Pakistan yêu cầu Trung Quốc thay đổi các dự án thuộc “Vành đai, con đường”

VietTimes -- Giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và lên nắm quyền từ tháng 7 vừa qua, chính phủ mới của Thủ tướng Imran Khan đang có những thay đổi lớn về chính sách đối ngoại và đối nội nhằm đưa Pakistan thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, trong đó có việc bất ngờ yêu cầu Trung Quốc thay đổi các dự án thuộc kế hoạch “Vành đai, con đường”.
Hành lang kinh tế được xem là trung tâm của mối quan hệ Trung Quốc - Pakistan có chiều dài khoảng 3.000 km từ Kashgar tới Gwadar. Chi phí xây dựng tổng thể khoảng 62 tỷ USD đang bị chính phủ mới của Thủ tướng Imran Khan xem xét lại.
Hành lang kinh tế được xem là trung tâm của mối quan hệ Trung Quốc - Pakistan có chiều dài khoảng 3.000 km từ Kashgar tới Gwadar. Chi phí xây dựng tổng thể khoảng 62 tỷ USD đang bị chính phủ mới của Thủ tướng Imran Khan xem xét lại.

Yêu cầu thay đổi mục tiêu các dự án thuộc “Vành đai, con đường”

Trang tin Epoch Times hôm 13/9 cho biết, các quan chức chính phủ mới của Pakistan nói, trong cuộc hội đàm với các quan chức Trung Quốc trong chuyến thăm tới Islamabad của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hồi tuần trước, họ đã yêu cầu Trung Quốc thay đổi mục tiêu của “Vành đai, con đường” ở Pakistan; đó là: xây dựng nhà máy và giúp xóa đói giảm nghèo thay vì chỉ đơn thuần xây dựng các công trình hạ tầng lớn.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan xưa nay rất mật thiết, được ví vững chắc như sắt thép, bởi vậy người Trung Quốc gọi Pakistan là “Ba Thiết”. Pakistan luôn được Trung Quốc coi là quốc gia mẫu mực trong việc thực hiện kế hoạch “Vành đai, con đường”. Tuy nhiên, sau khi lên cầm quyền hồi tháng 7/2018, chính phủ mới do tân Thủ tướng Imran Khan lãnh đạo đã đề nghị Trung Quốc sửa đổi mạnh Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) trị giá 62 tỷ USD. Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan là một dự án hùng vĩ nhất của toàn bộ kế hoạch “Vành đai, con đường”, nội dung cốt lõi là xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và cảng biển.

Các quan chức Pakistan nói, Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan sẽ chuyển sang xây dựng các nhà máy tư nhân của Trung Quốc và thu hút được nhiều các nhà cung ứng vật tư cùng lao động người Pakistan vào làm và các dự án phục vụ xã hội như cung cấp nước sạch, chữa bệnh… Theo dự kiến trước đây, Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan là một siêu dự án phát triển nhằm mục đích kết nối khu tự trị Tân Cương Tây Bắc Trung Quốc đến cảng Gwadar ở tây nam Pakistan, thông qua một mạng lưới đường cao tốc, đường sắt và đường ống vận chuyển dầu và khí đốt. Hành lang kinh tế được xem là trung tâm của mối quan hệ Trung Quốc - Pakistan có chiều dài khoảng 3.000 km từ Kashgar tới Gwadar. Chi phí xây dựng tổng thể được ước tính ở mức 62 tỷ USD.

Trong bài phỏng vấn với tờ Financial Times, ông Abdul Razak Dawood, cố vấn thương mại và đầu tư của Tổng thống Imran Khan cho hay, chính quyền tiền nhiệm đã “làm không tốt” công tác thỏa thuận với Trung Quốc về CPEC. Ông nói: “Họ đã không tính toán cẩn thận và cũng không thương lượng tốt, để rồi Pakistan phải cho đi quá nhiều. Các công ty Trung Quốc được hưởng chính sách miễn thuế cũng như nhiều lợi ích khác để giành ưu thế kinh doanh ở Pakistan. Điều này gây bất lợi lớn cho các công ty Pakistan”.

Tân Thủ tướng Imran Khan sau khi lên cầm quyền tháng 7/2018 vừa qua đã có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách đối nội lẫn đối ngoại
Tân Thủ tướng Imran Khan sau khi lên cầm quyền tháng 7/2018 vừa qua đã có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách đối nội lẫn đối ngoại

Những sự thay đổi này được một Ủy ban 9 người trực thuộc chính phủ đứng đầu là Bộ trưởng Quy hoạch Khusro Bakhtiar đưa ra. Chính phủ mới cũng ra lệnh tiến hành thanh tra một dự án hạ tầng lớn nhất là nhà máy sản xuất toa xe metro ở Lahore có giá thành 2 tỷ USD.

