Phát hiện mới về tác hại của Covid-19

Theo các kết quả nghiên cứu mới, bệnh nhân mắc Covid-19 có thể bị tổn thương tim và não.

SARS-CoV-2 là một loại virus thuộc họ corona, được biết đến với phương thức tấn công vào hệ hô hấp, gây ra các triệu chứng giống cúm thông thường như ho khan và sốt. Các công trình nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ bị tổn thương phổi lâu dài. Tuy nhiên, hậu quả của bệnh chưa dừng lại ở đó.

Không ít trường hợp bệnh nhân bị ngưng tim và tử vong khi mắc Covid-19. Ảnh: SPH.
Không ít trường hợp bệnh nhân bị ngưng tim và tử vong khi mắc Covid-19. Ảnh: SPH.

Theo Gizmodo, nhiều bác sĩ và nhà khoa học cho biết xuất hiện hàng loạt trường hợp bệnh nhân bị tổn thương tim trong khi nhiễm SARS-CoV-2, có thể dẫn đến tình trạng tim ngừng đập và tử vong.

Trong bài báo đăng trên Tạp chí Hiệp hội y khoa Mỹ, Matt Arentz, nghiên cứu sinh tại Đại học Washington (Mỹ) cùng các đồng sự thống kê có đến 1/3 bệnh nhân Covid-19 ở phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) gặp vấn đề với tim.

Ngoài ra, một số ít ca bệnh có triệu chứng bị tấn công hệ thần kinh, chẳng hạn như sưng não, co giật, đột quỵ, mất vị giác và khứu giác. Thậm chí, tỷ lệ khá lớn bệnh nhân Covid-19 bị rối loạn tiêu hóa, bằng chứng cho thấy virus ảnh hưởng đến hệ thống cơ quan này.

Gizmodo nhận xét việc xuất hiện hàng loạt tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau cho thấy phản ứng của hệ miễn dịch đối với virus đôi lúc mang lại tác dụng tiêu cực.

Bệnh nhân Covid-19 có thể gặp Hội chứng giải phóng Cytokine, hiện tượng hệ miễn dịch sản sinh quá nhiều tế bào miễn dịch trong hầu khắp cơ thể, tấn công cả tế bào khỏe mạnh và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh lý sẵn có.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng không loại trừ khả năng chính virus SARS-CoV-2 trực tiếp tấn công vào tim và não bệnh nhân.

Trước tình hình bùng phát mạnh mẽ của Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, giới khoa học đang chạy đua để tìm ra thuốc đặc trị và vaccine phòng ngừa. Một số loại thuốc có hiệu quả với các virus trước đây như hydroxychloroquine (trị sốt rét), avigan (trị cúm), ritonavir (phòng ngừa nhiễm HIV)… cũng được nghiên cứu và thử nghiệm điều trị SARS-CoV-2.

Theo Zing