Phạt tới 100 triệu đồng nếu DN không cung cấp phương thức tự kiểm tra thông tin thuê bao

VietTimes -- Theo dự thảo mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến, các DN viễn thông di động sẽ bị phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng nếu không cung cấp phương thức tự kiểm tra thông tin thuê bao hoặc cung cấp thông tin thuê bao cho chủ thuê bao tự kiểm tra nhưng không đầy đủ theo quy định.

Mức phạt cao nhất đối với doanh nghiệp viễn thông có thể lên tới từ 80 đến 100 triệu đồng. Ảnh minh hoạ: ĐSPL
Mức phạt cao nhất đối với doanh nghiệp viễn thông có thể lên tới từ 80 đến 100 triệu đồng. Ảnh minh hoạ: ĐSPL

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Dự kiến, Nghị định mới này sẽ thay thế Nghị định số 174/2013. Theo Bộ TTTT, lý do ban hành nghị định mới là do qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, nhiều quy định đã bộc lộ những hạn chế, bất cập không phù hợp với tình hình thực tế hoặc nhiều quy định quản lý mới được ban hành nhưng không có chế tài để xử phạt. 

Cụ thể, Luật An toàn thông tin mạng đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã được ban hành. Nhưng đến nay vẫn thiếu chế tài xử phạt, xử lý doanh nghiệp vi phạm thì cũng chưa có chế tài xử lý. Đồng thời, việc quản lý thi hành Luật Giao dịch điện tử cần chi tiết và phù hợp với thực tế hơn.

Sắp tới các doanh nghiệp viễn thông di động sẽ thực hiện việc chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao, các hành vi vi phạm liên quan đến chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao hiện chưa được quy định.Bên cạnh đó, việc sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện không có giấy phép có công suất phát khác nhau sẽ gây can nhiễu với mức độ khác nhau lại bị áp dụng cùng khung xử phạt. Bên cạnh đó, một số hành vi xử phạt đối với mạng đài nội bộ, công suất thấp có mức phạt quá cao, tổ chức, cá nhân không có khả năng nộp phạt đã gây ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông.

Trong lĩnh vực viễn thông, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp” không thực hiện được do không có văn bản hướng dẫn phương pháp xác định số lợi bất hợp pháp như thế nào dẫn đến rất khó áp dụng và không đảm bảo tính răn đe khi doanh nghiệp cố tình vi phạm. Mặc dù có quy định hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép viễn thông, tuy nhiên không thể áp dụng trên thực tế do sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ của hàng vài chục triệu thuê bao, do vậy cần nghiên cứu biện pháp nhằm đảm bảo tính răn đe nhưng vẫn khả thi. Hiện, cũng chưa có quy định về vi phạm trong hoạt động cung cấp, sử dụng tên miền quốc tế.

Bên cạnh đó, Luật Báo chí có quy định quản lý về trang thông tin điện tử tổng hợp, do vậy các hành vi xử phạt đối với trang thông tin điện tử tổng hợp vẫn được quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP sẽ không phù hợp và không đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Do đó, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính mới nhằm thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP là hết sức cần thiết, bảo đảm hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông. 

Theo Bộ TTTT, sau 4 năm thi hành Nghị định số 174/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện đã phát hiện và xử lý được tổng số 20.827 vụ vi phạm hành chính, với tổng số tiền gần 31 tỷ đồng. Trong đó, vi phạm về trộm cắp, mua bán tài khoản ngân hàng có 16 vụ; 13 vụ phát tán vi rút máy tính, phần mềm gây hại; 157 vụ phát tán tin nhắn rác; vi phạm về dịch vụ Internet, trò chơi trực tuyến là 16.233 vụ,…

Ngoài ra đã xử lý hình sự 2 vụ lắp đặt thiết bị viễn thông trái phép sử dụng SIM thuê bao di động trả trước để chuyển lưu lượng viễn thông quốc tế về Việt Nam nhằm trộm cắp cước viễn thông quốc tế (trong đó có một vụ do người Trung Quốc thực hiện). 2 vụ việc này đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, trong công tác thanh kiểm tra vẫn có tình trạng không hợp tác, thậm chí chống đối của doanh nghiệp, đại lý viễn thông, đặc biệt là doanh nghiệp viễn thông không phải là doanh nghiệp nhà nước như làm giả số liệu cước, lưu lượng điện thoại từ tổng đài. Một số doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần và sẵn sàng chịu xử phạt miễn là đạt được mục tiêu về lợi nhuận.

Trong quản lý thông tin thuê bao di động trả trước chưa phân định rõ, cụ thể trách nhiệm giữa doanh nghiệp viễn thông di động và các điểm ủy quyền đăng ký thông tin thuê bao dẫn đến khi có vi phạm thì 2 bên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau nên cũng gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm hành chính.

Để khắc phục những hạn chế trên, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 174/2013 đề xuất phạt tiền từ 30- 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Bán SIM thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; Mua bán, trao đổi hoặc sử dụng SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao; Không đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp danh sách các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc đăng tải danh sách không đầy đủ thông tin theo quy định.

Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp viễn thông di động khi vi phạm một trong các hành vi: Chấp nhận thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được ủy quyền; Không thông báo hoặc không yêu cầu các thuê bao thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi phát hiện thông tin thuê bao không đúng quy định; Không cung cấp thông tin thuê bao theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không cung cấp phương thức tự kiểm tra thông tin thuê bao hoặc cung cấp thông tin thuê bao cho chủ thuê bao tự kiểm tra nhưng không đầy đủ theo quy định.

Dự thảo nghị định đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng đối với một trong các hành vi: Không ghi số đăng ký kinh doanh đại lý Internet trên biển “Đại lý Internet” đối với đại lý Internet phải ký hợp đồng đại lý Internet; Không ghi tên doanh nghiệp hoặc không ghi số giấy phép cung cấp dịch vụ Internet của doanh nghiệp trên biển “Điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng”; Không thể hiện đầy đủ các hành vi bị cấm theo quy định trong nội quy sử dụng dịch vụ Internet; Không niêm yết giá cước.

Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không tuân thủ thời gian hoạt động theo quy định; Đại lý Internet sử dụng đường truyền thuê bao của hộ gia đình để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho công cộng; Để người sử dụng Internet thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng; Để người sử dụng truy cập, xem, tải các thông tin, hình ảnh, phim có nội dung đồi trụy, cờ bạc, mê tín dị đoan.

Ngoài ra, đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng đối với điểm truy nhập Internet công cộng có hành vi vi phạm quy định trên.