PGS.TS. Trần Hồng Côn: “Cần công bố rõ lượng thủy ngân bay hơi trong đám cháy để người dân bớt hoang mang”

VietTimes -- Để xác định mức độ ảnh hưởng của thủy ngân tới môi trường, có gây ngộ độc hay không, cần phải xem xét nhiều yếu tố về thời tiết, số lượng bóng đèn bị phá hủy, lượng nguyên liệu chứa thủy ngân bị thất thoát trong đám cháy... Đó là một nội dung trong cuộc trao đổi của PGS.TS. Trần Hồng Côn, Khoa Hóa - Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) với VietTimes sau vụ cháy ở Công ty Cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông.

- Từ lâu, thủy ngân là chất không thể thiếu trong sản xuất bóng đèn huỳnh quang. Vậy lượng thủy ngân có trong các bóng đèn này có lớn không?

Bóng đèn huỳnh quang (hay bóng đèn compact) có cấu tạo gồm: vỏ bên ngoài bằng thủy tinh, phía bên trong có một lớp huỳnh quang và thủy ngân. Người ta sử dụng thủy ngân để kích thích huỳnh quang phát sáng. Phụ thuộc vào công suất và loại bóng đèn, ta sẽ có tiêu chuẩn về lượng thủy ngân tương ứng. Song, hàm lượng thủy ngân trong các bóng đèn này thường rất nhỏ, chỉ vài milligram.

PGS.TS Trần Hồng Côn cho rằng, nếu lượng thủy ngân lớn, chúng ta phải tìm cách khắc phục hậu quả.

PGS.TS Trần Hồng Côn cho rằng, nếu lượng thủy ngân lớn, chúng ta phải tìm cách khắc phục hậu quả.

Khi những chiếc bóng đèn hết hạn sử dụng, hỏng, vỡ, lượng thủy ngân vẫn tồn tại và cần được xử lý chuyên biệt. Song, một hai chiếc bóng đèn vỡ sẽ không gây hại tới sức khỏe con người, còn hàng ngàn chiếc bóng đèn bị phá hủy trong vụ cháy có thể gây ra mối nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.

- Chúng ta biết rằng thủy ngân là một chất độc đối với cơ thể con người. Trong trường hợp vụ cháy tại Công ty Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông vừa qua, khi hàng ngàn chiếc bóng đèn bị phá hủy, có gây hại tới sức khỏe người dân và gây ô nhiễm môi trường hay không?

Trong trường hợp này, để kết luận rằng người dân có nguy cơ ngộ độc thủy ngân hay không, chúng ta phải nắm được có bao nhiêu thủy ngân thoát ra môi trường xung quanh vụ cháy.

Để tính toán được điều này, cần xem xét tới số lượng bóng đèn trong kho, điều kiện thời tiết khi đám cháy xảy ra, trong kho có nguyên liệu nào khác chứa thủy ngân không, chúng có bị phá hủy không, thời thiết khi vụ cháy xảy ra như thế nào…

Trên cơ sở đó mới tính toán được lượng thủy ngân đã bay hơi vào không khí và nguy cơ gây ngộ độc.

Nếu khi vụ cháy xảy ra, trời lặng gió, thủy ngân sẽ bốc hơi dày đặc và tồn tại trong phạm vi hẹp, tập trung ở khu vực đám cháy và lân cận. Khi đó, những người trực tiếp cứu nạn, cứu hộ, hoạt động trong đám cháy sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe nhiều  nhất.

Nếu trời có gió, thủy ngân sẽ bay theo chiều gió và gió càng lớn, thủy ngân phát tán càng xa, nồng độ càng nhỏ, càng ít ảnh hưởng tới con người. Bên cạnh đó, nếu trời đổ mưa, mưa sẽ rửa trôi hết những thủy ngân trong không khí, làm sa lắng xuống mặt đất.

- Sau vụ cháy, phía Công ty cho biết họ đã sử dụng vật liệu thay thế thủy ngân là Amalgam. Chất này có an toàn hơn thủy ngân không, thưa ông?

Tôi cũng có nghe nói đến việc này. Một số người khẳng định chất Amalgam không bay hơi, an toàn hơn, tuy nhiên nói như vậy chưa đầy đủ. Amalgam là hỗn hống của thủy ngân với kim loại khác như đồng, bạc, kẽm..., ở dạng rắn, dễ định lượng, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc tính dễ bay hơi của thủy ngân sẽ mất đi.

Tức là, thủy ngân có trong amalgam vẫn bay hơi, nhưng bay hơi kém hơn thủy ngân lỏng ở nhiệt độ thường. Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, cả hai dạng đều có mức độ bay hơi như nhau, chứ không phải là thủy ngân trong amalgam ít bay hơi hơn thủy ngân thường.

Bên cạnh đó, thủy ngân tuy là kim loại nhưng tồn tại ở dạng lỏng, dù có mặt trong hỗn hống cũng sẽ bay hơi kể cả ở điều kiện nhiệt độ bình thường và bay hơi nhanh hơn khi gặp nhiệt độ cao.

- Ông vừa chia sẻ rằng khi gặp cơn mưa, thủy ngân sẽ bị rửa trôi. Trong điều kiện hai ngày qua, Hà Nội đã có những cơn mưa rất to, như vậy cũng đã rửa sạch lượng thủy ngân dư thừa trong không khí?

Đúng vậy, lượng thủy ngân trong không khí sẽ giảm xuống nhiều lần. Khi có mưa rửa đi, bầu không khí sẽ trở nên sạch hơn, làm lượng thủy ngân trong không khí đã có thể giảm xuống mức bình thường.

- Vậy người dân có nên quá lo lắng về nguy cơ ngộ độc thủy ngân?

Chúng ta vẫn cần biết có bao nhiêu thủy ngân đã bay hơi vào trong không khí mới có thể trấn an người dân. Nếu lượng thủy ngân đó nhỏ, không đáng kể, lại có gió phân tán đi rất rộng, người dân có thể yên tâm. Song, nếu lượng thủy ngân lớn, chúng ta phải tìm cách khắc phục hậu quả.

- Có ý kiến cho rằng hiện nay người dân ở nhà bê tông, sử dụng nước máy, thực phẩm từ vùng khác chuyển đến, vì vậy không nên quá lo lắng về nguy cơ ngộ độc. Ông có đồng tình với nhận định này?

Ý kiến này khá dân dã và có mặt đúng. Trong trường hợp người dân xung quanh khu vực xảy ra vụ cháy có trồng rau và thực phẩm, tích trữ nước trong bể hở, nên xem xét có thể loại bỏ các thực phẩm đó để tránh nguy cơ ngộ độc, khi chưa có công bố chính xác về mức độ ô nhiễm thủy ngân trong môi trường đất và nước chịu ảnh hưởng của vụ cháy.

Nếu người dân sử dụng thực phẩm được vận chuyển từ xa tới, nước máy trong hệ thống cấp nước thành phố thì không nên lo lắng.

Điều quan trọng là người dân phải được biết lượng thủy ngân đã bay hơi, mức độ ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe ra sao, mới có thể yên tâm sinh hoạt. Việc cần làm ngay lúc này là phải thông tin rõ kết quả quan trắc cho người dân về mức độ thủy ngân ở xung quanh khu vực cháy, để họ nắm được liệu có phải hủy cả vườn rau, hay là thau rửa toàn bộ giếng nước ở khu vực mình đang sinh sống hay không.

Xin cảm ơn ông!