PGBank và VietinBank đã tìm hiểu nhau trước 3 - 4 năm

Được biết, đề xuất sáp nhập, mô hình sáp nhập là từ phía PGBank đề xuất, nhưng do mô hình mới quá (PGBank còn nguyên và là ngân hàng TNHH thuộc VietinBank, hay còn gọi là mô hình ngân hàng trong ngân hàng), Việt Nam chưa có nên không được chấp nhận.
PGBank và VietinBank đã tìm hiểu nhau trước 3 - 4 năm

Ngày 14/4 vừa qua, cổ đông của cả 2 ngân hàng là VietinBank và PGBank đã bỏ phiếu đồng ý thông qua việc sáp nhập 2 ngân hàng này với nhau. Theo đó, trong tháng 6 tới đây hai bên sẽ trình đề án cụ thể lên NHNN; Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:0,9 tức 1 cổ phiếu PGBank đổi 0,9 cổ phiếu VietinBank và dự kiến việc sáp nhập sẽ hoàn thành trong quý 3/2015.

Sau sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐQT PGBank.

Dường như PGBank đã được bán với giá khá hời trong thương vụ này đúng không, thưa ông?

Tôi không nghĩ thế. PGBank mặc dù là một ngân hàng nhỏ nhưng có rất nhiều lợi thế và tiềm năng mà Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) chưa đủ năng lực khai thác hết.

Bên cạnh đó, thông thường trên thế giới khi việc mua bán sáp nhập diễn ra thì các đối tác sẽ đánh giá cao các ngân hàng nhỏ nhưng có lợi thế mà chưa được khai thác hết. Bởi lẽ việc mua ngân hàng là người ta sẽ mua cái tiềm năng của ngân hàng đó chứ không phải đánh giá đơn giản ở quy mô hay bề mặt của hiện tại.

Được biết trước đây đã có khá nhiều đối tác ngỏ lời, vậy tại sao PGBank lại chọn VietinBank?

Đúng là có nhiều đối tác là các tập đoàn tư nhân lớn ở Việt Nam đã tìm hiểu và bày tỏ mong muốn muốn trở thành đối tác của PGBank, nhưng chúng tôi cho rằng Tập đoàn Petrolimex là một định chế lớn ở Việt Nam nhưng cũng cảm thấy chống chếnh khi đổ vốn vào đây. Do đó, một đối tác khác dù là lớn nhưng khi tham gia vào PGBank cũng khó có thể giúp PGBank trở  thành một ngân hàng thật sự mạnh.

Còn với VietinBank đây là một trong những ngân hàng hàng đầu của Việt Nam, chúng tôi tin rằng với kinh nghiệm, tiềm lực và quản trị của VietinBank chắc chắc sẽ khai thác hết những thế mạnh mà PGBank đang có; đồng thời sẽ đưa PGBank phát triển đúng với kỳ vọng và định hướng ban đầu.

Việc PGBank về một nhà với VietinBank cũng được đồng đoán từ lâu nhưng tại sao bây giờ mới đi đến “hồi kết”, phải chăng việc thương lượng giữa hai bên gặp khó khăn gì?

Đúng là việc tìm hiểu giữa Vietinbank và PGBank đã diễn ra cách đây khoảng 3 – 4 năm về trước và việc tìm hiểu này hoàn toàn không có gì khó khăn.

Đề xuất sáp nhập là xuất phát từ phía PGBank, mô hình sáp nhập chúng tôi cũng đề xuất nhưng do mô hình mới quá (PGBank còn nguyên và là ngân hàng TNHH thuộc VietinBank hay còn gọi là mô hình ngân hàng trong ngân hàng), Việt Nam chưa có nên không được chấp nhận.

Sau đó chúng tôi phải chỉnh sửa lại cho phù hợp. Rất may 2 bên đều làm theo chuẩn mực quốc tế nên không có gì khó khăn trong quá trình thương lượng.

Sáp nhập vào một ngân hàng lớn như VietinBank vậy PGBank có lo sợ tên thương hiệu của mình bị biến mất không?

Thương hiệu PGBank là sở hữu của Petrolimex, các định chế sau này vẫn sẽ vẫn sử dụng nhưng có thể không phải là bank nữa mà là một tên gọi khác. Chẳng hạn như PG Finance.

Vậy dự kiến công ty PG Finance sẽ hoạt động như thế nào?

Theo dự kiến, những gì rất mạnh của PGBank sẽ được giữ lại để phát huy hơn thế mạnh này. Mục tiêu của việc sáp nhập là để cho PGBank trở nên tốt hơn, mạnh hơn.

Chúng tôi quan niệm đây là chương trình tái cấu trúc gồm tái cấu trúc về tài chính và tổ chức. Trong thương vụ này thì việc tái cấu trúc sẽ làm cả 2. Những lĩnh vực gì PGBank vốn đã mạnh nhưng vẫn cần sự “bồi bổ” từ phía VietinBank để mạnh hơn nữa, vững hơn nữa thì nên duy trì.

Có thể nói dễ hiểu là ngân hàng sau khi sáp nhập sẽ thành lập công ty tài chính trực thuộc trong quý 3/2015 – đi theo xu hướng của các ngân hàng khác nhằm theo đuổi mảng tín dụng tiêu dùng/vay không có tài sản đảm bảo thông qua công ty con độc lập.

Thông thường sau khi tiến hành sáp nhập việc tái cấu trúc nhân sự là lãnh đạo cao cấp sẽ được tiến hành ngay. Liệu những cán bộ chủ chốt của PGBank có còn được giữ lại hay không?

Trước mắt chúng tôi sẽ giữ lại nguyên trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo hiện nay để đưa sang VietinBank, họ sẽ trở thành cán bộ của VietinBank. Tuy nhiên, sẽ có 6 tháng thử thách để họ khẳng định mình, nếu phù hợp họ sẽ được giữ lại. Đây là điều bình thường của bất kỳ công việc nào.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này

Theo Trí thức trẻ