“Phát lộ” bức tường di sản mỹ thuật Đông Dương

VietTimes – Bức tường di sản trong câu chuyện lưu truyền của giới mỹ thuật vừa phát lộ ngay giữa lòng Hà Nội.
Hiện trạng của bức phù điêu khổng lồ, di sản mỹ thuật
Hiện trạng của bức phù điêu khổng lồ, di sản mỹ thuật

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long, từ hàng chục năm nay, trong giới mỹ thuật cả nước nói chung và người dân Hà Nội nói riêng vẫn lan truyền câu chuyện rằng có hai bức phù điêu khổng lồ nằm trên bức tường phía sau nhà dạy hình họa của Trường Mỹ thuật Việt Nam, cũng chính là ngôi nhà còn sót lại của Trường Mỹ thuật Đông Dương. 

Rất đáng tiếc, đoạn phố chạy dọc đằng sau Trường Mỹ thuật Việt Nam – nơi có bức tường gắn hai bức phù điêu, đã bị rào chắn lại từ lâu. Cư dân quanh trường và sinh viên mỹ thuật vẫn gọi đây là đoạn “phố cấm”. Chỉ những ai đi qua đoạn đường này trước những năm 1960 khi phố chưa cấm thì mới có cơ hội nhìn thấy rõ hai bức phù điêu này.

“Chúng tôi đã có trong tay những hình ảnh quý hiếm về hiện trạng của hai bức phù điêu khổng lồ này. Cả hai bức phù điêu được các giáo sư và sinh viên khóa 1&2 Trường Mỹ thuật Đông Dương sáng tác. Thời gian sáng tác khoảng 1929-1930. Tác giả: Vũ Cao Đàm, Georges Khánh, Lê Tiến Phúc” – Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long cho biết.


Ảnh chụp hiện trạng hai bức phù điêu kích thước khổng lồ (2m x 8m) thời kỳ đầu mỹ thuật Đông Dương
Ảnh chụp hiện trạng hai bức phù điêu kích thước khổng lồ (2m x 8m) thời kỳ đầu mỹ thuật Đông Dương

Trường Mỹ thuật Đông Dương (10/1924-10/2019) là cái nôi đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư quan trọng của lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam. “Tình trạng của hai bức phù điêu, nhìn qua ảnh thì còn khá nguyên vẹn, song rất cần các chuyên gia di sản, mỹ thuật tiến hành khẩn trương khảo sát kỹ thực tế” – Nhà nghiên cứu Phạm Long khẩn thiết lên tiếng.

Trong tình hình nhiều di tích, ngay cả bảo vật quốc gia cũng bị làm hỏng, bảo tồn không đúng cách thì câu hỏi đặt ra là cần làm gì để bảo vệ hai bức phù điêu ngay giữa lòng thủ đô này, tạo điệu kiện cho người dân được thực thi quyền tiếp cận các di sản văn hóa quý báu?!