Ông Tam Asanzo: 'Chữ T' mới ở T&T 159 Group

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Vô tình hay hữu ý, cụm “T&T 159” vừa khớp với chữ cái đầu trong tên và số cuối năm sinh của những nhà sáng lập. Và giờ, tập đoàn nông nghiệp này lại có thêm một chữ T nữa: Phạm Văn Tam.

Ông Phạm Văn Tam, Winsan Group và màn ra mắt phân bón Ba Con Bò

Ông Phạm Văn Tam, Winsan Group và màn ra mắt phân bón Ba Con Bò

Xuất hiện nổi bật tại sự kiện ra mắt Trang trại sinh thái và Thương hiệu phân bón hữu cơ Ba Con Bò (hôm 17/3), ông Phạm Văn Tam được giới thiệu là Chủ tịch thương hiệu phân bón hữu cơ Ba Con Bò, Chủ tịch HĐQT của Công ty 159 Miền Nam.

Lưu ý rằng, vài tháng trước sự kiện này, cụ thể là ngày 17/12/2020, một pháp nhân mang họ ‘T&T 159’ được thành lập, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại phường Phú Thọ Hoà, Quận Tân Phú, Tp. HCM. Đó chính là CTCP Phân bón T&T 159 Miền Nam.

Công ty này có vốn điều lệ 2 tỉ đồng, được sáng lập bởi 3 cổ đông, bao gồm: CTCP Đầu tư Tập đoàn Winsan (Winsan Group) góp 800 triệu đồng, sở hữu 40% vốn; cổ đông thứ hai góp 800 triệu đồng, sở hữu 40% vốn; và cổ đông thứ ba là ông Bùi Tín Hùng góp 400 triệu đồng, nắm giữ 20% vốn điều lệ . Ông Bùi Tín Hùng (SN 1979) đảm nhiệm vai trò giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật cho CTCP Phân bón T&T 159 Miền Nam.

Winsan Group, theo tìm hiểu của VietTimes, được Chủ tịch Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam sáng lập vào tháng 5/2020, hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, có quy mô vốn điều lệ lên tới 300 tỉ đồng. Trong đó, ông Phạm Văn Tam nắm chi phối với tỉ lệ sở hữu lên tới 95% vốn điều lệ; các cổ đông còn lại là bà Nguyễn Thị Hiền (4,5% VĐL) và ông Phùng Đông Hưng (0,5% VĐL).

Ông Phùng Đông Hưng (SN 1979) là doanh nhân gốc Hoa, bên cạnh vai trò Giám đốc kiêm người đại diện cho Winsan Group, hiện còn đứng tên tại loạt pháp nhân khác như: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu 1Buys, Công ty TNHH Đông Hưng, Công ty TNHH Tân Tín Hưng.

Từ Asanzo Group tới Winsan Group

Việc ra mắt thương hiệu phân bón Ba Con Bò đánh dấu lần đầu ông Phạm Văn Tam đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Vị doanh nhân sinh năm 1980 được biết tới rộng rãi trên cương vị Chủ tịch Tập đoàn Asanzo, đi lên từ lĩnh vực điện tử, điện tiêu dùng, điện lạnh và để lại nhiều dấu ấn trên thương trường, đặc biệt là khu vực miền Tây Nam Bộ.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, hoạt động kinh doanh của CTCP Tập đoàn Asanzo (Asanzo Group) có thời điểm rất thuận lợi. Năm 2018, công ty mẹ Asanzo Group ghi nhận doanh thu đạt 1.141,5 tỉ đồng, cao gấp đôi so với năm 2017, báo lãi 0,28 tỉ đồng. Đây cũng là năm tập đoàn này lập kỷ lục về doanh số, bán ra thị trường trên 4 triệu sản phẩm các loại.

Tuy nhiên, khi vướng vào lùm xùm nhập hàng Trung Quốc rồi dán mác sản xuất tại Việt Nam, kết quả kinh doanh của Asanzo Group trong năm 2019 tụt dốc. Công ty này ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 656,5 tỉ đồng, báo lỗ 56,1 tỉ đồng. Nếu hợp nhất kết quả kinh doanh của các thành viên khác, con số thua lỗ của Asanzo Group có thể lớn hơn nhiều.

Asanzo Group tiền thân là CTCP Tập đoàn Asan, với 6 cổ đông sáng lập. Trong đó, ông Phạm Văn Tam đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc, sở hữu 90% vốn điều lệ, số cổ phần còn lại chia đều cho CTCP Điện tử A Sanzo Việt Nam, Công ty TNHH Truyền thông Asanzo, bà Phạm Thị The, ông Phạm Văn Toản, ông Phạm Xuân Tình.

