Pháp tố Mỹ “nẫng tay trên” lô khẩu trang do Trung Quốc sản xuất. Washington phản ứng

VietTimes -- Trong lúc chính phủ nhiều nước trên thế giới đang chạy đua cung ứng trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19, giới chức Pháp đã tố cáo Mỹ mua lại một lô hàng khẩu trang Trung Quốc vốn định chuyển tới Pháp. Chính quyền Mỹ cho rằng đây là cáo buộc “hoàn toàn sai”.
Một chuyến bay chở trang thiết bị y tế do Trung Quốc sản xuất tới Pháp (Ảnh: AP)
Một chuyến bay chở trang thiết bị y tế do Trung Quốc sản xuất tới Pháp (Ảnh: AP)

“Chính phủ Mỹ không hề mua bất cứ chiếc khẩu trang nào dự kiến chuyển từ Trung Quốc tới Pháp” – Fox News dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ nói – “Đưa ra thông tin về điều ngược lại là hoàn toàn sai”.

Một số quan chức địa phương ở Pháp trước đó nói rằng Mỹ đã chi tiền cho các nhà phân phối Trung Quốc với mức giá ít nhất là cao gấp đôi, bằng tiền mặt, để cướp lấy lô hàng này từ tay nước Pháp.

“Sáng ngày hôm nay tại sân bay, ở Trung Quốc, một đơn hàng của Pháp đã bị người Mỹ mua lại bằng tiền mặt, và chuyến bay dự định tới Pháp đã chuyển hướng bay sang Mỹ” – ông Renaud Muselier, Chủ tịch vùng Paca của Pháp kiêm Chủ tịch Hiệp hội các Vùng của Pháp, nói với hãng RT chi nhánh tại Pháp.

Mặc dù ông Muselier không bình luận sâu hơn về sự việc này khi được phóng viên của tờ nhật báo Liberation đặt câu hỏi, nhưng sau đó ông nói với hãng thông tấn AFP rằng một chủ tịch khu vực khác tiết lộ Mỹ đã trả giá cao gấp 3 lần, bằng tiền mặt, để mua lại lô khẩu trang nọ. Ông Muselier từ chối tiết lộ danh tính vị chủ tịch và số lượng khẩu trang bị mua lại.

Một số quan chức khu vực khác cũng nói với các hãng tin Pháp về sự việc tương tự.

“Khẩu trang đang trở nên khan hiếm, và người Mỹ mua chúng ở bất cứ nơi đâu mà họ thấy, bằng mọi giá” – một quan chức khu vực Pháp nói – “Họ chi gấp đôi và chi bằng tiền mặt, thậm chí trước khi được xem hàng”.

Jean Rottner, Chủ tịch vùng Grand Est, khu vực bị tàn phá bởi dịch COVID-19, nói với kênh phát thanh RTL: “Sự thực là, ở sân bay, một số người Mỹ đã xuất hiện, trưng tiền mặt và chi cao hơn từ 3 – 4 lần so với giá gốc ban đầu chúng tôi thỏa thuận, bởi vậy chúng tôi cần phải đấu tranh”.

Cả ông Muselier và Rottner đều nói với các hãng tin trong nước rằng khu vực của họ không nằm trong số những  nơi bị ảnh hưởng bởi vụ việc, và rằng lô hàng khẩu trang mà họ đặt mua đã được chuyển tới hoặc đang trên đường tới.

Giới chức Pháp thì cho rằng thực trạng tranh giành mua đồ bảo hộ đã và đang gây ra tình trạng chậm trễ trong vận chuyển trang thiết bị y tế thiết yếu tới những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 cũng đã vạch trần sự phụ thuộc của nhiều quốc gia vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nước đang dần nhận thức được rằng lượng hàng cung ứng cần thiết mà họ mua từ Trung Quốc đa phần là kém chất lượng.

Hà Lan mới đây đã buộc phải thu hòi 600.000 khẩu trang kém chất lượng nhập từ Trung Quốc, trong khi Tây Ban Nha đã hoàn trả lại lô hàng gồm hàng nghìn bộ kit xét nghiệm hồi tuần trước. Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia và CH Séc cũng nằm trong số các nước đặt ra nghi vấn về chất lượng hàng cung ứng y tế của Trung Quốc.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, cả Mỹ và Pháp đều tăng cường sản xuất trang thiết bị y tế trong nước để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các nhân viên y tế tuyến đầu, trong lúc kho dự trữ của họ đang cạn dần.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cũng thừa nhận rằng kho dự trữ liên bang đã gần cạn đồ bảo hộ cá nhân dành cho các bác sĩ, y tá trên tuyến đầu chống dịch.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong tuần này cam kết sẽ giúp nước Pháp “hoàn toàn độc lập” trong sản xuất khẩu trang bảo hộ cùng các trang thiết bị y tế khác vào cuối năm nay, trong lúc chính phủ của ông hứng nhiều chỉ trích vì tình trạng thiếu trang thiết bị y tế.