Ông Tập "học" ông Kim Jong-un, cấm đảng viên Trung Quốc nói xấu lãnh đạo

Báo Washington Post ngày 29.12 nêu ông Tập Cận Bình cấm đảng viên Trung Quốc nói xấu lãnh đạo, nếu phát ngôn ẩu có thể bị cách chức.
Ông Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình

Ông Tập đang tiến hành cuộc bài trừ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử đảng Cộng sản TQ (CPC), nay ông Tập siết kỷ luật, loại trừ những phần tử chống đối trong đảng, bằng những quy định kỷ luật mới. 

Đối với người ủng hộ ông, việc ông Tập Cận Bình cấm đảng viên Trung Quốc nói xấu lãnh đạo là một nỗ lực khác để phục hồi kỷ luật, sự trong sạch về tư tưởng khi CPC đang bị tai tiếng tham nhũng và có nhiều chỉ trích hướng về CPC. 

Ông Tập bác bỏ những ý tưởng lãnh đạo tập thể mà CPC thông qua sau khi Mao Trạch Đông qua đời, thay vào đó là tái lập quyền lãnh đạo, quyền kiểm soát các chính sách về chỉ một người là ông Tập, giống như thời Mao.

Ông Tập làm một bộ phận không nhỏ đảng viên, quân đội bực tức   

Xem ra ông Tập được người dân đồng tình khi tiến hành cuộc chống tham nhũng, nhưng nó cũng làm một bộ phận trong 88 triệu đảng viên CPC bực tức. 

Tại một cuộc họp lãnh đạo CPC hồi tháng 10.2014, ông Tập phê bình một số cán bộ “làm những việc theo cách riêng của họ, giả bộ tuân thủ nhưng chống đối trong lòng, bôi xấu lãnh đạo bằng cách bất tuân các chỉ đạo”. 

Tháng 10.2015, CPC ra quy định kỷ luật mới, cấm “những cuộc bàn luận không chính đáng”. 

Tháng 12.2015, Tổng biên tập Triệu Tân Úy của Tân Cương nhật báo là đảng viên có tầm ảnh hưởng đầu tiên bị cách chức, vì công khai bình luận chỉ trích chủ trương của chính phủ về vùng Tân Cương bất ổn.  

Các cán bộ cấp cao bị dính lưới điều tra tham nhũng cũng bị buộc tội có những bình luận công khai “đi ngược tinh thần” của Trung ương đảng. 

Lương Tân Sinh,  Phó trưởng khoa Anh ngữ ở Đại học sư phạm Trạm Giang cũng bị cách chức bởi vì “bày tỏ những tư tưởng cấp tiến” (từ nhiều năm trước) trên trang mạng xã hội khiến “gây tổn hại uy tín của đảng, gieo tác động xấu vào xã hội”. 

Một sĩ quan công an cấp cao của một thành phố miền đông TQ cũng bị cách chức, vì tải lên mạng xã hội những bình luận mang tính chỉ trích chính sách “một quốc gia hai chế độ” mà Bắc Kinh áp dụng với đặc khu hành chính Hồng Kông, theo giới truyền thông TQ hôm 25.12. 

Theo các chuyên gia, sự trừng phạt này do họ “bàn luận không chính đáng” về các chủ trương của chính phủ; là một nỗ lực “dập tắt” sự bất mãn trong nội bộ đảng. Nó cũng phản ánh việc ông Tập muốn kiểm soát chặt, tập trung quyền lực về trung ương, như ông đã làm trong hai năm qua.

Nhà sử học, bình luận viên chính trị Chương Lập Phàm nói ông Tập làm nhiều bộ phận bức xúc: các đảng viên không vui vì chuyện chống tham nhũng, quân đội bị cuộc cải tổ của ông Tập đe dọa, các doanh nhân đang chịu đựng nền kinh tế giảm tốc, các học giả phẫn nộ vì bị kiểm soát tư tưởng. Ông ấy đang sợ, nhưng tự động viên bằng cách phớt lờ những điều ấy và sự chỉ trích. Đấy là một sự nguy hiểm đối với một lãnh đạo nhà nước, vì nó có thể dẫn đến nhiều sai phạm”. 

Giáo sư trợ giảng Willy Wo-lap Lam ở Đại học Hồng Kông nói ông Tập đang đối mặt “một cuộc chống đối thụ động” từ bên trong đảng, từ những người không dám công khai đối lập với ông”. 

Quy định gây nhiều tranh cãi

Các ông Chương, Lam cùng giáo sư luật Hạ Vệ Phương  ở Đại học Bắc Kinh cũng nhắc lại sự sợ hãi trong hai công cuộc Đại nhảy vọt và Cách mạng văn hóa đầy thảm họa của Mao: hàng chục triệu người chết đói và bị thanh trừng chính trị, nhiều lãnh đạo cấp cao bị xử tử, bị đày đọa vì dám nói ra những quan ngại của họ, hoặc chỉ là dám nói với Mao về những sự thật khủng khiếp ở các miền nông thôn. 

