Ông Quang “Masan” kể chuyện học vật lý hạt nhân nhưng lại đi buôn mỳ gói

VietTimes -- Tại đại hội, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Masan - đã có những chia sẻ về hoàn cảnh khởi nghiệp, từ những cơ duyên với “mỳ gói” và con đường đi mà tập đoàn đang theo đuổi.

Ngày 24/4, buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2019 của CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) đã diễn ra theo một cách khá “lạ” so với đa phần các doanh nghiệp niêm yết khác trên thị trường. Không “theo thông lệ” là tuần tự các lãnh đạo lên mục phát biểu, đọc xong các báo cáo được in sẵn - vốn quen thuộc nhưng tẻ nhạt.

Như một người truyền cảm hứng, nhà sáng lập Masan - Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang - bước lên sân khấu đầy tự tin và bắt đầu chia sẻ một cách nhà nghề về triết lý cốt lõi của tập đoàn, về cách mà ông đã xây dựng nên “đế chế” trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Không chỉ riêng ông Quang, các lãnh đạo Masan khác - những người có tên trong đoàn chủ tọa - cũng đều lên sân khấu và tự tin tình bày các bản báo cáo theo phong cách ấy.

Bên cạnh đó, nhiều nội dung được biểu quyết trong đại hội - không phải giơ phiếu theo cách “máy móc” thông thường - mà bằng các tràng pháo tay từ các cổ đông.

Chủ tịch HĐQT Masan - ông Nguyễn Đăng Quang - dành nhiều thời gian để chia sẻ với cổ đông về các hoạt động kinh doanh của tập đoàn (Ảnh: VT)
Chủ tịch HĐQT Masan - ông Nguyễn Đăng Quang - dành nhiều thời gian để chia sẻ với cổ đông về các hoạt động kinh doanh của tập đoàn (Ảnh: VT) 

“Keep Going” là như thế nào?

Chia sẻ tại Đại hội, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang cho biết đã có người hỏi ông rằng: Vì sao Masan tiếp tục chủ đề “Keep going”, có phải Masan đã hết sáng tạo, không biết làm gì mới (?).

Trả lời câu hỏi này, ông Quang cho biết con đường mà Masan đang đi có rất nhiều chông gai, thử thách nhưng “nếu bạn tự tin, không hoài nghi và tiếp tục dấn bước trên con đường đã chọn thì sẽ gặt hái những điều tốt nhất và ý nghĩa nhất”.

“Nhưng trước khi “keep going”, bạn cần phải đảm bảo rằng con đường đó sẽ đem lại giá trị không chỉ cho bản thân, mà còn cho những người xung quanh và cho xã hội. Đây là điều quan trọng để bạn có thể tiếp tục dấn bước và trưởng thành” - vị Chủ tịch Masan chia sẻ.

Dù đôi khi có những ý kiến tỏ ra hoài nghi, không đồng ý với quan điểm này nhưng ông Quang tự tin việc kiên trì trên con đường đã chọn sẽ giúp mọi người nhận ra sứ mệnh của Masan.

“Tôi tin rằng nếu Masan vẫn tiếp tục dấn bước, chia sẻ, hợp tác cùng những con người tài năng tham gia trên con đường đã lựa chọn thì tập đoàn sẽ thành công” - ông Quang tự tin chia sẻ.

Cũng theo người đứng đầu Masan, những công việc hàng ngày mà tập đoàn đang theo đổi sẽ mang lại nhiều ý nghĩa với cộng đồng và các cổ đông.

Trước đó, trong Báo cáo thường niên năm 2018, ông Nguyễn Đăng Quang khẳng định “Keep going” không phải là một chiến dịch marketing nhằm gây dựng niềm tin vào Masan hay là khẩu hiệu để tạo động lực khi gặp khó khăn. Mà theo ông Quang lý giải, “đó chính là phương cách Masan - Masan Way”.

Masan được thành lập không phải với mục tiêu để trở thành một tập đoàn kinh doanh tỷ USD và tranh thủ mọi cơ hội tìm kiếm lợi nhuận. Masan được thành lập để theo đuổi lý tưởng “trở thành niềm tự hào của Việt Nam” bằng cách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Việt.

Bên cạnh đó, ông Quang cũng cho biết năm 2018 mới chỉ là khởi đầu của cuộc hành trình và Masan đang đi đúng hướng.

Ông Quang “Masan”: Họ hỏi tôi rằng ông học vật lý hạt nhân nhưng sao lại đi buôn mỳ gói... (Ảnh: VT)
Ông Quang “Masan”: Họ hỏi tôi rằng ông học vật lý hạt nhân nhưng sao lại đi buôn mỳ gói... (Ảnh: VT)

Học vật lý hạt nhân nhưng... đi buôn mỳ gói

Tại đại hội, ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ về hoàn cảnh khởi nghiệp, từ những cơ duyên với “mỳ gói” mà xây dựng nên “đế chế” ngành hàng tiêu dùng như ngày nay, bởi lẽ có người vẫn không thể hiểu được vì sao ông học vật lý hạt nhân nhưng lại đi buôn mỳ gói.

