Ông Vũ Mão- "cha đẻ" của Quốc hội "bấm nút"

VietTimes – Đối với Quốc hội Việt Nam ngày nay, việc “bấm nút” để thông qua các bộ luật và chủ trương, chính sách đã trở nên rất bình thường. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử thì việc này đã được thực hiện từ cuối năm 1988, nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII. Đó là khẳng định của ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão
Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão

Một sự thay đổi mang tính "cách mạng"

Theo ông Vũ Mão, suốt nhiều năm trước đó để thông qua các bộ luật, các luật, các Nghị quyết thì việc này được thực hiện theo hình thức giơ tay biểu quyết. Hình thức này vừa mất thời gian, vừa không thực chất bởi về cơ bản thì các đại biểu có thể đều giơ tay tán thành nhưng chưa chắc họ đã tâm phục, khẩu phục. Mặt khác, Đoàn thư ký kỳ họp cùng văn phòng Quốc hội cũng phải cắt cử người để đếm xem ai giơ tay, ai không giơ tay…

Học tập việc ứng dụng công nghệ của nhiều nước, khi về làm việc ở Văn phòng Quốc hội, ông Vũ Mão đã đề nghị lên Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Chính trị để triển khai công nghệ “bấm nút” trong các kỳ họp Quốc hội và đề xuất này đã được chấp thuận với kinh phí rất tiết kiệm được phê duyệt là 50 triệu đồng. Việc thiết kế hệ thống bấm nút được giao cho Viện kỹ thuật thuộc Bộ Tư lệnh thông tin triển khai và bắt đầu áp dụng vào kỳ họp cuối năm 1988 với 2 nút biểu quyết là tán thành và không tán thành. Tuy nhiên, với phương châm tiết kiệm được đặt lên hàng đầu và phía đối tác cũng triển khai mang tính phục vụ chứ không lấy lãi nên việc này cũng chỉ tiêu hết 36 triệu đồng.

Ông Vũ Mão- "cha đẻ" của Quốc hội "bấm nút" ảnh 1
Các đại biểu Quốc hội thực hiện "bấm nút"

Kể từ kỳ họp Quốc hội cuối năm 1988, việc biểu quyết thông qua các văn bản pháp luật đã được thực hiện theo hình thức “bấm nút”. Ngay sau khi các đại biểu thực hiện, kết quả biểu quyết điện tử đã hiển thị ngay trên màn hình.

Sang năm 1992, bắt đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, công nghệ “bấm nút” được nâng cấp lên mức hiện đại hơn với 3 nút là tán thành, không tán thành và không biểu quyết. Theo ông Vũ Mão, với 3 sự lựa chọn đó thì các đại biểu bày tỏ được thái độ của mình một cách rõ ràng hơn. Song, nhận thức còn khác nhau nên việc này không thực hiện được ngay trong một kỳ họp giữa năm 1992, nhiệm kỳ khóa IX, và giải pháp tình thế là nút bấm không biểu quyết đã phải tạm thời bịt lại. Nguyên nhân vì đồng chí Tổng Bí thư chưa nhất trí với việc có nút không biểu quyết vì cho rằng, đại biểu bấm nút không biểu quyết là người không có ý thức xây dựng.

Nhưng chỉ sau đấy một kỳ họp đã thấy việc bỏ nút không biểu quyết là vô lý, vì đại biểu bấm nút không biểu quyết là thể hiện sự cân nhắc cẩn thận chứ không phải là vô ý thức, nên từ kỳ họp cuối năm 1992 cho đến nay đã giữ lại nút không biểu quyết.

Ấy vậy mà cho đến gần đây vẫn có một đại biểu vốn được tiếng là phát biểu thẳng thắn lại đề nghị quay lại hình thức giơ tay để cử tri có thể biết rõ là ai tán thành, ai phản đối. Tuy nhiên, tiếng nói này đã trở nên lạc lõng vì không phù hợp với thời đại và theo ông Vũ Mão thì biểu quyết điện tử cũng hoàn toàn có thể cho biết được xem ai tán thành, ai phản đối bất kể họ ngồi ở đâu trong hội trường bởi mỗi đại biểu đều được phát một thẻ định danh để cắm vào khe cắm bên cạnh các nút bấm.

