Phát hiện mỏ đất son làm chất khử trùng, nhuộm da có niên đại 12.000 năm

VietTimes – Với hơn 100 chuyến lặn với tổng cộng 600 giờ trong những hang động ngập nước ở bang Quintana Roo, các nhà khoa học đã phát hiện mỏ đất son có niên đại hàng nghìn năm.
Nhóm nghiên cứu khám phá các cổ vật trong hang. Ảnh: CNBC
Nhóm nghiên cứu khám phá các cổ vật trong hang. Ảnh: CNBC

Thông tin từ VnExpress và VTC New, các nhà khoa học vừa phát hiện khu khai thác đất son có niên đại 12.000 năm tại Mexico. Nơi này có vô số cổ vật, gồm dụng cụ đào đất son như đá búa và búa đóng cọc nhỏ làm từ măng đá, vật đánh dấu giúp thợ mỏ định hướng trong mạng lưới hang động rộng lớn, lò dùng để nhóm lửa.

Đây là kết quả của hơn 100 chuyến lặn với tổng cộng 600 giờ trong những hang động ngập nước ở bang Quintana Roo. Nhóm thợ lặn khám phá những lối ngầm dài khoảng 7km ở 3 hệ thống hang động riêng biệt. Trong đó, có một loạt các đường hầm dài khoảng 900m chứa đựng nhiều bằng chứng về việc khai thác đất son.

Con người đã sử dụng đất son hàng trăm nghìn năm. Đất son được người tiền sử dùng để làm chất khử trùng, vẽ lên cơ thể và đồ vật, nhuộm da.

Mực nước biển dâng cao từ kỷ băng hà khiến các hang động bị bỏ hoang cả thiên niên kỷ trước khi bị ngập cách đây khoảng 8.000 năm. Trước đó, nhóm nghiên cứu đứng đầu là nhà khảo cổ Brandi MacDonald ở Đại học Missouri (Mỹ) đã tìm thấy nhiều bộ xương người trong hang động, cũng có niên đại khoảng 12.000 năm. Tuy nhiên, họ chưa thể xác định tại sao con người lại có mặt ở các hang động này. Nhóm nghiên cứu tin rằng, đây có thể là di cốt của các thợ mỏ chết trong quá trình khai thác.

Các nhà khoa học phát hiện ra sự tồn tại của gỗ cháy, dùng để thắp sáng các hang động có niên đại khoảng 10.000 - 12.000 năm. Đây là bằng chứng lâu đời nhất về việc khai thác đất nung ở châu Mỹ.