“Thực sự chúng tôi không lựa chọn mỳ gói, mà ngược lại, bối cảnh khó khăn lúc đó “buộc” chúng tôi phải chọn mỳ gói” - ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ về “hoàn cảnh” khởi nghiệp 20 năm về trước. Cũng theo ông Quang, với tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn thời kỳ đó, cách để làm cuộc sống tốt hơn và cụ thể là “để làm cái bụng ấm hơn” thì phải dựa vào mỳ gói.

“Đến một ngày chúng tôi nhận ra không chỉ có người Việt Nam dùng mỳ gói, mà hơn 140 triệu người Nga cũng cần. Đó là khởi nguồn cho con đường mà Masan đang đi” - ông Quang cho hay.

Bên cạnh đó, vị Chủ tịch Masan cũng dành thời gian chia sẻ thêm về phương cách hoạt động, mô hình kinh doanh của tập đoàn.

“Hãy bắt đầu làm một việc tốt mà bản thân bạn muốn. Nếu bạn đã làm một điều tốt cho bản thân thì hãy nghĩ rộng hơn, hãy làm những điều tốt cho gia đình, mọi người và xã hội. Đó là kim chỉ nam trong hành trình của Masan Group” - ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ với các cổ đông.

Lấy ví dụ về lĩnh vực tiêu dùng, ông Quang cho biết ở Masan Consumer, tập đoàn định hướng phát triển các sản phẩm dựa trên tình yêu thương, với mong muốn các sản phẩm phải “ngon, an toàn và tuyệt vời như làm cho chính gia đình của mình”.

Người đứng đầu tập đoàn cũng tự tin với mô hình kinh doanh đang theo đuổi, Masan sẽ trở thành một tổ chức kinh doanh có doanh thu, lợi nhuận cao và bền vững.

“Chúng ta sẽ kinh doanh thành công, bởi làm những điều tốt, có ý nghĩa cho xã hội. Mỗi ngày chúng ta sẽ tạo ra những giá trị nho nhỏ cho mỗi người dân Việt Nam và sẽ được tưởng thưởng bởi doanh thu, lợi nhuận cao” - ông Nguyễn Đăng Quang khẳng định với các cổ đông.

Masan lên kế hoạch doanh thu thuần đạt từ 45.000 - 50.000 tỷ đồng

Theo Báo cáo của HĐQT, năm 2018 doanh thu thuần của Masan đạt 38.188 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông từ hoạt động kinh doanh chính năm 2018 (không bao gồm lợi nhuận một lần) đạt 3.478 tỷ đồng, tăng 57,1% so với năm 2017. Biên lợi nhuận sau thuế của hoạt động kinh doanh chính đạt mức 9,1% vào năm 2018 so với 5,9% năm 2017.

Trong năm 2019, Masan đặt mục tiêu là tăng doanh thu thuần 20-30% đạt mức từ 45.000 - 50.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của công ty được kỳ vọng đạt 5.000 - 5.500 tỷ đồng trong năm 2019, tăng 40-60% so với năm 2018.

Được biết, trong Quý 1/2019, Masan ghi nhận doanh thu đạt 8.200 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, mảng tiêu dùng Masan Consumer đóng góp 3.800 tỷ đồng doanh thu (tăng 5% so với cùng kỳ), nguồn thu từ chuỗi giá trị thịt Masan Nutri-Science đi ngang ở mức 3.200 tỷ đồng. Ở chiều hướng ngược lại, lĩnh vực khoáng sản với Masan Resources giảm đến 20% doanh số về mức 1.200 tỷ đồng.

Về kế hoạch trung hạn, ban lãnh đạo dự báo tăng trưởng lợi nhuận dự kiến sẽ tăng gấp 2 lần so với tăng trưởng doanh thu, với biên lợi nhuận gộp đạt 2 chữ số khi Masan tiếp tục quản lý hiệu quả chi phí SG&A (chiếm khoảng 15-16% so với doanh thu thuần) và tiết kiệm lãi vay hơn 1.000 tỷ đồng từ các chiến lược giảm nợ trong năm 2018.

Trong 5 năm tới, Masan sẽ tiếp tục nghiên cứu và đầu tư xây dựng nền tảng “Tiêu dùng – Công nghệ” mà người tiêu dùng có thể sử dụng công nghệ một cách tiện lợi. Động thái này nhằm đón đầu xu hướng thị hiếu tiêu dùng của người dân ngày càng nâng cao, đặt ra yêu cầu các sản phẩm phải an toàn và tốt cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người tiêu dùng Việt Nam, Masan sẽ xây dựng phương thức bán hàng đa kênh để kích cầu tiêu dùng bằng việc cung cấp danh mục các sản phẩm lớn hơn và mang lại dịch vụ tốt hơn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng trong nước./.