Petrolimex lỗ nghìn tỷ: Có đúng tại giá xăng dầu giảm?

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex vừa thông báo lỗ hơn nghìn tỷ trong quý 4/2014 do giá xăng dầu giảm mạnh. Tuy nhiên, lý do này liệu có chính xác?
 Petrolimex lỗ nghìn tỷ: Có đúng tại giá xăng dầu giảm?

Tại quý IV vừa rồi, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex báo lỗ 1.325,9 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 295,6 tỷ đồng) và qua đó kéo sập kết quả cả năm, ghi nhận lỗ 350,6 tỷ đồng, đảo ngược kết quả lãi của năm 2013 là 1.377,9 tỷ đồng.

Do vậy, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) quý IV bị âm 1.239 đồng/cp và cả năm 2014 âm 328 đồng/cp.

Theo ghi nhận tại báo cáo tài chính riêng Công ty mẹ, trong quý IV, công ty mẹ Petrolimex lỗ nặng 782,4 tỷ đồng (gấp 8,4 lần mức lỗ cùng kỳ 2013) và khiến mức lãi cả năm giảm còn 67,3 tỷ đồng (bằng 9,5% cùng kỳ).

Tại văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Trần Văn Thịnh cho biết, số lỗ quý IV công ty mẹ gấp hơn 8 lần cùng kỳ là do thời gian này giá xăng dầu thế giới giảm liên tục với biên độ lớn, vượt các dự báo nên ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các công ty khai thác cũng như kinh doanh mặt hàng xăng dầu.

Điều này khiến Petrolimex tin rằng hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quý IV/2014 đều phát sinh lỗ.

Bên cạnh đó, theo Petrolimex, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1/11/2014 quy định công thức tính giá cơ sở được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu, trong khi Tập đoàn luôn phải đảm bảo tồn kho dự trữ tối thiểu là 30 ngày dẫn đến kết quả kinh doanh quý IV/2014 bị lỗ.

Ngoài ra, lợi nhuận hoạt động tài chính lỗ là do Công ty mẹ trích lập dự phòng đầu tư vào các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và lỗ do chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ.

Lý do lỗ khó chấp nhận?

Tuy nhiên, lý do lỗ vì giá xăng dầu giảm của Petrolimex đã nhiều lần bị các chuyên gia lên tiếng phản bác mạnh mẽ.

Dẫn lời trên báo Đất Việt, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng lý do trên không chấp nhận được. "Dự trữ 30 ngày thì doanh nghiệp xăng dầu cũng chỉ phải dự trữ có một lần với một mức cố định năm trước cũng như năm sau nếu không sẽ gây đứt đoạn trong phục vụ lưu thông.

Thường thì người ta ký hợp đồng giao trước 3 tháng cho nên lãnh đạo doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, ông ta phải có sự nhạy cảm, phán đoán trước được những biến động về giá nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo doanh nghiệp có lợi nhất.

Hơn nữa, khi Nhà nước quy định 15 ngày điều chỉnh giá một lần, trong suốt quá trình chuẩn bị điều chỉnh ấy doanh nghiệp xăng dầu vẫn bán theo giá cũ, chứ không phải mua về là bán ngay theo giá mới. Như vậy, ở đây là nhập bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, không phải nhập về để dự trữ", ông Long chỉ rõ.

Vị chuyên gia này cũng thẳng thắn cho rằng: "Cách nói trên chỉ là ngụy biện, nói với những người không biết mà thôi. Có thời gian doanh nghiệp xăng dầu lãi hơn 1.000 đồng/lít mà Nhà nước vẫn chưa điều chỉnh giá vì phải đợi 15 ngày, khi ấy lãi của doanh nghiệp xăng dầu là bao nhiêu?".

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc kinh doanh xăng dầu của Petrolimex không thể bằng các năm trước là điều hoàn toàn có thể hiểu được bởi giá xăng dầu thế giới giảm chắc chắn ảnh hưởng rất nặng nề tới tập đoàn này, những doanh nghiệp không kinh doanh sành sỏi sẽ khó lòng chịu nổi.

"Tuy nhiên, đo lường ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới làm Petrolimex thua lỗ đến mức nào thì phải có các thông số, kết quả phân tích sâu vào báo cáo tài chính của họ", bà Phạm Chi Lan nói.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc Petrolimex, doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất báo lỗ là một điều đáng quan ngại.

"Petrolimex với vị thế thống lĩnh thị trường còn bị lỗ thế, câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp xăng dầu khác hoạt động theo điều kiện tương tự của Petrolimex có bị lỗ hay không, mức độ lỗ có tương đương với quy mô thị trường của họ hay không".

                                                                             Theo ĐSPL