Peacesoft, Vimo, TopCV, nganluong.vn: Đâu mới là ‘gà đẻ trứng vàng’ cho NextTech Group?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – NextTech Group của vị doanh nhân Nguyễn Hoà Bình nổi lên như ‘vườn ươm’ các ‘start-up’, chủ yếu trong các lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần.
Từ trái qua: ông Nguyễn Hữu Tuất - CEO của NextPay, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch NexTech và ông Đỗ Công Diễn - Giám đốc vận hành NextPay.
Từ trái qua: ông Nguyễn Hữu Tuất - CEO của NextPay, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch NexTech và ông Đỗ Công Diễn - Giám đốc vận hành NextPay.

Năm 2018, Thanh tra NHNN phát hiện vụ việc chuyển thẳng hơn 200.000 nhân dân tệ (tương đương 700 triệu đồng Việt Nam) ra nước ngoài qua hệ thống máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS) mà không thông qua bất kỳ hệ thống ngân hàng hay tổ chức trung gian thanh toán nào của Việt Nam.

Theo đó, khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam đã mua bán bằng thẻ nội địa, sử dụng máy POS đưa chui vào Việt Nam để kết nối internet về hệ thống thanh toán Trung Quốc như ứng dụng AliPay, WeChat Pay chứ không phải bằng thẻ thanh toán quốc tế.

Sự việc này đặt ra mối lo ngại về việc lợi dụng công nghệ cao để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ quốc gia.

Alipay sau đó đã công bố đã ký kết chiến lược với Napas, còn Wechat Pay hợp tác với ví điện tử Vimo để mở đường cho các hoạt động chính thức ở Việt Nam.

Đáng chú ý, ví điện tử Vimo của CTCP Công nghệ Vi mô (Vimo) là đơn vị trung gian thanh toán đầu tiên cho phép du khách Trung Quốc sử dụng ví điện tử WeChat Pay thanh toán tại Việt Nam.

Theo tìm hiểu của VietTimes, mối hợp tác này đã góp phần cứu vãn hoạt động kinh doanh cho Vimo.

Trong 4 năm gần nhất, doanh thu riêng lẻ của công ty này chạm đáy vào năm 2018, ở mức 67,5 tỉ đồng, chưa bằng một nửa so với năm 2017. Năm 2019, khi lượng khách Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh, doanh thu của Vimo bật lên mức 342,6 tỉ đồng, vượt trội hơn hẳn so với 3 năm trước.

Tuy nhiên, Vimo chỉ duy nhất một lần báo lãi vào năm 2017 (4,2 tỉ đồng). Kinh doanh thua lỗ triền miên, tính đến cuối năm 2019, quy mô vốn chủ sở hữu của Vimo âm 11,7 tỉ đồng.

NextTech Group

Thành lập từ cuối năm 2013, Vimo là một trong số ít các ‘start-up’ có kết quả kinh doanh nổi bật, được ‘ươm mầm’ trong hệ sinh thái NextTech Group của vị doanh nhân Nguyễn Hoà Bình.

Ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch NextTech Group

Ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch NextTech Group

Được biết, vị Chủ tịch sinh năm 1981 của NextTech Group từng đạt nhiều giải thưởng trong lĩnh vực khi còn là sinh viên, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị thông tin tại Đại học Osaka, Nhật Bản. Ông Nguyễn Hoà Bình được truyền thông trong nước miêu tả có khao khát khởi nghiệp khi còn rất trẻ, lập công ty riêng khi mới 19 tuổi, tự chiến đấu xây dựng sự nghiệp từ con số 0 tròn trĩnh.

Ông Nguyễn Hoà Bình là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Giải pháp phần mềm Hoà Bình (Peacesoft), hiện đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại toà nhà VTC Online, số 18 đường Tam Trinh, Hà Nội – đây cũng là “đại bản doanh” của nhiều công ty trong hệ sinh thái NextTech Group.

