Philippines đột ngột tuyên bố chấm dứt đàm phán khai thác chung dầu khí với Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Philippines đã tuyên bố chấm dứt cuộc đàm phán kéo dài 3 năm với Trung Quốc về hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông, theo chỉ đạo của Tổng thống Duterte ngay trước khi tân Tổng thống Marcos nhậm chức.
Tân Tổng thống Marcos Jr. nhậm chức vào ngày 30/6 tới đây được cho là sẽ theo đuổi phong cách ngoại giao của người tiền nhiệm Duterte (Ảnh: Deutsche Welle).
Tân Tổng thống Marcos Jr. nhậm chức vào ngày 30/6 tới đây được cho là sẽ theo đuổi phong cách ngoại giao của người tiền nhiệm Duterte (Ảnh: Deutsche Welle).

Theo báo Philippine Daily Inquirer ngày 24/6, trước khi chính phủ mới của ông Marcos Bongbong Jr. nhậm chức, Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm Teodoro Locsin Jr hôm thứ Năm (23/6) đã tiết lộ rằng Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh chấm dứt các cuộc thảo luận về thăm dò dầu khí chung giữa Philippines và Trung Quốc.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 124 năm thành lập Bộ Ngoại giao, ông Locsin cho biết hai bên đã nỗ lực đàm phán trong ba năm và đạt được những tiến triển trong giới hạn của hiến pháp. Tuy nhiên, nếu tiến thêm một bước nữa, có nguy cơ xảy ra "khủng hoảng hiến pháp". Ông giải thích rằng các cuộc đàm phán phải được dừng lại vì chính phủ không thể vượt ra ngoài khuôn khổ pháp lý được quy định trong hiến pháp, nhưng không tiết lộ khi nào các cuộc đàm phán sẽ được dừng lại.

Ngoại trưởng Locsin nói: "Tuy giữa chúng tôi có bất đồng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi đối đầu về mọi vấn đề, và trên tinh thần đó, tôi đã nỗ lực trong ba năm để đạt được một thỏa thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Tây Philippines (tức Biển Đông); chúng tôi đã làm những gì mà hiến pháp cho phép."

Đương kim Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin (Ảnh: AFP).

Đương kim Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin (Ảnh: AFP).

Ông nói: "Tổng thống đã chỉ thị các cuộc thảo luận về dầu khí đã hoàn toàn kết thúc. Không còn vấn đề gì đang chờ xử lý, mọi thứ đã kết thúc" và nhấn mạnh rằng “ba năm đàm phán đã không hy sinh chủ quyền, thậm chí không hề mất chút nào."

Ngoại trưởng Locsin cho biết trách nhiệm bảo vệ chủ quyền của Philippines giờ đây được đặt lên vai chính phủ khóa tiếp theo. "Quy định của Hiến pháp là giấy trắng mực đen. Giao nộp bất kỳ phần nào thuộc chủ quyền của Philippines đều không phải là một sự lựa chọn."

Nội dung thăm dò chung là gì?

Biển Đông có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên rất phong phú. Vào tháng 11 năm 2018, Philippines và Trung Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ trong đó hai chính phủ đồng ý thành lập một ủy ban chỉ đạo liên chính phủ chung để nghiên cứu khả năng hợp tác năng lượng. Biên bản ghi nhớ cũng quy định rằng các nhóm công tác của cả hai nước "sẽ bao gồm đại diện của các doanh nghiệp được chính phủ hai nước ủy quyền."

Giờ đây phát biểu của ông Locsin cũng đồng nghĩa với việc cuộc đàm phán đã chính thức kết thúc mà không có kết quả. Hiến pháp năm 1987 của Philippines quy định rằng tất cả đất đai, vùng nước, khoáng sản, than, dầu và các tài nguyên thiên nhiên khác trong lĩnh vực công cộng đều thuộc sở hữu của nhà nước. Việc thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải chịu sự kiểm soát, giám sát toàn diện của nhà nước. Nhà nước cần bảo vệ của cải biển của mình, việc sử dụng và hưởng thụ chúng chỉ giới hạn cho các công dân Philippines.

