Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp:

Phải vận dụng được cơ hội lúc này, tránh doanh nghiệp ngoại nắm thời cơ

VietTimes  – Thủ tướng nhấn mạnh rằng ngay thời điểm này - sau thời gian giãn cách xã hội - chính là cơ hội trăm năm cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp trong nước không nắm bắt được cơ hội này thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ nắm thời cơ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngay thời điểm này - sau thời gian giãn cách xã hội - chính là cơ hội trăm năm cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngay thời điểm này - sau thời gian giãn cách xã hội - chính là cơ hội trăm năm cho doanh nghiệp.

Lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi kinh tế - vừa diễn ra sáng nay (9/5) – đã làm các doanh nghiệp cảm thấy phấn chấn, tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để phục hồi sau ảnh hưởng của COVID-19.

Cũng trong phát biểu sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhìn nhận Việt Nam còn nhiều nút thắt. Điều này là trăn trở của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Nhưng lúc này, các doanh nghiệp không bàn lùi, không được than nghèo, kể khổ mà cần nêu ra trở ngại lớn cả ngành.

“Chính phủ không thể giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận nhưng có thể giúp doanh nghiệp tăng năng suất, bởi tăng năng suất là bền vững, tạo ra lợi nhuận”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, các doanh nghiệp cũng cần cùng nhau sẻ chia, đóng góp cho bản thân doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động, tinh thần này phải được lan tỏa, phải có kết quả cụ thể. Hội nghị hôm nay không có nói suông, không nói rồi để đó, phải gỡ khó cho doanh nghiệp.

Hội nghị có sự tham gia của các thành viên Chính phủ, các bộ ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp và cả các chuyên gia nước ngoài.
Hội nghị có sự tham gia của các thành viên Chính phủ, các bộ ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp và cả các chuyên gia nước ngoài.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Hội nghị này là lần đầu tiên tổ chức trực tiếp tới 63 điểm cầu cộng với 30 điểm cầu của  các bộ, ban, ngành trung ương. Tất cả 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, 5 triệu hộ kinh doanh, mở rộng hơn là 90 triệu người dân đều được theo dõi, lắng nghe phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như ý kiến của người đứng đầu Chính phủ

“Cùng với chính sách tăng tốc, chính sách đòn bẩy, chúng ta cũng phải có tinh thần chống trì trệ như chống dịch. Virus trì trệ nằm ngay trong tổ chức, doanh nghiệp và địa phương”, Thủ tướng lưu ý.

Nêu lại vấn đề Việt Nam có mục tiêu thịnh vượng vào năm 2045, Thủ tướng nhấn mạnh: "25 năm nữa có thể xuất hiện các đế chế ở Việt Nam không? 25 năm trước chưa ai nghĩ đến Facebook, Google, Alibaba… Thực tế, không gì là không thể, doanh nghiệp không sợ thất bại, phải biến ước mơ thành hiện thực".

Thủ tướng cho rằng việc gì quá dễ dàng thì kém có ý nghĩa, thành công không phải vì đã đạt được, mà là trở ngại đã và sẽ vượt qua. Ông nhấn mạnh lúc gai góc nhất là lúc thể hiện tinh thần dân tộc, tô điểm cho bản lĩnh, ý chí.

Dẫn hai câu đầu trong bài thơ Tự Miễn (Tự khuyên mình) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng động viên các doanh nghiệp rằng việc gì quá dễ dàng thì kém có ý nghĩa, lúc gai góc nhất là lúc thể hiện tinh thần dân tộc, tô điểm cho bản lĩnh, ý chí của mỗi doanh nghiệp:

Ví không có cảnh đông tàn

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”.

Doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế

Mở đầu báo cáo tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – nhấn mạnh tinh thần chung của các doanh nghiệp là: “Biết nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền mà chỉ xin cơ chế. Đó là tâm thế của người chiến thắng”.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang mang tâm thế của người chiến thắng, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang mang tâm thế của người chiến thắng, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Nhìn thẳng vào thực tế doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Lộc bày tỏ lo ngại nếu dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc duy trì sản xuất, kinh doanh, do đứt gãy nguồn cung ứng, thị trường xuất khẩu và thị trường tiêu thụ nội địa.