Đến nay, ông Phạm Văn Tam chỉ còn nắm 1% cổ phần của Asanzo Group, vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Phạm Xuân Tình (SN 1985) đảm nhiệm.

Sau những biến cố về xuất xứ hàng hoá, dữ liệu của VietTimes cho thấy, ông Tam không còn đứng tên, trực tiếp nắm quyền điều hành ở nhiều pháp nhân ‘họ’ Asanzo, song, vị doanh nhân này vẫn nắm giữ cổ phần chi phối tại CTCP Công nghệ cao Asanzo, CTCP Điện tử - Điện lạnh Công nghiệp Việt Nam, CTCP Truyền thông và giải trí Asanzo.

Tới gần 1 năm sau biến cố tại Asanzo, như đã nêu, ông Phạm Văn Tam tái xuất với việc sáng lập nên Winsan Group.

T&T 159 Group của ai, mạnh cỡ nào?

Ông Phạm Văn Tam cùng ông Lê Như Toản – Chủ tịch HĐQT T&T 159 Group đưa quan khách tham quan trang trại bằng xe điện (Ảnh: VNExpress)

Ông Phạm Văn Tam cùng ông Lê Như Toản – Chủ tịch HĐQT T&T 159 Group đưa quan khách tham quan trang trại bằng xe điện (Ảnh: VNExpress)

Về phía T&T 159 Group, vô tình hay hữu ý cụm từ “T&T 159” vừa khớp với chữ cái đầu trong tên và số cuối năm sinh của những nhà sáng lập. Đó là các ông Đỗ Thế Thắng (SN 1971), Đỗ Đức Tùng (SN 1975) và Lê Như Toản (SN 1979). Các cá nhân này lần lượt chia nhau các chức vụ Tổng Giám đốc, Giám đốc, Chủ tịch HĐQT tại CTCP T&T 159 – pháp nhân lõi trong hệ sinh thái T&T 159 Group.

CTCP T&T 159 được thành lập từ tháng 5/2012, có quy mô vốn 300 tỉ đồng. Trong đó, ông Lê Như Toản nắm chi phối với tỉ lệ sở hữu 61,667% vốn điều lệ, tiếp sau là các ông Đỗ Đức Tùng, Đỗ Thế Thắng và Lê Hải Đào (cùng địa chỉ thường trú với ông Lê Như Toản).

T&T 159 Group là "tay chơi" tham vọng trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Hoà Bình với một loạt dự án đáng chú ý như: Khu liên hợp trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất thực phẩm T&T 159 theo cơ chế phát triển sạch (quy mô 150ha, tại Thung Cả, xã Sủ Ngòi); Khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phụ phẩm nông nghiệp và trại bò giống chất lượng cao (quy mô 20ha, tại Thôn Mỵ, xã Yên Mông); Dự án “Đầu tư trang trại lõi và thực hiện phát triển vùng liên kết sản xuất bò giống cao sản và bò nuôi lấy thịt (quy mô 20ha, tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn); Dự án “Đầu tư trang trại lõi và thực hiện phát triển vùng liên kết sản xuất bò giống cao sản và bò nuôi lấy thịt” (rộng 30 ha, tại Xã Tu Lý, Hào Lý, Huyện Đà Bắc).

Bên cạnh đó, T&T 159 Group còn đang triển khai thủ tục đầu tư dự án “Làng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái” diện tích 35 ha tại Xã Yên Mông, Tp. Hòa Bình. Ngoài ra, tập đoàn này còn là chủ đầu tư dự án “Phát triển, chăm sóc bê sữa” khoảng 10 ha tại Xã Đông Hiếu, Thị xã Thái Hòa, Tỉnh Nghệ An.

Kết quả kinh doanh của đơn vị sản xuất phân bón Ba Con Cò và T&T 159 Group

Kết quả kinh doanh của đơn vị sản xuất phân bón Ba Con Cò và T&T 159 Group

Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần của CTCP T&T 159 tăng trưởng tới hai chữ số trong các năm từ 2016 – 2018, và có dấu hiệu chậm lại vào năm 2019. Trong giai đoạn này, công ty chỉ một lần báo lỗ vào năm 2017, với số lỗ lên tới 33,7 tỉ đồng.

Xét riêng trong năm 2019, CTCP T&T 159 ghi nhận doanh thu đạt 351,3 tỉ đồng (tăng 9,2% so với năm 2018), báo lãi 61,3 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận đạt 17,4%. Trên bảng cân đối, tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của CTCP T&T 159 đạt 631,1 tỉ đồng, cao gấp đôi so với vốn chủ sở hữu./.