Việc hàng hóa Trung Quốc tràn vào Pakistan như thác lũ bị coi là đang làm hại ngành công nghiệp trong nước. Pakistan đang nghiên cứu tìm cách cân bằng cán cân thương mại với Bắc Kinh. Andrew Small, tác giả cuốn “Trục Trung Quốc –Pakistan” nói: “Dù Pakistan xảy ra chuyện gì cũng đều gây nên sự quan tâm rộng rãi của bên ngoài với kế hoạch “Vành đai, con đường”.  Điều quan trọng đối với Trung Quốc là, không thể để Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan trở thành vấn đề khó xử công khai” giống như ở Malaysia trước đó.

Trung tâm nghiên cứu phát triển toàn cầu của Mỹ mới đây công bố kết quả điều tra cho thấy: “Vành đai, con đường” đã khiến 8 quốc gia rơi vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính là Djibouti, Lào, Maldives, Mông Cổ, Pakistan, Kyrgyzstan, Montenegro và Tajikistan.

Để giữ thể diện cho Trung Quốc, ông Chaudhry Hussain, Bộ trưởng Thông tin Pakistan nói: “Chúng tôi không hạn chế Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan, chúng tôi đang phát triển nó; nhưng trọng điểm của chính phủ chúng tôi không phải là các cơ sở hạ tầng, mà là công nghiệp hóa và phát triển kỹ năng của con người”.

Để tiết kiệm ngoại tệ, cùng với sữa, smartphone, xe hơi hạng sang sẽ bị cấm nhập khẩu trong 1 năm
Để tiết kiệm ngoại tệ, cùng với sữa, smartphone, xe hơi hạng sang sẽ bị cấm nhập khẩu trong 1 năm

Cấm nhập khẩu sữa, xe hơi và điện thoại thông minh

Theo báo “The News” của Pakistan ngày 10/9, do xuất khẩu đình đốn, nhập khẩu gia tăng, dẫn đến việc đồng USD khan hiếm, gây thành áp lực rất lớn đối với đồng bản tệ và dự trữ ngoại hối, nên các chuyên gia cho rằng Pakistan sẽ lại cầu cứu Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cứu trợ. Tuy nhiên, chính phủ mới của Thủ tướng Imran Khan không định làm như thế. Tại hội nghị Ủy ban tư vấn kinh tế gồm 18 thành viên họp hôm 6/9, ông Imran Khan đã phê phán mạnh mẽ “văn hóa ỷ lại” và cho biết ủy ban này đang thảo luận việc cấm nhập khẩu sản phẩm sữa, xe hơi hạng sang, điện thoại thông minh và hoa quả trong 1 năm, hy vọng qua đó giúp tiết kiệm mấy tỷ USD cho quốc gia.

Tình cảnh kinh tế khó khăn của Pakistan hiện nay khiến các chuyên gia tài chính dự đoán chính phủ nước này sẽ đưa ra yêu cầu cứ trợ lần thứ 15 kể từ những năm 1980 đến nay. Tuy nhiên, Thủ tướng mới Imran Khan đã phê phán thứ “văn hóa ỷ lại” đó. Các quan chức trong đảng cầm quyền của ông thì lo ngại IMF có thể yêu cầu chính phủ tiến hành những cải cách và đưa ra những cam kết mang tính trói buộc.

Ông Ashfaque Hasan Khan, Viện trưởng Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Khoa học kỹ thuật Pakistan cho Reuters biết, trọng điểm thảo luận của hội nghị hôm 6/9 là nàm việc kiềm chế xuất khẩu. Ông cho biết, không có bất cứ thành viên nào đề nghị IMF cứu trợ, “chúng tôi cần hành động”.

Thủ tướng Imran Khan đưa ra giải pháp mạnh mẽ: cấm nhập sữa, xe hơi sang, smartphone và hoa quả trong 1 năm, như thế có thể giúp tiết kiệm được khoảng 4 – 5 tỷ USD. Ông nói: “Các ông có thể thấy đất nước này có bao nhiêu sữa được nhập từ nước ngoài. Trên thị trường đâu đâu cũng thấy sữa ngoại nhập, trong một đất nước không có USD thì có cần phải như thế không?”.

Ông cũng nói, việc đẩy mạnh xuất khẩu có thể đem về thêm 2 tỷ USD thu nhập.

Được biết, chính phủ cũ đã đánh thuế 50% đối với 240 loại sản phẩm bao gồm sữa và xe hơi công suất lớn, nhưng không ban hành lệnh cấm nhập toàn diện. Tính đến ngày 30/6/2018, cán cân ngoại thương của Pakistan đã nhập siêu tới 43%, đạt tới 18 tỷ USD. Để giảm bớt áp lực, từ tháng 12 năm ngoái, ngân hàng Pakistan đã 4 lần hạ giá đồng PKR (rupie) đồng thời từ đầu năm 2018 đến nay đã 3 lần tăng lãi suất. Mặt khác, để tránh phải nhờ IMF cứu trợ, Pakistan sẽ không loại trừ việc tìm kiếm viện trợ của “các quốc gia hữu hảo”.