Quốc hội đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin

Theo ông Vũ Mão, tại mỗi kỳ họp Quốc hội thì mọi ý kiến phát biểu, chất vấn và trả lời chất vấn… đều phải được ghi lại. Nghị viện các nước thực hiện công việc này một cách bài bản. Họ đào tạo một đội ngũ tốc ký viên là nữ rất chuyên nghiệp. Khi Nghị viện thảo luận ở hội trường, cứ 2 tốc ký viên xinh đẹp, duyên dáng đi vào vị trí và ghi chép trong 5 phút. Sau đó rút ra để 2 người khác thay vào vị trí ấy.

Vì sao chỉ là 5 phút? – Bởi vì ghi tốc ký trong 5 phút là quá căng thẳng, không thể kéo dài hơn được.

Ông Vũ Mão cho biết, đã cử người đi nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để áp dụng vào Quốc hội Việt Nam, nhưng thấy khó quá, vì ta đâu có nhiều kinh phí như họ. Từ cái khó lại ló cái khôn. Qua nghiên cứu ta tìm ra một cách làm riêng có. Nếu gọi là sáng tạo cũng đúng.

Ngay từ đầu năm 1989, Văn phòng Quốc hội đã làm theo phương thức chia thành 3 công đoạn: Một là ghi âm vào băng. Hai là gỡ băng. Ba là gõ trên máy tính để ra văn bản.

Việc làm này rất có ý nghĩa:

Một là, tiết kiệm được thời gian. Buổi sáng các đại biểu phát biểu ở Hội trường thì buổi chiều đã có ngay các văn bản để cung cấp cho các đại biểu và các cơ quan báo chí.   

Hai là, ghi chép trung thực ý kiến của đại biểu, không “tam sao thất bản”.

Ba là, tiết kiệm được nhân lực, đỡ phải tốn kém một đội ngũ tốc ký viên.

Với việc làm này, có thể nói là Quốc hội đã đi trước rất nhiều so với các cơ quan Nhà nước trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Và rồi website Quốc hội với tên miền www.na.gov.vn được xây dựng năm 2000, rồi sau này là cổng thông tin của Quốc hội (www.quochoi.vn) cũng đã được xây dựng. Từ năm 2007, mỗi đại biểu ngoài việc được cấp 1 máy tính xách tay còn được cấp một địa chỉ email dùng riêng với tên miền @qh.gov.vn. Và cùng với việc đó, Văn phòng Quốc hội thường xuyên liên lạc với các đại biểu qua email. Việc này góp phần tiết kiệm rất nhiều chi phí nếu so với việc mọi tài liệu phải gửi, nhận theo đường bưu chính.

Giao lưu với cử tri và người dân đương nhiên là nhiệm vụ của các đại biểu. Và đó cũng là thực tế khiến một số đại biểu lên Facebook để giao lưu với cộng đồng. Theo KS Trịnh Thái Anh – trưởng phòng Intranet của Trung tâm Thông tin Văn phòng Quốc hội, việc giao lưu qua Internet của các đại biểu là rất cần song cho đến nay chưa có quy định nào bắt buộc họ. Trong tương lai gần, khi có quy định bắt buộc thì cũng là lúc mà trên cổng thông tin Quốc hội sẽ có những trang thông tin riêng của các đại biểu để có thể giao lưu với cộng đồng.

Ông Vũ Mão- "cha đẻ" của Quốc hội "bấm nút" ảnh 2 TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Để có một Quốc hội Điện tử theo đúng nghĩa thì vấn đề nằm ở chính quyết tâm và ý chí của những người lãnh đạo Quốc hội

TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, thông tin của Quốc hội và các đại biểu càng công khai thì là điều càng tốt. Chính công nghệ thông tin và Internet đã góp phần làm được việc này. Tuy nhiên, để có một Quốc hội điện tử theo đúng nghĩa thì mọi việc không chỉ là công nghệ mà vấn đề nằm ở chính quyết tâm và ý chí của chính những người lãnh đạo của Quốc hội.