Tại ngày 27/11/2018, Peacesoft có quy mô vốn điều lệ 19,39 tỉ đồng. Trong đó, nhóm nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới 91,678% vốn, bao gồm: Peacesoft Holdings Ltd (sở hữu 68,11%), ông Nguyễn Hoàng Bảo (Henry Nguyễn) và IDGVV1 (do ông Bảo làm đại diện) sở hữu 23,568% vốn điều lệ.

Về phía các nhà đầu tư trong nước, dữ liệu của VietTimes có ghi nhận sự hiện diện của vợ chồng ông Nguyễn Hoà Bình – Đào Lan Hương, ông Vũ Thành Trung (SN 1960), ông Nguyễn Hữu Tuất (SN 1983) trong vai trò cổ đông của Peacesoft. Riêng ông Vũ Thành Trung còn có liên quan tới Công ty TNHH Dịch vụ nền di động Việt Nam (Vimass).

Đáng chú ý, toàn bộ các cổ đông nói trên từng thế chấp cổ phần của Peacesoft tại Ebay AG International. Hay nói cách khác, Peacesoft tựa như “cánh tay nối dài” của Ebay tại Việt Nam, chứ không đơn thuần chỉ là đối tác của đại gia thương mại điện tử một thời.

Cập nhật tới tháng 6/2020, Peacesoft Holdings Ltd bất ngờ thoái toàn bộ vốn, tỉ lệ sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài tại Peacesoft giảm xuống 23,564%.

Điều đáng nói là kết quả kinh doanh của Peacesoft trong 4 năm gần nhất khá khả quan, chỉ báo lỗ 1 lần duy nhất vào năm 2017. Riêng năm 2019, công ty này báo lãi tới 35,4 tỉ đồng, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu lên tới 32,9%.

Thương hiệu NextTech có lẽ xuất phát từ sự phát triển của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ tương lai (NextTech Corp). Doanh nghiệp được vợ chồng doanh nhân Nguyễn Hoà Bình và Đào Lan Hương sáng lập từ tháng 2/2013.

Sau nhiều năm hoạt động, NextTech Corp đổi tên thành CTCP Tập đoàn NextTech (NextTech Group), cơ cấu cổ đông cũng có nhiều thay đổi.

Tính đến tháng 12/2020, ông Nguyễn Hoà Bình và ông Nguyễn Huy Hoàng (cùng địa chỉ thường trú) góp 400 tỉ đồng, sở hữu 80% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại của NextTech Group do ông Đào Minh Phú sở hữu.

Về kết quả kinh doanh, trong 4 năm gần nhất, NextTech Group liên tục báo lỗ, kết quả kinh doanh cũng suy giảm rõ rệt. Tính đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của NextTech Group âm tới 12,8 tỉ đồng. Tình trạng kinh doanh thua lỗ có thể kéo dài từ trước đó, bởi từ cuối năm 2016, NextTech Group đã âm vốn chủ sở hữu tới 10,8 tỉ đồng.

"Portfolio" của NextTech Group

"Portfolio" của NextTech Group

Nganluong.vn: “Con gà đẻ trứng vàng” cho NextTech Group

NextTech Group cho biết đang sở hữu một “portfolio” các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần. Ngoài những Vimo, Nextpay, Boxme, danh mục của tập đoàn này còn có nganluong.vn và TopCV.

Thành lập vào tháng 1/2016, CTCP TopCV Việt Nam (TopCV Việt Nam) ban đầu có quy mô vốn 100 triệu đồng, sáng lập bởi 3 cổ đông cá nhân là ông Trần Trung Hiếu (70% VĐL), Vũ Nhật Anh (25% VĐL) và Nguyễn Văn Vũ (5% VĐL).