Trung Quốc và Philippines hiện đang có tranh chấp nghiêm trọng về chủ quyền bãi Scaborogh (Ảnh: AP).

Trung Quốc và Philippines hiện đang có tranh chấp nghiêm trọng về chủ quyền bãi Scaborogh (Ảnh: AP).

Chính phủ khóa tới sẽ làm gì?

Tổng thống Philippines đắc cử Ferdinand Marcos Jr., người sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 30 tháng 6 tới, vẫn chưa công bố lựa chọn người giữ chức ngoại trưởng trong chính phủ của ông. Nhưng ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng 5 rằng chính phủ mới sẽ không cho phép bất kỳ "milimet vuông" nào về quyền lợi biển của Philippines bị chà đạp trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, ông không bình luận về vấn đề hợp tác phát triển dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc.

Nhiều nhà phân tích cho rằng chính phủ do Marcos và con gái ông Duterte lãnh đạo nhìn chung sẽ tiếp tục phong cách của ông Duterte trong hầu hết các chính sách.

Ông Marcos cho biết chính phủ mới "sẽ tiếp tục đối thoại với Trung Quốc với tiếng nói cứng rắn", nhưng nhấn mạnh rằng Manila không thể gây chiến với Trung Quốc, "đó là điều cuối cùng chúng ta không cần nhất vào lúc này.”

Trong khi tranh cử, ông Marcos cho biết theo phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2016 có lợi cho Philippines về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và "không đủ hiệu lực" do Trung Quốc không công nhận phán quyết này.

Ông Antonio Carpio, trưởng nhóm pháp lý Philippines trong vụ kiện trọng tài Biển Đông và là cựu thẩm phán Tòa án Tối cao, gọi quan điểm của Marcos là một "sự phản bội".

Rommel Banlaoi, một chuyên gia Ủy ban an ninh ở Manila, chỉ ra rằng Marcos muốn thiết lập mối quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc, nhưng sẽ không đánh đổi bằng việc nhượng bộ lãnh thổ. Ông cho rằng Marcos có thái độ cởi mở đối với các cuộc đàm phán song phương và trực tiếp với Trung Quốc. "Ông ấy muốn mở rộng các lĩnh vực hợp tác thực tế với Trung Quốc, bao gồm phát triển các nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Tây Philippines."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 24/6 nói Trung Quốc mong muốn tiếp tục cuộc đàm phán (Ảnh: BNGTQ).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 24/6 nói Trung Quốc mong muốn tiếp tục cuộc đàm phán (Ảnh: BNGTQ).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân khi chủ trì cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 24/6 đã có phản ứng về việc này. Phóng viên Hãng tin Pháp AFP hỏi: phía Philippines nói rằng họ đã chấm dứt đàm phán hợp tác với Trung Quốc về khai thác năng lượng chung ở Biển Đông. Trung Quốc có thể giới thiệu lý do chấm dứt đàm phán và bình luận gì về điều này?

Ông Uông Văn Bân trả lời: “Việc hợp tác khai thác chung dầu khí trên biển giữa Trung Quốc với Philippines là cách thức đúng đắn để xử lý đúng đắn những khác biệt trên biển giữa hai nước và đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi mà không ảnh hưởng đến lập trường và quan điểm trên biển của mỗi bên. Người lãnh đạo hai nước đã đạt được nhất trí quan trọng về việc này, Chính phủ hai nước đã ký “Bản ghi nhớ về hợp tác khai thác dầu khí” và tích cực tiến hành đàm phán trong khuôn khổ này, đạt được những tiến triển quan trọng. Trung Quốc mong muốn nỗ lực chung với chính phủ mới của Philippines để thúc đẩy đàm phán về khai thác chung, sớm thực hiện các bước đi thực chất để thực sự mang lại lợi ích cho hai nước và nhân dân hai nước.”