Ông Tập Cận Bình phát biểu trước QH sáng 6/11 là do nước bạn đề nghị

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam vào sáng mai (6/11) là hoạt động theo đề nghị của phía nước bạn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình.
Tổng Bí thư, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình.

Trưa nay, 5.11, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội và bắt đầu các hoạt động thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Liên quan đến thông tin ông Tập Cận Bình sẽ phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc bên hành lang.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin chi tiết: "Khoảng 10h5' ngày mai, 6.11, ông Tập Cận Bình sẽ đến Nhà Quốc hội và sẽ tổ chức lễ đón tại Quốc hội. Đến 10h35', ông Tập Cận Bình sẽ vào thăm Quốc hội và có bài phát biểu tại đây".

Ông Phúc cũng cho hay trong khoảng thời gian trên sẽ tổ chức buổi hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng và ông Tập Cận Bình tại phòng Thăng Long, nhà Quốc hội.

Theo vị Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng như các đại biểu khác đến thăm, Quốc hội đều có nghi thức đứng chào. 

"Vừa qua ông Tổng thư ký Ban Ki Moon đến thăm, các đại biểu Quốc hội cũng đứng lên chào. Với tình cảm mến khách của người Việt Nam, các đại biểu sẽ đứng lên vỗ tay chào mừng khách đến thăm", ông Phúc nói.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói tiếp: "Sau 10 năm, kể từ khi ông Hồ Cẩm Đào đã thăm nhà Quốc hội tại Hội trường Ba Đình cũ, chuyến thăm này của ông Tập Cận Bình diễn ra theo nghi thức cấp nhà nước.

Sau khi ông Tập Cận Bình phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng sẽ đáp từ và tiễn bạn ra về".

Ông Phúc cũng cho biết đây là hoạt động theo đề nghị của phía nước bạn.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, được đánh giá là mang ý nghĩa quan trọng với cả hai nước.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc và 10 năm sau chuyến đi của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Việt Nam vào cuối năm 2005.

Theo Một thế giới