TopCV Việt Nam là đơn vị sở hữu nền tảng tuyển dụng nhân sự cùng tên, có gần 3 triệu thành viên, 95.000 nhà tuyển dụng và 10.000 hồ sơ được cập nhật mỗi ngày. Sở hữu nền tảng việc làm giàu tiềm năng, từ tháng 10/2020, TopCV Việt Nam bắt đầu ghi nhận sự góp mặt của 2 cổ đông có trụ sở tại Hàn Quốc, là TSP Consulting Inc (3,511% VĐL) và Axiom Associates Korea, Inc (1,403% VĐL).

Các năm gần đây, doanh thu của TopCV Việt Nam tăng trưởng tới 2 con số. Nếu như năm 2016, công ty ghi nhận doanh thu vỏn vẹn 36 triệu đồng, thì năm 2017, TopCV Việt Nam thu về 2,2 tỉ đồng. Doanh thu của công ty tăng gấp 3 lần vào năm 2018, đạt 6,5 tỉ đồng. Bước sang năm 2019, doanh thu của TopCV Việt Nam đạt 15,1 tỉ đồng, cao gấp 2,3 lần so với năm trước. Tuy nhiên, công ty này chỉ báo lãi năm 2018.

Khác với sự ảm đạm của NextTech Group, Vimo, TopCV Việt Nam, CTCP Ngân Lượng (Ngân Lượng) – đơn vị vận hành cổng thanh toán nganluong.vn – có hiệu quả kinh doanh ấn tượng.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, doanh thu của Ngân Lượng liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2016 – 2018. Đỉnh điểm là năm 2018, doanh thu của công ty này đạt mức 1.898,1 tỉ đồng, tăng 19,5% so với năm 2017.

Chịu nhiều áp lực cạnh tranh, trong năm 2019, doanh thu của Ngân Lượng sụt giảm chỉ còn chưa bằng 1/3 năm trước, đạt mức 428,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2019 của công ty này lại tăng vọt, đạt mức 109,5 tỉ đồng, cao gấp 3,4 lần so với năm trước, biên lợi nhuận cũng được cải thiện lên mức 25,5%.

Luỹ kế 4 năm gần nhất, Ngân Lượng mang về cho giới chủ tổng cộng 166 tỉ đồng lợi nhuận.

Thành lập từ tháng 9/2012, Ngân Lượng từng bán 50% vốn cho Mol Accessport AL AND.BHD. Tuy nhiên, đến ngày 21/12/2018, nhà đầu tư đến từ Malaysia đã thoái vốn, thay vào đó là Nganluong Holdings Limited với tỉ lệ sở hữu 50,54% vốn điều lệ.

Nganluong Holdings Limited nắm giữ cổ phần của Ngân Lượng được gần 1,5 năm trước khi triệt thoái vốn vào tháng 6 năm nay.

Tháng 9/2020, tờ Nikkei Asian Review dẫn nguồn tin cho biết NextPay Holdings có kế hoạch phát hành riêng lẻ để huy động 60 – 100 triệu USD trong Quý 1/2021, trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2022.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, đồng sáng lập và CEO Next Pay cho biết công ty đang tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược và tổ chức của nước ngoài để phát hành riêng lẻ khoảng 20% cổ phần. Công ty đang đàm phán với 5 nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

NextPay là kết quả của sự hợp nhất giữa Vimo và mPOS – những thành viên trong ‘vườn ươm’ NexTech Group.

Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Nextpay Việt Nam được thành lập vào tháng 9/2018, tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Hữu Bình. Các cổ đông sáng lập của Nextpay Việt Nam là ông Nguyễn Hữu Tuất (30% VĐL) và ông Nguyễn Hoà Bình (70% VĐL). Trong khi đó, ông Đỗ Công Diễn (SN 1981) làm Giám đốc điều hành.

Tháng 6/2020, ông Nguyễn Hoà Bình còn thành lập Công ty TNHH Ngân Lượng Holding Việt Nam. Tuy nhiên không loại trừ khả năng, vị doanh nhân sinh năm 1981 chỉ đứng tên hộ cho nhà đầu tư nước ngoài tại pháp nhân này./.