Phát hiện SARS-CoV-2 tồn tại trong không khí tại bệnh viện ở Vũ Hán

VietTimes -- Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện RNA của SARS-CoV-2 trong các giọt nhỏ lơ lửng trong không khí tại hai bệnh viện ở Vũ Hán, nhưng chưa rõ liệu những dấu hiệu virus này có khả năng lây truyền hay không.
Bệnh viện Renmin của Đại học Vũ Hán. Ảnh: Tao Jidong/China Daily
Bệnh viện Renmin của Đại học Vũ Hán. Ảnh: Tao Jidong/China Daily

Thêm bằng chứng ngày càng rõ ràng cho thấy virus Corona có thể lây truyền qua đường không khí. Báo cáo mới đây từ các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, họ đã xác định được vật liệu di truyền của SARS-CoV-2 trong các giọt nhỏ lơ lửng trong không khí có đường kính nhỏ hơn 1/10.000 inch (2.54µm) tại hai bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Phát hiện này đã được công bố vào ngày 27/04 trên tạp chí Nature.

Trên thực tế, vật liệu di truyền của virus tồn tại trong không khí đã được chứng minh trước đây qua các thí nghiệm tại phòng thí nghiệm, tuy nhiên hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu vấn đề này trong môi trường thực tế.

SARS-CoV-2 đã được chứng minh là lây truyền qua tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, chạm vào bề mặt nhiễm virus hoặc hít phải các giọt hô hấp từ người nhiễm bệnh. Các giọt hô hấp này hiện được cho là không được “sol khí”, do đó không lơ lửng trong không khí mà rơi nhanh xuống đất. “Aerosol” hay “sol khí” là hệ keo của các hạt chất rắn hoặc các giọt chất lỏng phân tán trong không khí hoặc chất khí khác. Trong dịch tễ học, “sol khí” có đường kính dưới 5 µm và có chứa virus hoặc tác nhân truyền nhiễm khác. Những hạt này được phát tán ra trong một màn sương mịn khi người nhiễm bệnh nói hoặc thở và sau đó có thể dễ dàng bị người khác hít vào. Nếu một tác nhân truyền nhiễm trở nên lơ lửng trong không khí trong các hạt nhỏ, nó được gọi là khí dung. Sự lây lan của bệnh qua không khí là truyền khí dung hoặc lây truyền qua đường không khí.

Vào tháng 2 và tháng 3 vừa qua, Giáo sư Ke Lan - Giám đốc Phòng thí nghiệm Virus học Nhà nước tại Đại học Vũ Hán và các đồng nghiệp đã thiết lập bẫy khí dung trong và xung quanh hai bệnh viện do chính phủ chỉ định. Sự tồn tại của SARS-CoV-2 trong các mẫu khí dung này được xác định thông qua việc định lượng vật liệu di truyền RNA.

Cả hai bệnh viện đều được dành riêng để điều trị Covid-19 lúc dịch bệnh bùng phát. Bệnh viện Renmin của Đại học Vũ Hán được chỉ định để điều trị cho các bệnh nhân có triệu chứng nặng, trong khi Bệnh viện Wuchang Fangcang là một bệnh viện dã chiến được chuyển đổi từ một sân vận động để kiểm dịch và điều trị bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Nhìn chung, nồng độ RNA virus ở các khu vực bệnh nhân thở máy hoặc cách ly là rất thấp. Những nơi này được thông gió tốt. Trong khi đó, các khu vực vệ sinh của bệnh nhân không được thông gió, diện tích chật hẹp có nồng độ RNA virus trong không khí tăng cao.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy RNA virus đặc biệt tập trung tại những khu vực nhân viên y tế cởi bỏ trang phục bảo hộ. Điều này cho thấy các sol khí chứa virus có thể phát tán trở lại không khí khi cởi bỏ trang phục bảo hộ.

Nồng độ RNA của SARS-CoV-2 tại các khu vực công cộng bên ngoài bệnh viện, chẳng hạn như các tòa chung cư, siêu thị, cửa hàng bách hóa nhìn chung là thấp, ngoại trừ hai khu vực có rất nhiều người qua lại. Các tác giả nghiên cứu cho rằng những người bị nhiễm SARS-CoV-2 trong các khu vực đông đúc này có thể đã góp phần khiến các sol khí phát tán.

Bệnh viện dã chiến Wuchang Fangcang, Vũ Hán. Ảnh: EPA-EFE/YFC
Bệnh viện dã chiến Wuchang Fangcang, Vũ Hán. Ảnh: EPA-EFE/YFC

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, đây là cuộc điều tra thực tế đầu tiên về đặc điểm khí động học trong không khí của SARS-CoV-2 ở Vũ Hán trong hoàn cảnh kiểm dịch và hạn chế đi lại được thực hiện nghiêm ngặt ở thời kỳ đỉnh điểm của đợt dịch. Nhóm lưu ý rằng cỡ mẫu trong nghiên cứu là nhỏ với ít hơn 40 mẫu từ 31 địa điểm. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng khuyến cáo mọi người nên chú ý đến việc thông gió và khử trùng nhà vệ sinh đúng cách; thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như đeo khẩu trang và tránh đám đông để giảm nguy cơ bị phơi nhiễm virus trong không khí; thực hiện vệ sinh cẩn thận tại các khu vực có nguy cơ cao trong bệnh viện; vệ sinh trang phục bảo hộ trước khi loại bỏ chúng. Các tác giả nghiên cứu đưa ra ý kiến: “Mặc dù chúng tôi chưa xác định được khả năng lây nhiễm của virus được phát hiện tại các khu vực bệnh viện này, chúng tôi vẫn đề xuất rằng SARS-CoV-2 có thể lây truyền qua sol khí”. Việc nghiên cứu về sự lây nhiễm của virus qua các hạt khí dung là cần thiết trong tương lai.

Những hạt khí dung được phát tán ra ngoài qua hít thở, nói chuyện và có thể bị người khác hít vào. Linsey Marr, một giáo sư Kỹ thuật Xây dựng Dân dụng và Môi trường tại Viện Bách khoa và Đại học bang Virginia (Mỹ) cho biết: “Những giọt đó sẽ trôi nổi trong không khí trong vòng ít nhất hai giờ. Điều đó càng nhấn mạnh thêm giả thuyết về nguy cơ lây truyền trong không khí”. Theo như giáo sư Linsey Marr tính toán, sẽ mất khoảng 15 phút để một người hít phải một hạt chứa virus.

Vẫn chưa rõ liệu virus trong các mẫu mà nhóm tác giả nghiên cứu ở Vũ Hán thu thập được có nguy cơ truyền nhiễm hay không. Phải chẳng chỉ là những mảnh virus vô hại?

Tại Trung tâm Y tế trường Đại học Nebraska (Mỹ), các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy RNA của SARS-CoV-2 trong không khí cũng như trên các bề mặt trong phòng, tuy nhiên không xác định được kích thước của các giọt và cũng không chắc liệu những virus này có còn tính lây nhiễm hay không. Sự hiện diện của RNA virus ở những vị trí khác thường như dưới gầm giường hay trên bệ cửa sổ cũng cho thấy những giọt nhỏ được phát tán quanh phòng bằng dòng không khí. Trong các thí nghiệm bổ sung, các nhà khoa học cũng đang cố gắng phát triển virus trong các điều kiện để xác định xem chúng có khả năng gây bệnh cho con người hay không.

Cho đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá thấp khả năng lây nhiễm qua khí dung và khẳng định Covid-19 chủ yếu lây truyền qua những giọt lớn hơn không tồn tại trong không khí.