“Phá trận” Mỹ tại Syria, Nga ra tay ngăn chặn Thế chiến III

VietTimes -- Trong số 105 tên lửa của Mỹ và liên quân phóng đi thì phần lớn trong số đó đã bị hệ thống phòng không kết hợp Syria-Nga làm tê liệt, không thể bay tới mục tiêu, hoặc bị đánh chặn. Đáng chú ý là 2 trong số các tên lửa hành trình của Mỹ đã bị hệ thống gây nhiều của Syria và Nga làm tê liệt, bị “bắt làm tù bình” và đã được chuyển sang Nga...
Lược đồ đợt không kích ồ ạt của liên quân Mỹ-Anh-Pháp vào Syria sáng 14/4 vừa qua
Lược đồ đợt không kích ồ ạt của liên quân Mỹ-Anh-Pháp vào Syria sáng 14/4 vừa qua

Động cơ của liên quân Mỹ trong chiến dịch tấn công Syria

Trước khi phát động chiến dịch ngày 14/4/2018, liên quân Mỹ-Anh-Pháp tuyên bố hành động quân sự này “chỉ tấn công vào các cơ sở tàng trữ và nghiên cứu chế tạo vũ khí hóa học của Syria” nhằm “ngăn chặn chính quyền Damascus không tái diễn lại việc sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai”. Rõ ràng, nguyên cớ này là giả bởi năm 2013, sau khi Syria cam kết hủy bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học dưới sự giám sát của Tổ chức cấm vũ khí hóa học, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có Mỹ, đã thông qua nghị quyết 2118, trong đó xác định bất cứ sự can thiệp quân sự nào từ bên ngoài vào Syria liên quan tới loại vũ khí này phải do LHQ quyết định trên cơ sở kết quả thẩm tra khách quan.

Ngoài ra, Nga đã trình trước Tổ chức cấm vũ khí hóa học các nhân chứng sống chứng tỏ đoạn băng video được tổ chức “White Helmets” dàn dựng và được Mỹ sử dụng làm căn cứ để cáo buộc “Syria sử dụng vũ khí hóa học” là giả. Thế nhưng, trước bằng chứng không thể chối cãi này, Mỹ và đồng minh vẫn một mực từ chối, không chịu công nhận bởi động cơ đích thực của chiến dịch này lại là hoàn toàn khác. Đó là, tấn công hủy diệt hạ tầng cơ sở kinh tế và quân sự của Syria, thậm chí là nhằm tiêu diệt cá nhân Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Đây là phương thức chiến tranh quen thuộc của Mỹ và NATO đã được lịch sử chứng minh.

Trong cuộc chiến tranh Kosovo năm 1999, Mỹ và NATO cũng đã cáo buộc chính phủ Nam Tư “vi phạm nhân quyền” và mượn cớ “nhân quyền cao hơn chủ quyền” để phát động chiến tranh nhằm tiêu diệt Tổng thống Nam Tư Milosevich. Tuy nhiên, do quân đội Nam Tư sử dụng các dàn tên lửa do Liên Xô trang bị không chỉ bắn rơi nhiều tên lửa hành trình Tomahawk mà cả máy bay tàng hình F-117A và máy bay ném bom chiến lược B1-B của Mỹ, nên NATO đã phải tuyên bố ngừng chiến và chuyển sang áp dụng thủ đoạn “cách mạng nhung” để lật đổ ông Milosevich.

Trong chiến tranh Iraq năm 2003, Mỹ đã dàn dựng chuyện Iraq “sỞ hữu vũ khí hóa học” và mượn cớ đó để phát động chiến tranh nhằm “trừng phạt” quốc gia này nhưng động cơ đích thực là tiêu diệt Tổng thống Saddam Husein. Trong chiến tranh Libya năm 2011, mượn cớ thực hiện Nghị quyết số 1973 của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về “thiết lập vùng cấm bay” ở Libya, nghĩa là chỉ để ngăn chặn máy bay của Libya cất cánh “ném bom vào dân thường”, nhưng mục đích chính trị của Mỹ và NATO là tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược để tiêu diệt Muammar Gaddafi. Ở Syria, theo tiết lộ của báo Mỹ New Yourk Time, Mỹ đã từng can thiệp vào Syria từ năm 2011 với mục đích xuyên suốt là loại bỏ bằng được Tổng thống Bashar al-Assad [3,4].

Để đạt được mục đích này, kể từ năm 2011 Mỹ đã thực hiện cuộc chiến tranh qua tay người khác” núp dưới chiêu bài chống tổ chức khủng bố mang tên “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) để loại bỏ chính thể ở Syria và dựng lên ở Damascus một chính thể do Washington điều khiển. Toan tính này đã bị phá sản sau khi Nga giúp đỡ quân đội Syria đánh bại IS vào cuối năm 2017 đầu năm 2018.

