Ông Tập Cận Bình chối phăng chuyện Trung Quốc quân sự hóa biển Đông

Reuters đưa tin ông Tập Cận Bình chối chuyện Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, khi ông cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama họp báo lúc 13 giờ 20 ngày 25.9 (giờ Mỹ), nhân chuyến ông Tập thăm Mỹ. 
Ông Tập Cận Bình chối phăng chuyện Trung Quốc quân sự hóa biển Đông

Ông Tập Cận Bình chối chuyện Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, khi ông Obama nói với ông Tập sự quan ngại của Mỹ đối với hành động này của Bắc Kinh.  

Ông Obama cho biết trong cuộc họp báo rằng ở cuộc đối thoại thượng đỉnh, hai ông đã “nói thẳng thắn” về những tranh chấp chủ quyền biển đảo ở châu Á - Thái Bình Dương, tập trung vào sự gia tăng căng thẳng trên biển Đông.  

Ông Obama nói: “Tôi đã chuyển đến ông Tập sự quan ngại đáng kể của chúng tôi về việc TQ cải tạo đá, xây dựng và quân sư hóa vùng tranh chấp, khiến các nước trong khu vực khó thể giải quyết những bất đồng một cách hòa bình”.

Nhưng ông Tập chối chuyện quân sự hóa các đảo nhân tạo: “Hoạt động xây dựng của TQ ở quần đảo Trường Sa (mà ông Tập nói là Tam Sa - người dịch) không nhằm tác động hoặc chĩa vào bất kỳ nước nào, và không có ý đồ quân sự hóa”.

Ông Tập còn nói liều “các đảo trên biển Đông từ thời xưa đã thuộc lãnh thổ TQ. Chúng tôi có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, quyền hàng hải hợp pháp cùng các quyền lợi”, trong khi vẫn khẳng định TQ tôn trọng quyền tự do hàng hải trên biển Đông, cùng việc giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua đối thoại. 

TQ ráo riết quân sự hóa bãi đá Chữ Thập 

TQ gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam bằng tên gọi Tam Sa. Quần đảo Trường Sa có 30.000 đảo, bãi chìm và bãi san hô. Tất cả đều cách xa bờ biển TQ những hơn 1.448km.

Vậy mà TQ hung hăng tuyên bố chủ quyền đối với không phận, vùng đánh cá và thềm lục địa của quần đảo được cho là có nhiều dầu khí này.

3 năm qua, TQ xây trái phép 7 đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bằng cách đổ cát lên các bãi san hô và các bãi chìm rồi xây dựng tiền đồn quân sự, trong âm mưu độc chiếm biển Đông.

Để thực hiện yêu sách chủ quyền, TQ bắt đầu xây một căn cứ quân sự chính trên bãi đá Chữ Thập, được xây dựng thành một đảo nhân tạo rộng tới 200 ha.

Hiện tại bãi này đã có đường băng dài  3.120 mét, đủ để chiến đấu cơ và các loại máy bay vận tải TQ hạ cánh. Nơi đây có cả bãi đáp trực thăng, đường xe chạy. Đây là âm mưu kiểm soát hàng không trên biển Đông của Bắc Kinh. 

Bờ kè của bãi cũng đủ lớn để tàu chiến lớn nhất của hải quân TQ cập cảng, trong khi vùng nước xung quanh bãi đá Chữ Thập đủ sâu cho tàu ngầm hiện đại TQ lặn mà không bị phát hiện.

Ngoài ra, TQ còn xây thêm 6 đảo nhân tạo nữa, và nhóm đảo này đều được sử dụng vào mục đích quân sự.

Các quan chức Mỹ nhận định TQ sẽ dùng những cơ sở này để tăng cường khả năng đòi chủ quyền khu vực, lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên hầu như toàn bộ biển Đông.

Các nhà phân tích và quan chức Mỹ nói TQ đã bắt đầu quân sự hóa các đảo nhân tạo, nay thắc mắc duy nhất là TQ sẽ đặt bao nhiêu phần cứng quân sự ở đó.

Trong khi đó, các nhà phân tích nói ảnh vệ tinh chụp ngày 20.9 cho thấy TQ đã xây xong đường băng ở bãi đá Chữ Thập và xem ra đang xây hai đường băng nữa. Ảnh vệ tinh cho thấy TQ đang tiếp tục san lấp đất quanh các đảo nhân tạo, một tháng sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị nói TQ sẽ dừng cải tạo đất xây dựng cơ sở trên các đảo. Điều này chứng minh TQ nói một đằng làm một nẻo, theo tuần san quốc phòngIHS Jane's nhận xét.

