Phản hồi Bộ GD&ĐT về đề nghị ra tiêu chuẩn xe đưa đón học sinh, Bộ GTVT đáp: Đã có luật!

VietTimes -- Vài ngày sau khi Bộ GD&ĐT có văn bản "thúc" Bộ GTVT ra quy định tiêu chuẩn xe ô tô đưa đón học sinh, Bộ GTVT cho biết trên thực tế đã có quy định của pháp luật và đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các Sở GG&ĐT hướng dẫn các trường lựa chọn các đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định pháp luật.
Sau vụ em bé lớp 1 nghi tử vong trên xe đưa đón của trường, hầu hết các cơ sở đào tạo có hình thức dịch vụ này đều đã siết lại quản lý xe đưa đón, tuy nhiên, việc này chưa được thực hiện đồng bộ.
Sau vụ em bé lớp 1 nghi tử vong trên xe đưa đón của trường, hầu hết các cơ sở đào tạo có hình thức dịch vụ này đều đã siết lại quản lý xe đưa đón, tuy nhiên, việc này chưa được thực hiện đồng bộ.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, Bộ đã nhận được văn bản số 4483/BGDĐT-CSVC ngày 01/10/2019 của Bộ GD&ĐT về việc đề nghị quy định tiêu chuẩn xe ô tô đưa đón học sinh. 

Hồi đáp đề nghị này, Bộ GTVT cho biết trên thực tế đã có quy định của pháp luật: Theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật giao thông đường bộ và tại mục 80 Phụ lục 4: Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư thì kinh doanh vận tải đường bộ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo quy định tại Điều 66 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô chia thành 05 loại hình, gồm: (1) kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, (2) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, (3) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, (4) Kinh doanh vận tải khách du lịch, (5) Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Với 5 loại hình nêu trên và theo báo cáo từ các địa phương thì hiện nay, đối với xe ô tô chở học sinh đang được các Sở GTVT cấp phép hoạt động theo loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/21014 của Chính phủ và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT, các xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải thuộc các đơn vị vận tải (bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) đã được Sở GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận tải và xe được cấp phù hiệu, gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Đối với nội dung đề nghị: “Rà soát, nghiên cứu, bổ sung các quy định của pháp luật và hướng dẫn cụ thể đối với loại hình vận tải hành khách là học sinh từ bậc mầm non đến phổ thông”.

Nội dung này, Bộ GTVT trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ), đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ hơn, nhưng một mặt cũng có quy định riêng để phù hợp với tình hình thực tế. 

Cụ thể, nội dung được bổ sung vào Điều 7 dự thảo Nghị định như sau:

“6. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vận chuyển học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc:

a) Trước khi thực hiện hợp đồng phải thực hiện việc thông báo một lần các nội dung tối thiểu của hợp đồng theo quy định tại khoản 2 (trừ các điểm e, điểm g) Điều 15 của Nghị định này; phải thông báo lại khi có sự thay đổi về hành trình, thời gian vận chuyển hoặc các điểm dừng đỗ, đón trả khách”.

Tại Điều 11 của dự thảo Nghị định, cũng đã bổ sung chặt chẽ hơn việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó đã bổ sung nội dung quy định: “... có phương án kiểm soát để bảo đảm không bỏ quên hành khách ở trên xe khi kết thúc hành trình (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách);... ”.