Phiên điều trần của Mark Zuckerberg đã từ 'quá dễ' đến 'cơn đau đầu thực sự' như thế nào?

Nhà sáng lập của nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã không ít lần 'cứng họng' khi bị chất vấn về việc theo dõi người dùng.

Khi Mark Zuckerberg rời khỏi khán phòng sau phiên điều trần với Thượng viện vào ngày 10/4 vừa qua, anh có thể đã cảm thấy thật nhẹ nhõm. Quá trình chất vấn kéo dài tới gần 5 tiếng đồng hồ đã bị chi phối bởi những câu hỏi vô nghĩa về việc Facebook hoạt động như thế nào, những yêu cầu công ty xin lỗi người dùng và những sự thay đổi mà Mark đã triển khai trong suốt thời gian qua, cùng với sự xin xỏ "không biết xấu hổ" của các Nghị sĩ để Facebook rót tiền giúp mở rộng truy cập băng thông rộng tại bang quê nhà của họ.

Tuy nhiên, chưa đầy 24 giờ sau, Mark Zuckerberg đã phải đối mặt với một loạt những câu hỏi rất khác đến từ Hạ viện Mỹ. Hạ viện đã đề xuất một kết quả đáng lo ngại hơn rất nhiều cho Facebook – đây sẽ là tuần mà khủng hoảng của công ty chuyển từ những sai lầm trong quá khứ sang những vấn đề còn tồn đọng ở hiện tại. Theo ngụ ý các đại biểu, có lẽ Facebook không chỉ có một vấn đề. Nếu như Facebook chính là vấn đề thì sao?

Theo TheGuardian, các câu hỏi vẫn xoay quanh Cambridge Analytica, 9 triệu ứng dụng khác mà Facebook phải điều tra về lịch sử chia sẻ dữ liệu, và sự việc hơn 1 tỷ người dùng có thể đã bị thu thập dữ liệu bởi các bên thứ ba lạm dụng tính năng tìm kiếm bằng điện thoại và email cá nhân. Tuy nhiên, Hạ viện có xu hướng xoáy sâu hơn vào những khía cạnh kinh doanh của Facebook, thay vì những sai lầm mà công ty đã mắc phải. Và lần này, Zuckerberg thực sự gặp rất nhiều khó khăn khi trả lời những câu hỏi đó.

"Anh có cam kết sẽ thay đổi ... tất cả những cài đặt mặc định xuống mức tối thiểu, trong phạm vi lớn nhất có thể, việc thu thập và sử dụng dữ liệu của người dùng?" Frank Pallone, nhà lập pháp hàng đầu đảng Dân chủ hỏi Mark Zuckerberg. CEO Facebook từ chối trả lời câu hỏi, sau đó đồng ý sẽ trả lời sau phiên điều trần.

"Anh có sẵn sàng thay đổi mô hình kinh doanh để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân?" nghị sĩ đảng Dân chủ Anna Eshoo hỏi. "Tôi không chắc điều đó có nghĩa là gì," là câu trả lời của Mark Zuckerberg.

Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của EU (GDPR) cho phép công dân EU rút khỏi quá trình dữ liệu cá nhân của họ bị dùng cho mục đích quảng cáo. Nghị sĩ Gene Green đặt câu hỏi: "Liệu quyền lợi tương tự ... có được trao cho người dùng Facebook tại Mỹ hay không?"

Zuckerberg: "Tôi sẽ trả lời câu hỏi này sau".

Vào những thời điểm khác, Zuckerberg đã liên tục lặp lại "thủ thuật" mà anh đã áp dụng thành công trước Thượng viện. Khi được hỏi về dữ liệu mà Facebook thu thập của người dùng, anh luôn trả lời bằng cách nói về những dữ liệu mà người dùng đăng tải lên Facebook.

"Những nội dung mà bạn chia sẻ, bạn đặt lên trên đó, bạn có thể gỡ chúng xuống bất kỳ lúc nào. Thông tin mà chúng tôi thu thập, bạn có thể chọn không cho chúng tôi thu thập chúng. Bạn có thể xóa bất kỳ dữ liệu nào, và tất nhiên, bạn có thể không dùng Facebook nữa nếu bạn muốn", Mark Zuckerberg trả lời Nghị sĩ Bobby Rush sau khi được hỏi về sự khác biệt giữa những kỹ thuật của Facebook và "phương pháp luận của chính trị gia người Mỹ J Edgar Hoover".

Đó là một sự đánh lạc hướng rất khôn ngoan, mang lại cảm giác kiểm soát cho người dùng mà không cần phải giải quyết sự thiếu kiểm soát mà Facebook cung cấp ở nơi khác: ví dụ như yêu cầu công ty xóa bỏ thông tin về bạn mà bạn bè của bạn đăng tải, bao gồm hình ảnh và số điện thoại; việc công ty thu thập dữ liệu của những người dùng thậm chí không sử dụng Facebook thông qua một công cụ theo dõi mà các nhà xuất bản nhúng vào trong website của mình; và sự ra đời của các "hồ sơ bóng tối" của người dùng không có tài khoản Facebook.

Trong phiên điều trần, các đại điểu Hạ viện đã gạt phắt sự đánh lạc hướng đó, khiến Mark Zuckerberg không ít lần phải "cứng họng". Khi Nghị sĩ Ben Ray Luján hỏi về "hồ sơ bóng tối", nhà sáng lập và lãnh đạo của Facebook trong 13 năm qua khẳng định anh "không biết thuật ngữ này". Luján tiếp tục xoáy sâu hơn, hỏi Facebook biết về người dùng – và cả những người không phải người dùng – nhiều như thế nào. Mỗi lần như vậy, Zuckerberg đều nói rằng mình không biết, trước khi đề xuất "đội ngũ của chúng tôi sẽ trả lời sau".

Những câu hỏi này chính là những câu hỏi mà Facebook sợ phải trả lời. Những lỗi lầm đều có thể sửa, với những lời xin lỗi cùng các cuộc điều tra, Facebook rồi sẽ lại quay trở về cuộc sống bình thường của mình. Nhưng những hành động cố tình, có tính toán như theo dõi người dùng trên khắp internet để quảng cáo hiệu quả hơn khi họ quay trở lại mạng xã hội, hay thu thập dữ liệu của những-người-không-phải-người-dùng để tìm ra làm thế nào để các người dùng quen biết lẫn nhau thì rất khó để bỏ qua.

Khi công chúng bắt đầu đặt nghi vấn về những lựa chọn đó, Facebook sẽ phải đối mặt với một quyết định rất khó khăn. Liệu Facebook có tiếp tục làm những điều mà họ vẫn thường làm, hy vọng rằng người dùng sẽ không từ bỏ nền tảng và đợi bê bối lắng xuống? Hay họ sẽ thay đổi hoàn toàn nền tảng của mình, chỉnh sửa mô hình quảng cáo dựa trên dữ liệu mà họ thu thập của người dùng và chấp nhận mất lượng lớn doanh thu?

Zuckerberg, là người đứng đầu công ty, sẽ phải đứng ra nhận trách nhiệm cho lựa chọn này. Anh muốn được mọi người yêu mến, hay muốn giàu có? Vụ việc lần này đã cho chúng ta thấy là anh sẽ không thể có cả hai.

Theo Báo Diễn đàn đầu tư

http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2462357/phien-dieu-tran-cua-mark-zuckerberg-da-tu-qua-de-den-con-dau-dau-thuc-su-nhu-the-nao