Tạp chí trên còn cho rằng đường băng ở bãi đá Chữ Thập sẽ sớm được đưa vào hoạt động, thu nhiều lợi ích về cho Bắc Kinh cùng ưu thế hoạt động trong khu vực tranh chấp chủ quyền, “việc xây xong đường băng mới xong trong vài tuần nay sẽ cho phép TQ tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng và tiềm năng bắt đầu bay tuần tra trên toàn không phận quần đảo Trường Sa”.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ (PACOM) nói hồi tháng 7: TQ xây nhà chứa máy bay trên bãi đá ấy xem ra để chứa các chiến đấu cơ chiến thuật.

Tuần trước, ông Harris nói việc TQ xây đường băng và quân sự hóa các đảo nhân tạo là “mối quan ngại lớn” và nó đe dọa tất cả các nước trong vùng biển Đông. Ông nói quân đội Mỹ cần cử tàu chiến và máy bay tới vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà TQ xây bất hợp pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm phát thông điệp rằng Mỹ không công nhận tuyên bố chủ quyền của TQ.    

Nhưng cho đến nay, ông Obama chưa cho phép PACOM đưa tàu chiến đến khu vực trên vì ngại gây ra một cuộc xung đột khu vực.

Thượng nghị sĩ Mỹ John MacCain (đảng Cộng hòa) nói việc Nhà Trắng miễn cưỡng đưa tàu chiến hải quân đến khu vực ấy là “một sai lầm nguy hiểm, bởi được xem là gián tiếp công nhận tuyên bố chủ quyền của TQ”.

Bãi đá Chữ Thập của Việt Nam bị TQ chiếm và cải tạo thành căn cứ quân sự
Bãi đá Chữ Thập của Việt Nam bị TQ chiếm và cải tạo thành căn cứ quân sự

 Lời hứa có đi kèm hành động?

Trước chuyến thăm của ông Tập, Mỹ hy vọng sẽ nhận được lời bảo đảm từ chính ông ta rằng Bắc Kinh sẽ ngưng xây dựng đảo nhân tạo trên biển Đông.

Nhưng từ đầu năm nay, không có dấu hiệu nào cho thấy ông Tập sẽ đồng ý ngưng cải tạo các đảo. Người phát ngôn của sứ quán TQ tại Mỹ còn nói “quyết tâm bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của TQ vững như thạch và không thể tranh cãi”.

Khi trả lời phỏng vấn của báo The Wall Street Journal trước chuyến đi Mỹ, ông Tập khẳng định các đảo nhân tạo “sẽ phục vụ tự do hàng hải” nhưng  không giải thích rõ ràng. TQ cũng tuyên bố các đảo này chỉ phục vụ hàng hải, khí tượng thủy văn và an toàn hàng hải, nhưng đây là các chức năng thứ yếu. Thực chất chúng được dùng để hải quân, cảnh sát biển và ngư dân TQ thực hiện yêu sách chủ quyền, không cho các nước khác quyền tiếp cận những vùng biển tranh chấp.

Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ nói lần đầu tiên ông Tập hứa không quân sự hóa các đảo, cũng chả khác gì những tuyên bố kiểu “nói một đằng làm một nẻo” của quan chức TQ với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước đó.

Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về quân sự TQ ở CSIS, nói: “Đó là một ngôn ngữ mới. Nhưng không thể rõ ý nghĩa quân sự hóa của ông ấy là gì. Phải chăng là các chiến đấu cơ không sử dụng các đường băng, không triển khai tên lửa?”.

Taylor Fravel, một chuyên gia về quân sự TQ ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nói nhiều đảo ở quần đảo Trường Sa đã bị TQ quân sự hóa, đưa lính đến trấn thủ cùng vũ khí phòng thủ.

Tại cuộc họp báo chung, ông Obama nói ông và ông Tập đạt được “sự hiểu biết chung” về vấn đề tin tặc do thám, nhiều tháng sau khi Mỹ cáo buộc chính phủ TQ ủng hộ tin tặc ăn cắp dữ liệu cá nhân của 20 triệu công chức cấp liên bang Mỹ.

Ông Obama nói “chúng tôi đồng ý rằng cả hai chính phủ sẽ không tiến hành, không cố tình ủng hộ bọn trộm tài sản trí tuệ, gồm bí mật thương mại, thông tin kinh doanh mật để giành ưu thế thương mại”. Ông nói đây là một thỏa thuận “tiến bộ”, nhưng tỏ ý nghi ngờ TQ “vấn đề là sau những lời hứa sẽ có những hành động?”.

Vợ chồng ông Obama đón tiếp vợ chồng ông Tập ở Nhà Trắng
Vợ chồng ông Obama đón tiếp vợ chồng ông Tập ở Nhà Trắng

 Theo Một thế giới