Pakistan và Trung Quốc phản ứng quyết liệt trước động thái của Ấn Độ tại Kashmia

VietTimes -- Chính phủ Pakistan ngày 7/8 thông báo họ không chỉ quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao với Ấn Độ mà còn tạm thời đình chỉ mọi giao dịch về thương mại giữa hai nước để phản đối việc Ấn Độ tước bỏ quyền tự trị đặc biệt của khu vực Jammu và Kashmir mà Ấn Độ hiện đang kiểm soát.
Quân đội Ấn Độ tiến vào phong tỏa đường phố Kashmir
Quân đội Ấn Độ tiến vào phong tỏa đường phố Kashmir

Hiện nay, ngoài Ấn Độ, một phần của Kashmir cũng đang bị Pakistan và Trung Quốc chiếm giữ. Cả Pakistan và Trung Quốc đều lên tiếng kịch liệt phản đối việc Ấn Độ quyết định bãi bỏ Điều 370 của Hiến pháp trao quyền tự trị đặc biệt cho Kashmir, với ý định biến vùng đất có số tín đồ Hồi giáo chiếm đa số này đặt dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương giống như các vùng lãnh thổ Ấn Độ khác.

Trang tin Đa Chiều cho rằng, đây là động thái mạnh nhất của Ấn Độ trong 70 năm qua nhằm thay đổi địa vị đặc biệt của khu vực này. Do Ấn Độ bãi bỏ chế độ tự trị đặc biệt của Kashmir, đã dẫn đến các vụ gây rối, Pakistan cũng kêu gọi xem xét lại các hiệp định song phương đã ký với Ấn Độ.

Chính quyền Hồi giáo Islamabad hôm 7/8 đã tuyên bố triệu hồi đại sứ tại Ấn Độ về nước đồng thời cũng trục xuất đại sứ Ấn Độ tại Pakistan. Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi đã chính thức xác nhận những động thái này của chính phủ Pakistan đối với truyền thông địa phương.

Đường phố bị quân đội Ấn Độ tiến hành phong tỏa
Đường phố bị quân đội Ấn Độ tiến hành phong tỏa

Theo tin của India Today, Thủ tướng Pakistan Imran Khan và Hội đồng An ninh Quốc gia Pakistan hôm 7/8 đã tổ chức các cuộc hội đàm tại Islamabad, sau đó công bố áp dụng các biện pháp đáp trả quyết liệt nêu trên đối với quyết định của chính phủ Ấn Độ về khu vực tranh chấp Kashmir.

Sau khi người Anh chấm dứt sự thống trị đối với Ấn Độ thuộc Anh (bao gồm Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Myanmar ngày nay) vào năm 1947, vùng Kashmir bị ba nước Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc chia nhau chiếm giữ, trong đó Ấn Độ và Pakistan chiếm phần lớn đất đai. Việc hai nước cùng chiếm giữ một phần vùng này cũng khiến hai nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ nghiêm trọng đối với vùng đất Kashmir và giữa hai bên đã xảy ra hai cuộc chiến tranh cùng nhiều cuộc xung đột về vấn đề này, khiến 70 ngàn người bị chết trong 30 năm qua.

Những vụ gây rối đã xuất hiện trên đường phố
Những vụ gây rối đã xuất hiện trên đường phố

Ngày 5/8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bất ngờ tuyên bố bãi bỏ chế độ tự trị đặc biệt của vùng đất Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Tình hình khu vực có dân số theo đạo Islam (Hồi giáo) chiếm đa số này trở nên căng thẳng, quân đội Ấn Độ đã phong tỏa các khu vực, trục xuất du khách, cắt đứt thông tin liên lạc, bắt giữ các nhân vật chính trị, không khí căng thẳng bao trùm các đường phố.

Phía Pakistan lập tức lên tiếng bày tỏ ủng hộ những người Hội giáo ở Kashmir, Hàng trăm người ở thành phố Muzaffarabad nằm trong phần đất Kashmir do Pakistan kiểm soát đã xuống đường biểu tình, bày tỏ phản đối chính phủ Ấn Độ.

Các nhà phân tích thời sự cho rằng, với quyết định giành quyền quản lý Jammu và Kashmir về tay chính phủ trung ương, Ấn Độ muốn đưa những người không phải cư dân Kashmia, chủ yếu là người theo đạo Hindu tới đây mua đất đai và cư trú lâu dài để thay đổi cơ cấu dân số trong vùng. Điều này có thể gây nên làn sóng di dân, dẫn đến việc làm mất phong tục và lối sống của Kashmir, nhưng cũng có thể thúc đẩy những tiếng nói đòi độc lập ở Kashmir.

Dòng người rời Kashmir đi lánh nạn đã bắt đầu xuất hiện
Dòng người rời Kashmir đi lánh nạn đã bắt đầu xuất hiện

Trong vòng 10 ngày qua đã có gần 80 ngàn binh sĩ Ấn Độ được đưa tới Kashmir gây nên sự hoảng sợ cho dân chúng địa phương; các trạm xăng, cửa hàng thực phẩm hay các cây ATM luôn có những hàng dài người xếp hàng chầu chực mua xăng dầu, thực phẩm để tích trữ và rút tiền. Đã bắt đầu xuất hiện những dòng người di cư lánh nạn rời khỏi Kashmir.

Về phía Trung Quốc, hôm 6/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng tại cuộc họp báo: “Phía Ấn Độ đơn phương dùng hình thức sửa đổi pháp luật trong nước, tiếp tục gây tổn hại đến chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, cách làm này không thể chấp nhận được và cũng không có hiệu lực. Trung Quốc luôn phản đối phía Ấn Độ đưa phần lãnh thổ đoạn biên giới Trung - Ấn phía Tây vào dưới sự quản hạt hành chính của Ấn Độ; lập trường này là kiên định, nhất quán và không thay đổi”.

Bà Hoa Xuân Oánh còn nói, Trung Quốc nhắc nhở Ấn Độ hãy thận trọng lời nói và hành động trong vấn đề biên giới, tuân thủ chặt chẽ các hiệp định đã đạt được giữa hai bên, tránh những hành động gây phức tạp thêm vấn đề biên giới giữa hai nước.