Không còn có thể mượn cớ chống IS, Mỹ buộc phải can thiệp quân sự trực tiếp và dàn dựng chuyện “Syria sử dụng vũ khí hóa học” để thực hiện chiến dịch tấn công trên quy mô lớn nhằm tiêu diệt Tổng thống Syria Bashar al-Assad, tương tự như những gì họ đã làm với Tổng thống Nam Tư Milosevich, Tổng thống Iraq Saddam Hussein và Tổng thống Libya Muammar Gaddafi.

Để thực hiện mục đích này, kịch bản chiến dịch tấn công Syria được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đệ trình Tổng thống Donald Trump theo 3 phương án, hay là 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là tấn công thăm dò khả năng phòng thủ của Syria núp dưới chiêu bài “tấn công các mục tiêu liên quan tới vũ khí hóa học của Syria”. Nếu nhận thấy khả năng phòng thủ của Syria yếu kém, Mỹ sẽ chuyển sang giai đoan 2 là tấn công ồ ạt vào sở chỉ huy của quân đội Syria. Giai đoạn 3 là tấn công hệ thống phòng không của Nga ở Syria. Việc báo chí Mỹ đưa tin ông James Mattis khuyên can Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ nên dừng lại ở giai đoan 1 là hoàn toàn trái với động cơ đích thực của Washington [5,6]. Còn nhiều nguồn tin khác còn dự báo 5 kịch bản chiến dịch tấn công quân sự Syria do liên quân Mỹ-Anh-Pháp thực hiện, trong đó có cả kịch bản tấn công các mục tiêu quân sự của Nga ở Syria [7,8,9].

Để thực hiện những kịch bản này, Mỹ và liên quân đã chuẩn bị phóng không phải là hàng trăm mà là hàng ngàn tên lửa hành trình và bom điều khiển chính xác cao tấn công Syria từ xa, trong đó có tên lửa mang đầu đạn xuyên phá AGM-158 JASSM và AGM-158B JASSM-ER có thể tấn công trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, cả ban ngày lẫn ban đêm, từ ngoài tầm hỏa lực phòng không của đối phương, để phá hủy các mục tiêu cực kỳ quan trọng như boongke của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, các sở chỉ huy, kho tàng chiến lược nằm sâu trong lòng đất và được xây dựng kiên cố. Loại tên lửa này được trang bị cho các máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer và B-2 Spirit và các máy bay chiến đấu khác như F-15 hoặc F-16 và lần đầu tiên được sử dụng trong cuộc chiến ở Syria [10].

Nga làm phá sản phương thức tác chiến truyền thống của Mỹ

Phương thức tác chiến quen thuộc của Mỹ và NATO trong các cuộc chiến tranh chiến tranh Vùng Vịnh (1991), chiến tranh Kosovo (1999), chiến tranh Afghanistan (2001), chiến tranh Iraq (2003) và chiến tranh Libya (2011) là trước hết phải sử dụng các biện pháp tác chiến điện tử để đảm bảo hoàn toàn vô hiệu hóa hệ thống chỉ huy phòng không của đối phương, sau đó mới thực hiện các đòn tấn công bằng hỏa lực kết hợp đồng thời với tác chiến điện tử.

Ở Syria, Mỹ và liên quân Anh-Pháp đặc biệt chú trọng giai đoạn “dọn đường điện tử” này vì họ hiểu rõ hơn ai hết hệ thống chỉ huy phòng không cùa quốc gia này được Nga giúp đỡ xây dựng, hoàn toàn khác với hệ thống phòng thủ của Nam Tư, Afghanistan, Iraq và Libya. Hơn nữa, toàn bộ không phận Syria nằm trong phạm vi bao quát của hệ thống C3I của Nga[11,12]. Người Mỹ tin chắc rằng hệ thống phòng không của Syria, thậm chí cả của Nga như S-400, không thể đánh chặn tên lửa Tomahawk, máy bay ném bom chiến lược B-1, B-2 và máy bay tàng hình F-22 của Mỹ [13] 

Do quá tự tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter:“Người Nga hãy chuẩn bị tinh thần đi. Chúng đang tới, những tên lửa đẹp đẽ, tiên tiến và thông minh". Tuy nhiên, phương thức tác chiến quen thuộc của Mỹ và NATO đã không thể phát huy hiệu quả ở Syria. Hệ thống phòng không của Syria không chỉ hoàn toàn đứng vững trước các đòn tấn công điện tử cấp tập của liên quân Mỹ-Anh-Pháp mà còn giáng trả đích đáng với hiệu quả cao kỷ lục. Trong số 105 tên lửa của Mỹ và liên quân phóng đi thì phần lớn trong số đó đã bị hệ thống phòng không kết hợp Syria-Nga làm tê liệt, không thể bay tới mục tiêu, hoặc bị đánh chặn. Đáng chú ý là 2 trong số các tên lửa hành trình của Mỹ đã bị hệ thống gây nhiều của Syria và Nga làm tê liệt, bị “bắt làm tù bình” và đã được chuyển sang Nga [10,14].

Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa Tomahawk tấn công Syria hôm 14/4

Do bị thất bại choáng váng trong giai đoạn 1, trong đó không thể thực hiện được mục đích tấn công tàn phá hạ tầng cơ sở kinh tế và quân sự của Syria, thậm chí là tiêu diệt Tổng thống Bashar al-Assad, Mỹ đã vội vàng kết thúc cuộc chiến và tuyên bố “chiến thắng hoàn hảo”. Rõ ràng, từ động cơ của cuộc chiến là “trừng phạt Syria vì tội sử dụng vũ khí hóa học” tới “chiến thắng hoàn hảo” đều là giả. Còn thắng lợi của Syria và Nga là thật. Báo chí phương Tây đã nhận định rằng “người Nga đã thắng ở Syria mà không cần bắn một viên đạn”. Còn Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến ở Syria. “Thảm hại” là bởi các loại vũ khí của Mỹ tấn công Syria được Tổng thống Donald Trump mô tả là “mạnh mẽ, đẹp và thông minh” đã bị Syria hợp đồng tác chiến với Nga bắn “rụng như sung”. Xác của những tên lửa Tomahawk “xấu số” này đã được Bộ quốc phòng Nga tổ chức trưng bày trước sự chứng kiến của các nhà báo quốc tế [10,14,15].

Rõ ràng, nếu không bị thất bại nặng nề trong giai đoạn 1, Mỹ và liên quân sẽ chuyển sang giai đoan 2 và 3, trong đó rất có thể Mỹ sẽ tấn công vào các căn cứ quân sự của Nga ở Syria. Tuy nhiên, tướng Igor Korodchenko, Tổng biên tập Tạp chí “National Defense”-một người có mối quan hệ gần gũi và tin cậy với Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga, phía Nga đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với kịch bản xấu nhất, theo đó Mỹ có thể tấn công các mục tiêu quân sự của Nga ở căn cứ quân sự Hymimim và Tartus.

Trong trường hợp đó, Nga sẽ tấn công và hủy diệt toàn bộ hạm đội của hải quân Mỹ ở Địa Trung Hải trong vòng 30 phút! Chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất này, các tàu chiến của Nga đã rời khỏi căn cứ Tartus để phối hợp với các tàu ngầm ở Địa Trung Hải trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, đồng thời hệ thống chỉ huy của Nga ở Syria đã liên tục bám sát tất cả các tàu chiến, máy bay và các tên lửa của Mỹ được phóng đi để đảm bảo chắc chắn 100% là không có quả nào nhằm vào các mục tiêu của Nga. Cũng chính vì thế mà Nga đã xác định chính xác tất cả các tên lửa của Mỹ và liên quân bị đánh chặn ở Syria [16].

Nhận định về cách hành xử của Nga trong chiến dịch tấn công Syria của liên quân Mỹ-Anh-Pháp ngày 14/4/2018, trung tướng Kenneth Mackenzie, Giám đốc trung tâm lập kế hoạch chiến lược và chính sách của Mỹ, cho biết, các quân nhân Nga đã hành động “rất chuyên nghiệp”, nghĩa là họ chỉ giúp quân đội Syria đáp trả các đòn tấn công nhưng không uy hiếp trực tiếp các lực lượng của Mỹ ở Syria, đồng thời duy trì đường dây nóng tiếp xúc với phía Mỹ. Đây có thể mà một trong những yếu tố quan trọng nhằm không để hành động quân sự leo thang thành cuộc đối đầu Mỹ-Nga trên quy mô lớn ở Trung Đông [17]./.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vladnews.ru/2018-04-15/129422/budet_tretya

[2] https://www.bbc.com/russian/features-43757213

[3] https://www.nytimes.com/2011/04/15/world/15aid.html

[4] http://maxpark.com/community/13/content/6316085

[5] https://www.gazeta.ru/politics/2018/04/16_a_11718577.shtml

[6] https://www.wsj.com/articles/trump-bowed-to-pentagon-restraint-on-syria-strikes-1523837509

[7] https://www.bbc.com/russian/features-43740353

[8] http://svpressa.ru/politic/article/136584/

[9] https://www.kp.ru/daily/26818.4/3854356

[10] https://graf-kankrin.livejournal.com/49716.html

[11] https://defendingrussia.ru/a/_sirija_pvo-3723/

[12] https://vz.ru/world/2018/4/14/897405.html

[13] https://vz.ru/politics/2018/4/11/916957.html

[14] https://anpuls.ru/2486zapadnye-smi-rossiya-vyigrala-bez-edinogo-vystrela

[15] https://www.globalresearch.ca/trump-is- playing-a-dirty-game-report-from-damascus-at-4am-at-the-height-of-the-bombings/5636201

[16] https://politexpert.net/101851-korotchenko-rossiya-byla-gotova-potopit-flot-ssha-v-sredizemnomore-v-techenie-30-minut

 [17] https://politpuzzle.ru/98925-russkie-dejstvovali-professionalno-v-pentagone-otsenili-rabotu-voennyh-rf-vo-vremya-udara-ssha-po-sirii/