Oppo sản xuất và kiểm soát chất lượng smartphone thế nào?

Trước khi chính thức đến tay người dùng, những smartphone Oppo trải qua quá trình sản xuất phức tạp và 'sống sót' qua các bước kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt.

Quá trình sản xuất

Tại nhà máy rộng 220.000 mét vuông của Oppo tại Đông Quản (Trung Quốc), có hơn 10.000 công nhân làm việc tại các khu hành chính, sản xuất và kiểm tra chất lượng. Quy trình sản xuất bắt buộc những nhân công làm việc trực tiếp với smartphone phải mặc trang phục chống tĩnh điện và đi qua phòng khử bụi trước khi vào khu sản xuất.

Công nhân đang xem xét ở công đoạn cuối sản xuất chiếc R11 tại một nhà máy - Ảnh: Pocketnow

Tương tự các nhà sản xuất khác, Oppo bắt đầu làm việc với bảng mạch in PCB và từ đó tạo ra bo mạch chủ - nơi chứa RAM, vi xử lý và bộ nhớ…, các thành phần quan trọng của smartphone.

Với kích thước bo mạch chủ trên smartphone ngày càng nhỏ dần đồng nghĩa với khâu sản xuất đòi hỏi các bước thực hiện tỉ mỉ hơn. Hãng cũng sử dụng robot trong quá trình lắp ráp, nhưng chúng vẫn được giám sát bởi con người để đảm bảo mọi thứ hoạt động theo yêu cầu.

Sự ra đời của một smartphone đòi hỏi rất nhiều công đoạn thực hiện và một lượng thời gian nhất định. Thông thường máy móc sẽ phụ trách sản xuất mạch và lắp ráp các thành phần của mạch, công nhân đảm nhiệm việc vận hành và kiểm tra bo mạch lần cuối trước khi đưa vào công đoạn tiếp theo. Đôi khi công nhân cần phải lắp thêm các linh kiện vào máy nếu cần thiết.

Trong phần phần lắp ráp smartphone, các công nhân sẽ lắp bảng mạch cùng với các chi tiết như máy ảnh, màn hình, cảm biến vân tay, pin… để hoàn thiện một chiếc điện thoại. Bước sản xuất này đòi hỏi rất cao về sự khéo léo và tập trung của nhân công trong từng thao tác.

Các bước kiểm tra chặt chẽ

Sau khi hoàn thành, chất lượng của smartphone sẽ được kiểm tra chặt chẽ bằng cả máy móc và con người để giảm thiểu tỉ lệ máy lỗi khi bán ra ngoài thị trường. Hãng không thể kiểm tra từng smartphone được sản xuất ra mà chọn một vài máy ngẫu nhiên trong lô hàng để kiểm tra quản trị chất lượng. Chỉ cần một sản phẩm không đáp ứng các tiêu chí cần thiết, toàn bộ lô hàng sẽ bị loại bỏ. Đồng thời, hoạt động sản xuất sẽ bị đình chỉ cho đến khi tìm ra nguyên nhân và hoàn tất việc sửa chữa.

Cứ khoảng 30.000 chiếc điện thoại thì bộ phận kiểm tra chất lượng sẽ lấy ra ngẫu nhiên 100 máy để kiểm định về độ bền, độ cứng, sức chịu đựng với các môi trường khắc nghiệt…

Thử nghiệm hoạt động trong môi trường ẩm ướt của Oppo R9 - Ảnh: Oppo

Oppo có hơn 130 bài kiểm tra khác nhau mô phỏng chi tiết các trường hợp sử dụng hằng ngày của người dùng. Một trong số đó là các bài kiểm tra độ bền với smartphone mà họ làm ra.

Thử thách độ bền có thể là thả rơi điện thoại từ độ cao ngang thắt lưng, mô phỏng cách người dùng đánh rơi điện thoại khi lấy nó ra khỏi túi… Hoặc thả rơi 2.800 lần thiết bị từ độ cao 7cm, dùng máy để lật, vặn điện thoại 150 lần hay thậm chí thả rơi thiết bị đến 22.000 lần bao gồm ở độ cao 1,8m.

Hoặc cũng có thể là bài kiểm tra “stress test” mà điện thoại sẽ phải chịu áp lực 25kg đè lên 3 lần, tiếp đến là thử nghiệm thả rơi smartphone xuống bề mặt đá hoa cương từ độ cao 1,25m. Các nút bấm trên điện thoại cũng sẽ trải qua thử nghiệm bấm hơn 200.000 lần. Đôi khi với các thiết kế smartphone hoàn toàn mới, con số cho thử nghiệm này có thể lên đến hàng triệu lần.

Ở một bộ phận khác, người ta sẽ kiểm tra khả năng chống nước bằng cách phun nước vào điện thoại và kiểm tra xem nó còn hoạt động hay không. Sau đó thiết bị sẽ ở đó trong 3 ngày để để chắc chắn rất tất cả nước đã bốc hơi khỏi thiết bị và nó vẫn hoạt động.

Quả là một bước thử nghiệm dài hơi nhưng điều này thực sự cần dù nhà sản xuất luôn khuyến cáo người dùng không nên mạo hiểm đem smartphone đi vọc nước cả khi nó được cấp chứng nhận Ipxx (như IP68) đủ để đi bơi…

Với các thử nghiệm với môi trường khắc nghiệt, nhân viên kiểm tra sẽ đặt smartphone trong môi trường có nhiệt độ biến thiên từ -40 độ C đến hơn 60 độ C và độ ẩm cao đến 95% để thử thách khả năng chịu nhiệt, chống bụi, chống ẩm của smartphone trong phòng giả lập môi trường suốt 1 tuần và đảm bảo máy không bị nổ, không bị nóng lên quá mức mà vẫn duy trì độ an toàn với người dùng.

Ngoài ra, các chi tiết máy như dây sạc, các phím vật lý… cũng đều buộc phải tham gia các thử nghiệm độ bền.

Thử nghiệm giắc cắm tai nghe - Ảnh: revu.com.ph

Tóm lại, một smartphone đến tay người tiêu dùng phải trải qua một quy trình sản xuất nghiêm ngặt và chặt chẽ như trên. Oppo cho biết quy trình này không chỉ để kiểm soát chất lượng mà còn phục vụ cho mục đích nghiên cứu và phát triển nhằm nâng cao chất lượng của các sản phẩm trong tương lai.

Theo ICT News

https://ictnews.vn/cntt/oppo-san-xuat-va-kiem-soat-chat-luong-smartphone-the-nao-176656.ict