Giáo sư Hạ nói: “Ông Tập tự cao tự đại, từ chối nghe các ý kiến khác. Ông ấy chọn cách sống trong một không gian cô lập, với những “nịnh thần” chỉ báo tin vui cho ông ấy nghe. Ông ấy không biết gì về những gì đang xảy ra trong thế giới thật”.

Giáo sư Hạ còn mô tả hiện đây là thời gian tệ hại nhất, từ khi ông gia nhập giới học giả TQ hồi năm 1985: “không có không gian để phát biểu”. 

Ông Hạ còn nói quy định kỷ luật mới của CPC không làm rõ thế nào là “bàn luận không chính đáng”, và ai có quyền xét xử.  

Các nhà nghiên cứu cho biết có những quan chức Bộ Ngoại giao TQ nhờ họ giúp tránh chỉ trích ông Tập khi có lãnh đạo nước ngoài thăm TQ. 

Ông Trình Ân Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Marx ở Học viện Khoa học xã hội TQ, nói sau khi có quy định kỷ luật mới, nhiều học giả tìm đến ông để thắc mắc “bàn luận không chính đáng” có ý nghĩa như thế nào. Nhưng ông nói với họ câu chữ này không ảnh hưởng đến khả năng cung cấp những gợi ý cho đảng của họ.   

Ông Trình nói ông Tập đang quyết siết kỷ luật đảng, chỉ muốn cấm phê phán những tư tưởng cơ bản của CPC. Ông nói: “Ông ấy như một nhà quân sự muốn các lệnh của mình được thực hiện một cách hiệu quả nhất. Tiến hành sâu cuộc cải tổ hệ thống cần các đảng viên phải đoàn kết hơn”. 

Ông Trình đề cập việc giáo sư Hạ đặt dấu hỏi về tính chính đáng của quy định kỷ luật mới: “Đó là mục tiêu của quy định này. Các học giả khác như chúng tôi vẫn có cơ hội nêu những ý kiến phản biện”. 

Không lâu sau khi quy định kỷ luật mới được công bố, Nhân dân nhật báo viết quy định này không cản trở “tính dân chủ trong nội bộ đảng”, không nhằm hạn chế các gợi ý bình thường thông qua các biện pháp và các kênh chính đáng. 

Nhưng David Bandurski ở Dự án truyền thông TQ (CMP) thuộc Đại học Hồng Kông nói, rằng bài báo này “gợi ra chính lệnh cấm bàn luận không chính đáng đã tạo sự lo ngại trong hàng ngũ CPC”. 

Một thống kê của CMP cho thấy chữ “bàn luận không chính đáng” rất ít khi xuất hiện trên Nhân dân nhật báo nhưng nó xuất hiện hơn 3.000 lần trên các trang báo khác của nhà nước, từ khi quy định kỷ luật mới được công bố hồi tháng 10.2015.

Ông Tập ăn cơm tập thể với quân nhân
Ông Tập ăn cơm tập thể với quân nhân

 Sĩ quan quân đội phải giữ mồm giữ miệng

Bài xã luận đăng trang nhất ngày 7.12 của Quân đội nhân dân nhật báo cũng đề cập các sĩ quan cấp cao quân đội TQ phải “giữ mồm giữ miệng” và đi đầu trong việc duy trì kỷ luật quân đội. 

Bài báo nêu sự thành bại của cuộc cải tổ quân đội của ông Tập tùy thuộc các sĩ quan “đi đầu hàng quân và thể hiện tính gương mẫu”.

Còn Nhân dân nhật báo cũng nêu việc TQ cấm sĩ quan chống công cuộc cải tổ: “Cấm nói điều vô nghĩa, cấm đưa ra những bình luận vô trách nhiệm, cấm có quan điểm cá nhân, cấm hành xử giả bộ tuân thủ kỷ luật. Phải quan tâm đặc biệt đến tư tưởng của binh lính và phải xử lý dứt điểm những vấn đề nhạy cảm”. 

Bài báo viết thêm: “Phải tổ chức và quản lý tốt dư luận, nhất là trên mạng internet, tích cực đấu tranh để tạo ra một bầu không khí tốt để quảng bá công cuộc cải tổ”. 

Tờ báo của quân đội cũng đăng nhiều bình luận, cảnh cáo những ai có chống đối cuộc cải tổ quân đội cùng những nỗi lo bị mất việc làm. 

Ông Tập ở cương vị Chủ tịch Quân ủy Trung ương hồi tháng 11 đã công bố kế hoạch cải tổ quân đội nhằm hiện đại hóa quân đội, để có thể chiến thắng trong cuộc chiến hiện đại. 

Hải quân TQ đang đầu tư mạnh vào tàu sân bay và tàu ngầm, trong khi không quân phát triển chiến đấu cơ tàng hình. 

Kế hoạch cải tổ gồm cắt giảm 300.000 quân, nên có mối sợ bị mất việc trong hàng ngũ quân đội. Cuộc cải tổ gồm lập một cơ cấu chỉ huy phối hợp từ năm 2020, theo mô hình hội đồng liên quân của Mỹ.  

Vĩnh Thụy - Theo Washington Post, Một thế giới