Dẫn số liệu thống kê khoảng 30% doanh nghiệp cho biết họ chỉ có thể duy trì hoạt động được từ 1-3 tháng; 50% duy trì hoạt động không quá 6 tháng; 20% duy trì hoạt động không quá 12 tháng, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Điều đó có nghĩa là 80% doanh nghiệp sẽ ngừng sản xuất kinh doanh sau 1 năm nếu dịch bệnh kéo dài như hiện nay. Việc khó khăn trong duy trì sản xuất kinh doanh, bên cạnh nhiều hệ lụy về kinh tế, tất  yếu sẽ ảnh hưởng đến duy trì việc làm, ổn định thu nhập  và đời sống cho người lao động”.

Ông Lộc cho rằng, việc làm, thu nhập của người lao động đang trở thành vấn đề lớn và thách thức của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Gần 80% doanh nghiệp thông báo sẽ phải giảm lao động, trong đó mức cắt giảm lao động phổ biến từ 10% đến 50%. Việc cắt giảm lao động nhiều nhất diễn ra trong các doanh nghiệp tư nhân (70%), ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (81%), công nghiệp chế biến chế tạo (78%).

Đối với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy, điện tử, chế biến thực phẩm… thì số lao động bị mất việc làm có thể lên tới hàng triệu người trong thời gian tới. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra các lý do phổ biến nhất mà lao động phải nghỉ việc là: nghỉ do thiếu việc (60%); nghỉ do lo ngại dịch bệnh (40%); nghỉ để trông con do nhà trường phải đóng cửa (38%) và một số phải cách ly do ảnh hưởng của dịch bệnh (27%).

Cần nhanh chóng khai thác “kinh tế ban đêm”

Thay mặt Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội – cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ (hiện nay đã giải ngân trên 20.000 tỷ), gói hỗ trợ tài khóa 180.000 tỷ (tính đến ngày 20/4 đã tiếp nhận hơn 24.200 hồ sơ đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất), gói hỗ trợ giá điện 12.000 tỷ và gói hỗ trợ viễn thông 15.000 tỷ, v.v..

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Đặc biệt đối với riêng ngành Ngân hàng, toàn hệ thống đã nhất quán chủ trương “thắt lưng buộc bụng” để hạ lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ, gia hạn thời gian trả nợ, thậm chí hoãn phân chia lợi tức để hỗ trợ doanh nghiệp với tổng trị giá lên đến 600.000 tỷ đồng. Cho đến nay, ngành ngân hàng đã cấp mới cho hơn 354.000 khách hàng với tổng trị giá khoảng 165.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhu cầu vay vốn để chi trả tiền lương cho công nhân và phục hồi sản xuất, kinh doanh vẫn còn lớn.

Cùng với đó, Chủ tịch Hiệp hội đề nghị ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường tiềm năng dựa trên lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, cũng như các hiệp định mà Quốc hội sắp thông qua như Hiệp định EVFTA và EVIPA, Chính phủ cần tập trung khai thác thị trường nội địa trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

“Các dịch vụ liên quan tới du lịch, giải trí, ăn uống cần được chú trọng mở rộng vào ban đêm. Chúng ta cần nhanh chóng khai thác “kinh tế ban đêm” trên quy mô toàn quốc”, ông Nguyễn Văn Thân đề xuất.

6 đề nghị với doanh nghiệp

Với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng đưa ra 6 lời đề nghị.

Một là yêu Tổ quốc, vì làm việc gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Yêu Tổ quốc cũng có nghĩa là phải thượng tôn pháp luật, phải có tinh thần chia sẻ.

“Nhân đây tôi gửi lời cảm ơn các doanh nghiệp đã đồng hành và chia sẻ khó khăn với Chính phủ. Trong khó khăn ấy, nhiều tấm gương nhân ái chia sẻ thật là vĩ đại, doanh nghiệp lớn giúp nhiều, doanh nghiệp nhỏ giúp ít, nhiều hộ cá thể sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo trong lúc dịch bệnh”, Thủ tướng nói.

Thứ hai là đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự mình làm yếu mình, cần hợp tác với nhau.

Thứ ba, không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. “Tôi xin nói môi trường kinh doanh của chúng ta dù cũng có những khó khăn và thách thức, do đó đừng cầu không có khó khăn, đừng mong dễ dàng vì dễ dàng thì đã không đến lượt chúng ta”.

Thứ tư là năng động, quyết đoán, vì thụ động, lưỡng lự là tự mình đánh mất cơ hội.

Thứ năm là sáng tạo vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau.

Thứ sáu, cần có niềm tin vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình.