy bay trực thăng UH-1 Huey của quân đội Philippines làm nhiệm vụ tại Mindanao. Ảnh: WSJ
Máy bay trực thăng UH-1 Huey của quân đội Philippines làm nhiệm vụ tại Mindanao. Ảnh: WSJ

Chuỗi các chương trình trị giá tới một tỷ USD với mục tiêu nâng cao năng lực quân sự của Philippines bị tạm ngừng từ cuối năm ngoái, các quan chức quốc phòng Manila cho biết. Sự trì hoãn này làm bật lên một thực tế rằng những nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh các đơn vị hải quân và không quân của Philippines đang sa lầy trong một loạt rắc rối, mà nguyên nhân xuất phát từ thói quan liêu, vấn đề thiếu kinh phí hay các cáo buộc tham nhũng, theo Wall Street Journal.

Chính vì thế, hàng loạt kế hoạch lâu dài xây dựng "khả năng răn đe đáng tin cậy tối thiểu", với trọng tâm là thiết lập nên những đội chiến đấu cơ và tàu chiến quy mô nhỏ nhưng chất lượng của Philippines, cũng sẽ phải hoàn thành muộn hơn ít nhất một thập kỷ, ông Jose Antonio Custodio, nhà tư vấn quốc phòng ở Manila, nhận định. Dựa trên những gì đang có trong tay ở thời điểm hiện tại, Philippines dường như vẫn thiếu phương tiện hữu hiệu để kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp.

"Chúng ta mới ở vạch xuất phát", ông Custodio nói. "Đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang ráo riết xây dựng những căn cứ mới trên Biển Đông, tôi cho rằng bước đi này đã hơi trễ".

Hướng tới những trang thiết bị cũ từ các nước đồng minh như Mỹ hay Nhật Bản có thể là cách duy nhất để Manila nhanh chóng cải thiện năng lực quân đội, một nguồn tin am hiểu quy trình mua sắm quốc phòng Philippines cho hay. Chính quyền Tổng thống Benigno Aquino chắc chắn sẽ không mạo hiểm ký thêm những hợp đồng lớn khi cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào giữa năm sau.

Những vấn đề nội tại

Ông Aquino từng hứa sẽ hồi sinh lực lượng quân đội đang trên đà suy thoái sau nhiều năm không được đầu tư đúng mức của Philippines bằng cam kết chi 1,7 tỷ USD sắm sửa vũ khí mới. Quyết định này ban đầu đạt một số thành công nhất định khi Manila hồi cuối năm 2013, đầu năm 2014, ký kết nhiều thỏa thuận quốc phòng có giá trị lên tới 834 triệu USD, trong đó bao gồm hợp đồng mua 12 chiến đấu cơ Hàn Quốc, ba máy bay vận tải Airbus, và một phi đội trực thăng chiến đấu từ Canada và Anh.

"Những con số này là bằng chứng thể hiện chính quyền ông Aquino đã tăng tốc đáng kể quá trình hiện đại hóa quân đội", phát ngôn viên tổng thống Herminio Coloma cho biết nhưng thêm rằng ông Aquino vẫn chưa ký một điều luật, theo đó, bổ sung hai tỷ USD cho công tác mua sắm quốc phòng, được quốc hội thông qua từ tháng 1/2013.

Khả năng tài chính của chính phủ không còn dồi dào bởi phải chi hàng tỷ USD cho công cuộc tái thiết sau thảm họa siêu bão Haiyan hồi năm 2013 là một trong những lý do dẫn tới sự trì hoãn, ông Custodio nhận xét.

Mức chi cũng giảm dần sau một bê bối xảy ra gần đây. Ba thượng nghị sĩ Philippines bị cáo buộc lập nên những tổ chức phi chính phủ ma để rút 220 triệu USD tiền công quỹ. Tuy cả ba người đều không thừa nhận nhưng vụ việc khiến chính quyền phải thắt chặt hơn quy định về mua sắm công, từ đó phần nào làm giảm tốc độ giải ngân đối với các hợp đồng quốc phòng.

Bản thỏa thuận mua hai tàu khu trục nhỏ cùng hai máy bay trinh sát tầm xa với giá trị lần lượt là 398 triệu USD và 132 triệu USD đều được ra chỉ thị phải hoàn thành vào cuối năm ngoái nhưng đến nay vẫn gặp nhiều trở ngại, bất chấp việc những khí tài quân sự này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao khả năng giám sát lãnh hải của Philippines trước áp lực từ Trung Quốc.

"Bế tắc trên xuất phát từ cơ chế quan liêu", ông Custodio bình luận. Các công ty quốc phòng nước ngoài dù rất muốn bán hàng cho Philippines nhưng buộc phải chờ cho đến khi những rắc rối hành chính được thông suốt. "Có vẻ như mọi chương trình đều đang bị đóng băng", một chủ thầu quốc phòng phương Tây có dự án bị đình trệ cho hay.

Tướng Pio Catapang, chỉ huy quân đội Philippines, từng lên tiếng thúc giục Manila đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng nhằm đối phó với việc Trung Quốc đẩy mạnh cải tạo phi pháp các bãi đá trong vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Ngân sách quốc phòng của Philippines năm ngoái là 3,3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng như Singapore với 9,5 tỷ USD, Indonesia, 7,5 tỷ USD và Malaysia, 4,9 tỷ USD.

Trong quá trình điều tra về nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Philippines, một số nghị sĩ cũng phải đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của những khoản tiền đã chi. Họ đòi điều tra cả một hợp đồng mua 21 trực thăng cũ mà bộ quốc phòng nước này hủy hồi tháng 4 sau khi chỉ nhận 7 chiếc với lý do quan ngại về chất lượng công nghệ. Nhưng một quan chức ngành thuế lại tuyên bố có hiện tượng "lại quả" trong thương vụ này. Bộ quốc phòng Philippines phủ nhận mọi cáo buộc.

Theo chuyên gia tư vấn Custodio, việc chương trình thu mua trực thăng bị hủy đã tác động đến các quan chức quốc phòng, khiến họ lưỡng lự hơn trong việc đặt hàng những hợp đồng mới.

Tổng thống Aquino do đó phải vận động sự trợ giúp từ các nước đồng minh. Nhật Bản hiện cho Philippines vay 183 triệu USD để đóng mới 10 tàu tuần tra, đồng thời cân nhắc bán lại các máy bay trinh sát trên biển P-3C Orion cũ cho Manila, thể theo đề xuất mà tổng thống Aquino đưa ra trong chuyến công tác Nhật hồi đầu tháng 6. Ngoài ra, Australia, Hàn Quốc và Mỹ vài năm qua cũng cung cấp nhiều gói hỗ trợ quân sự cho Philippines và phát đi tín hiệu rằng sẽ tiếp tục tăng cường những nỗ lực này.

Nhưng theo ông Custodio, những giải pháp tạm thời không thể tạo dựng khả năng răn đe của Manila nhằm chống lại các động thái cứng rắn trên biển của Bắc Kinh. "Trung Quốc đang đứng ngay trước cửa nhà chúng ta rồi", ông nhấn mạnh.

Philippines nguy cơ hụt hơi khi đối phó Trung Quốc trên Biển Đông ảnh 2

Chiến hạm Ramon Alcaraz của Manila tham gia cuộc tập trận chung cùng Washington hồi tháng 6 năm ngoái. Ảnh: AFP

Vũ Hoàng theo VnExpress