Phí bảo trì, phí quản lý các chung cư đang đi về đâu?

Thực trạng xuống cấp tại nhiều hạng mục xây dựng của khu đô thị cao cấp Phú Mỹ Hưng - điều tưởng chừng chỉ có với các chung cư bình dân thì nay lan sang cả những dự án được “gán mác” cao cấp với giá bán cao ngất trời.
Phí bảo trì, phí quản lý các chung cư đang đi về đâu?

Loạn mức phí bảo trì: người dân chịu thiệt

Thực tế những vụ lùm xùm tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư đa phần đều liên quan đến việc bảo trì những hạng mục xây dựng và các dịch vụ đi kèm.

Trong đó, phí bảo trì căn hộ, nhà chung cư được ban quản trị (do cư dân bầu ra) của khu chung cư, căn hộ cao cấp cho rằng quá cao và nhập nhằng trong việc giải ngân. Điển hình là vụ gần 100 hộ dân tại chung cư cao cấp Saigon Pearl vào năm 2013 khiếu nại lên cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc chủ đầu tư và công ty quản lý cúp nước do những hộ dân này chậm nộp phí bảo trì.

Lý do được cư dân đưa ra là phí bảo trì cao bất hợp lý khi một căn hộ 100 m2 phải đóng đến 1,7 triệu đồng/tháng. Theo khảo sát của phóng viên tại nhiều dự án căn hộ cao cấp trên địa bàn TP.HCM, cư dân phải đóng phí bảo trì theo định kỳ hằng tháng, phổ biến trong khoảng 5.000-15.000 đồng/m2/tháng.

Trong khi đó, nhiều chung cư thu phí bảo trì này ngay từ giai đoạn bàn giao nhà với khung phổ biến là 2% tổng giá trị căn hộ như chung cư Thái An (quận 12), chung cư Keangnam (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Tuy nhiên, việc để nhà đầu tư giữ toàn bộ quỹ bảo trì cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi mục đích sử dụng, tiến độ giải ngân rất nhập nhằng. Thậm chí, nếu chủ đầu tư tuyên bố phá sản, số tiền này có thể bị “ngâm” thời gian dài dẫn đến các hạng mục xây dựng nhanh xuống cấp.

Trường hợp mới đây của chung cư Keangnam, sau thông tin tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower được tòa án Hàn Quốc định giá ở mức 770 triệu USD và được công ty môi giới bất động sản tại Mỹ rao bán, ban quản trị chung cư này đã có đơn kêu cứu gửi đến Thủ tướng Chính phủ nêu rõ nguy cơ mất trắng số tiền đã đóng vào quỹ bảo trì tòa nhà của Tập đoàn Keangnam.

Con số được đại diện Công ty TNHH MTV Keangnam Vina đưa ra lên đến 125 tỷ đồng. Dù Keangnam Vina đã đồng ý bàn giao quỹ bảo trì 2% cho Ban quản trị và Công ty TNHH Quốc tế TGT, doanh nghiệp được thuê quản lý vận hành chung cư Keangnam, hàng ngàn cư dân tại đây vẫn chưa hoàn tâm yên tâm với lời hứa này từ phía doanh nghiệp.


Nhiều hạng mục xây dựng trong khu đô thị PMH xuống cấp, được thi công cẩu thả.

Phí cao, công trình vẫn xuống cấp?

Theo tính toán của anh Nguyễn Long Giang, chủ căn hộ tại một chung cư ở quận Bình Thạnh, mỗi tháng anh phải đóng tới hơn 2,5 triệu đồng tiền phí quản lý căn hộ, tiền gửi xe và các khoản phí linh tinh khác. Trong đó, riêng phí quản lý là gần 800.000 đồng cho căn hộ có diện tích chưa đầy 90 m2, tiền gửi hai xe máy 200.000 đồng, một ôtô 1,6 triệu đồng...

Chỉ tính riêng tiền phí bảo trì (phổ biến ở mức 2% tổng giá trị căn hộ) cho dự án có 1.000 căn hộ, trung bình một căn hộ 70 m2 khoảng 2 tỷ đồng, thì người dân phải đóng thêm 40 triệu đồng phí này, chủ đầu tư thu về khoảng 40 tỷ đồng cho quỹ bảo trì.

Với số tiền “khủng” phải đóng cho phí dịch vụ, quỹ bảo trì, đáng ra người dân phải nhận được dịch vụ tương ứng. Tuy nhiên, tình trạng xuống cấp của nhiều hạng mục xây dựng, dịch vụ kém vẫn tồn tại ngay cả ở những khu đô thị cao cấp có tiếng tại TP.HCM.

Điển hình là khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Trong vài năm trở lại đây, các hạng mục xây dựng tại khu đô thị hiện đại bậc nhất tại TP.HCM xuất hiện các dấu hiệu xuống cấp nhưng không thấy được sự quan tâm đúng mức của chủ đầu tư. Tường bị thấm, nứt, bong tróc do ngấm nước, nền gạch lún tại nhiều khu vực “mặt tiền” đang làm mất dần niềm tin của cư dân nơi đây.

Các chủ đầu tư đang làm gì với quỹ bảo trì hàng chục, hàng trăm tỷ cho mỗi dự án nhưng vẫn để tình trạng xuống cấp “không phanh” sờ sờ trước mắt rõ ràng là câu hỏi của đại đa số cư dân đang rất cần được giải đáp cụ thể.

Theo Báo Công Lý