Ông Trump nhậm chức, thế giới phấp phỏng trước biến số khó lường

VietTimes -- Việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đã phát đi nhiều tín hiệu không rõ ràng, phần lớn gây lo ngại cho các nước đồng minh và đối tác về khả năng xảy ra bất ổn bởi chính sách của Mỹ.
Ngày 20 tháng 1 năm 2017, ông Donald Trump nhậm chức, trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45. Ảnh: New Straits Times
Ngày 20 tháng 1 năm 2017, ông Donald Trump nhậm chức, trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45. Ảnh: New Straits Times

Tờ Nikkei Shimbun Nhật Bản ngày 20/1 cho rằng ông Donald Trump là người có phong cách phát ngôn không phù hợp với ngoại giao truyền thống Mỹ. Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ đã làm cho các nước và khu vực trên thế giới có “buồn”, có “vui”, sẽ chưa hết chấn động vì nhiều lý do.

Theo Nikkei Shimbun, Liên minh châu Âu (EU) đã phản bác các phát biểu của ông Donald Trump phê phán EU và vấn đề người tị nạn. Trong khi đó Nga trông đợi đối thoại với chính quyền Donald Trump.

Tuy nhiên, ông Donald Trump thường xuyên đưa ra các phát biểu không thống nhất, ý đồ thực sự khó đoán trước, tình hình quốc tế sẽ ngày càng không rõ ràng.

Chính phủ Nga của Tổng thống Vladimir Putin mong đợi ông Donald Trump, người có thái độ "thân thiện với Nga", áp dụng các hành động thực tế để cải thiện quan hệ hai nước. Donald Trump thể hiện tư thế "hòa dịu" với Nga gây nghi ngờ ông bị Nga "nắm đằng chuôi".

Do ông Donald Trump nhiều lần tiến hành phát biểu bị tình nghi coi nhẹ châu Âu, vì vậy các nước châu Âu dấy lên thái độ "cảnh giác".

Ông Donald Trump ca ngợi Anh rời khỏi châu Âu (Brexit) là hành động sáng suốt, thậm chí dự đoán trong tương lai sẽ lần lượt có quốc gia rời khỏi EU. EU giữ thái độ "chống lại" ông Donald Trump trong vấn đề này.

Ông Donald Trump trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20 tháng 1 năm 2017
Ông Donald Trump trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20 tháng 1 năm 2017

Mặt khác, Anh thể hiện thái độ trông đợi đối với ông Donald Trump, bởi vì ông cam kết đẩy nhanh đàm phán Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Anh.

Ở Trung Đông, các nước Ả rập có quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ như Saudi Arabia yêu cầu xây dựng lại quan hệ đã giảm sút trong thời kỳ chính quyền Barack Obama.

Họ mong muốn ông Donald Trump tăng cường gây sức ép với Iran, làm cho chính sách Trung Đông quay trở lại trạng thái cân bằng truyền thống.

Ông Donald Trump từng công khai tuyên bố sẽ di chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem, điều này gây ra bất an nghiêm trọng. Nếu Mỹ cố tình thực hiện thì chắc chắn sẽ gây ra phản đối mạnh mẽ trong các nước Ả rập.

Ông Donald Trump có thái độ cứng rắn với Trung Quốc tương đối rõ ràng, Trung Quốc giữ thái độ ứng phó cả "cứng" và "mềm".

Ông Donald Trump chủ trương tiến hành thu thuế cao đối với các hàng hóa Trung Quốc, ám chỉ xét lại chính sách "một Trung Quốc", cũng có người mong muốn tiến hành "giao dịch linh hoạt" với ông Donald Trump, người có tư duy của thương nhân.

Từ lâu, cùng với việc khẳng định sức mạnh quân sự như tàu sân bay, Trung Quốc đã không ngừng tiến hành tiếp xúc với đội ngũ chuyển tiếp của ông Donald Trump.

Theo tờ Thời báo Los Angeles Mỹ ngày 19/1, ở Washington, các Đại sứ của Sứ quán nước ngoài nói họ đang "lo trước tính sau", chuẩn bị cho các ẩn số sau khi ông Donald Trump chính thức tiếp quản Nhà Trắng, bắt đầu thi hành chính sách.

Ông Donald Trump và ông Barack Obama chuyển giao quyền lực. Ảnh: CNN
Ông Donald Trump và ông Barack Obama chuyển giao quyền lực. Ảnh: CNN

Ở thủ đô các nước trên thế giới, một số nhà lãnh đạo và các chuyên gia chính sách đối ngoại lo ngại những kêu gọi yêu cầu cải cách cấp tiến và phong cách nói năng tùy tiện của ông Donald Trump có thể gây ra bất ổn hoặc làm trầm trọng hơn tình hình khủng hoảng toàn cầu.

Họ cảm thấy ngỡ ngàng vì một loạt phát ngôn có hơi hướng "khiêu khích" không có mục tiêu của ông Donald Trump, lo ngại ông có thể làm đảo lộn các liên minh, các điều ước và tổ chức quốc tế đã có từ lâu.

Từ vấn đề Mexico đến vấn đề Trung Quốc, trước đó chưa từng có Tổng thống Mỹ lên nắm quyền làm cho các nước khác, các nước đồng minh và đối thủ trên thế giới đều cảm thấy hoài nghi.

Một vị Đại sứ tại Washington đề cập đến việc Sứ quán thường xuyên phải đánh điện về nước giải thích phát biểu của ông Donald Trump, nói: "Chúng tôi cũng căn bản không rõ".

Đặc biệt, người châu Âu cảm thấy căng thẳng, bất an đối với việc ông Donald Trump nhiều lần ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin.

EU cũng không rõ phát biểu của ông Donald Trump trong năm 2016 "về việc Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác cần chế tạo vũ khí hạt nhân dùng để tự vệ" có thật hay không. Các tín hiệu do ông Donald Trump phát đi rất hỗn loạn và mơ hồ.

Ngoài ra, theo hãng tin AP Mỹ ngày 20/1, việc ông Donald Trump nhậm chức làm cho các quan chức và nghị sĩ Nga hết sức vui mừng. Họ cho rằng điều này sẽ mở ra một thời kỳ mới chung sống tốt hơn giữa Mỹ và Nga.

Thủ tướng Nga Medvedev cho biết mặc dù còn chưa rõ ông Donald Trump sẽ dùng biện pháp gì sau khi lên nắm quyền, nhưng "chúng tôi đã chuẩn bị tốt các nỗ lực để cải thiện quan hệ".