P.GĐ Sở GTVT Hà Nội "phê" nhiều người mua ô tô cho “oách”

Theo ông Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, số tiền lên đến hàng tỷ đồng bỏ ra mua ô tô mà không dùng thì rất lãng phí, còn góp phần làm ùn tắc giao thông trên các tuyến phố Hà Nội.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tin tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 15/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn thành phố có hơn 183 nghìn phương tiện đăng ký mới, trong đó ô tô gần 40 nghìn, mô tô gần 11,6 nghìn chiếc. Tổng số phương tiện hiện quản lý trên địa bàn hơn 5,5 triệu xe, trong đó ô tô gần 535.000 xe, xe máy gần 5 triệu chiếc.

Việc gia tăng các phương tiện cá nhân, nhất là ô tô cũng là một trong những nguyên nhân khiến giao thông Hà Nội ngày càng ùn tắc.

P.GĐ Sở GTVT Hà Nội "phê" nhiều người mua ô tô cho “oách” ảnh 1
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân (ngoài cùng bên trái), việc mua ô tô chỉ để cho “oách” là góp phần làm ùn tắc giao thông Hà Nội. (Ảnh: Minh Thư)

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân thông tin, thực tế có nhiều gia đình không có nhu cầu sử dụng ô tô riêng nhưng vẫn cứ mua.

“Nhiều nhà mua “siêu xe” chỉ để cho “oách”. Họ không cần biết ô tô của mình đỗ ở đâu, nuôi dưỡng bao nhiêu tiền mỗi năm. Ngay trong xóm nhà tôi có gia đình dù không có nhu cầu sử dụng nhưng vẫn mua ô tô sang để đấy, như thế rất lãng phí”, ông Tân nói.

Vị Phó giám đốc này cho rằng, người dân cần phải hiểu ô tô không phải là mốt, nó chỉ đơn thuần là công cụ, phương tiện phục vụ đi lại, sản xuất kinh doanh.  Do đó, theo ông, nếu cảm thấy thực sự cần thiết người dân mới nên mua ô tô, còn không cần thiết thì thôi. Số tiền lên đến hàng tỷ đồng bỏ ra mua ô tô mà không dùng thì thà đem gửi ngân hàng mỗi tháng cũng được một khoản tiền còn hơn mua ô tô mà để chi phí gia đình hàng tháng tăng lên, còn góp phần làm ùn tắc giao thông trên các tuyến phố Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề ùn tắc giao thông, nhất là giờ cao điểm ở nhiều tuyến phố Hà Nội, đặc biệt là ở tuyến Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, ông Tân cho biết, trên tuyến đường đó có các công trình đang thi công nên diện tích đường dành cho giao thông chỉ còn 6m, không thể đáp ứng nổi lưu lượng lưu thông lớn giờ cao điểm mặc dù Sở GTVT Hà Nội đã có nhiều động thái để tìm phương án giảm tải ùn tắc.

Cùng với đó, đã huy động lực lượng lớn cả công an và thanh tra giao thông, đến hàng trăm người, thậm chí cả lực lượng dân phòng, thanh niên tình nguyện… nhưng vẫn không đáp ứng được hết các điểm ùn tắc, nhất là khi trời mưa.

P.GĐ Sở GTVT Hà Nội "phê" nhiều người mua ô tô cho “oách” ảnh 2
Giờ cao điểm, nhất là ngày mưa, giao thông Hà Nội thường rơi cảnh "tê liệt". Ảnh: Xuân Phú

Do vậy, theo ông Tân, quan trọng nhất là mỗi người tham gia giao thông  phải có ý thức trách nhiệm khi đi đường, kiên nhẫn, nhường nhịn nhau mới có thể giảm tải ùn tắc.

Trước ý kiến có nhiều tuyến đường được các đơn vị thi công dự án đường sắt trên cao dựng rào chắn dài hàng trăm mét, nhưng lại không có công nhân thi công, dẫn tới lòng đường bị chiếm dụng dẫn tới diện tích lưu thông dành cho người tham gia giao thông bị thu hẹp. Ông Tân khẳng định: “Không có chuyện đơn vị thi công dựng rào chắn mà không thi công”.

“Các nhà thầu, các đơn vị thi công đang ngày đêm thay ca nhau làm việc để đảm bảo tiến độ cho công trình, chứ không thể có chuyện lập hàng rào mà không thi công. Chỉ có tại các điểm thi công có các trục cẩu thì trong giờ cao điểm các thiết bị máy móc này không được vận hành, nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông qua các điểm đang thi công”, ông Tân cho biết thêm.

Phạt nhiều, giao thông sẽ trật tự hơn!

Trong buổi giao ban, khi báo chí hỏi về quan điểm của Sở GTVT Hà Nội về dự thảo sửa đổi Nghị định 171 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có chiều hướng tăng mức xử phạt với những người vi phạm trật tự ATGT do Bộ GTVT đang chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến, ông Tân cho biết, Sở GTVT Hà Nội rất ủng hộ việc này. 

Ông Tân nêu quan điểm: “Sửa đổi Nghị định 171 là cần thiết, bởi tăng mức xử phạt để người nghèo chấp hành cho nghiêm, còn giàu mà chơi “ngông” thì tăng mức xử phạt để tăng ngân sách cho thành phố, nhà nước”.

Với việc tăng mức xử phạt lên nhiều lần tại dự thảo, theo ông Tân điều này khiến người tham gia giao thông sẽ có phản xạ có điều kiện, tức là phạt nhiều, tình hình giao thông sẽ trật tự hơn.

Số liệu từ Sở GTVT Hà Nội cho thấy, từ ngày 16/11/2014 - 10/9/2015, trên địa bàn Thủ đô xảy ra 1.330 vụ tai nạn giao thông, làm chết 476 người, 1.091 người bị thương. Giảm 164 vụ, giảm 14 người chết, giảm 294 người bị thương so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ là 1.297 vụ làm 450 người chết, 1.076 người bị thương. Tai nạn giao thông đường sắt là 31 vụ làm 24 người chết, 13 người bị thương.

Qua 9 tháng đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 21.094 trường hợp vi phạm; tước 3.004 giấy phép lái xe; tạm giữ 511 phương tiện, phạt tiền gần 40 tỷ đồng.

Theo Infonet