Ông Nguyễn Đỗ Lăng: APS có thể lãi 400-500 tỉ đồng từ API và IDJ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nhấn mạnh API và IDJ là hai mã cổ phiếu tốt trên thị trường, song ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch Apec Group cho rằng APS sẵn sàng bán nếu hai cổ phiếu này tăng tới ngưỡng đủ để hiện thực hóa lợi nhuận.

Ông Nguyễn Đỗ Lăng - Chủ tịch Apec Group, Tổng giám đốc APS (Ảnh: H.B)
Ông Nguyễn Đỗ Lăng - Chủ tịch Apec Group, Tổng giám đốc APS (Ảnh: H.B)

Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023) lần 2 ngày 8/6 của CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Mã CK: APS), ông Nguyễn Đỗ Lăng – Chủ tịch Apec Group, Tổng giám đốc APS, cho biết khoản đầu tư của APS vào hai cổ phiếu API và IDJ đến nay tạm lãi 260 tỉ đồng. Nếu tiếp tục nắm giữ cho đến cuối năm, mức lãi có thể lên tới 400-500 tỉ đồng.

Theo ông Lăng, API và IDJ là hai mã cổ phiếu tốt trên thị trường. Tuy nhiên, nếu hai cổ phiếu này tăng tới ngưỡng đủ để hiện thực hóa lợi nhuận, APS sẵn sàng bán ra nhằm bảo vệ tốt nhất thành quả đạt được cũng như quyền lợi của cổ đông.

“Nếu chúng tôi bán API và IDJ thì cũng chỉ là động thái chốt lời, bảo vệ thành quả. Điều này cũng giúp APS có thêm nguồn lợi nhuận để chia cổ tức cao hơn, năm sau có thể chia cổ tức tỷ lệ 25%”, ông Lăng nói.

Chia sẻ thêm về các khoản đầu tư này, ông Phạm Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT APS, cho biết API và IDJ hiện chiếm khoảng 70-80% giá trị danh mục tự doanh của APS. Ngoài ra, APS còn đầu tư vào DBD, BCG và một số cổ phiếu tăng trưởng nóng khác.

Cũng theo ông Hưng, năm 2022, thị trường chứng khoán lao dốc đã bào mòn đáng kể giá trị danh mục đầu tư của APS, song công ty vẫn chưa tiến hành chốt lời.

Hiện nay, quỹ lợi nhuận để lại của APS còn khoảng 280 tỉ đồng. Công ty chỉ có thể thực hiện chia cổ tức trên phần lợi nhuận này, do đó, tỷ lệ chia cổ tức 10% năm nay là hoàn toàn phù hợp.

Về định hướng trong 3-5 năm tới, ông Hưng cho biết với kinh nghiệm 20 năm đầu tư trên thị trường, APS sẽ tiếp tục tập trung vào mảng tự doanh, với mục tiêu trở thành 1 trong 5 công ty chứng khoán có hiệu quả đầu tư tốt nhất.

Đối với mảng môi giới, ông Hưng cho biết APS sẽ có chiến lược khác biệt, thông minh hơn, sáng tạo hơn, không trực tiếp đối đầu với những ông lớn trên thị trường như VND hay SSI.

Lên kế hoạch tăng vốn lên gần 2.000 tỉ đồng

vt-agm-2023-aps.jpg
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đồng thường niên năm 2023 lần 2 của Chứng khoán APS (Ảnh: H.B)

Tại AGM 2023, ban lãnh đạo APS đã trình cổ đông kế hoạch doanh thu đạt 860 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 229,6 tỉ đồng.

Đồng thời, đại hội cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.150 tỉ đồng trong giai đoạn 2023-2024, thông qua 3 đợt phát hành từ chia cổ tức, chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu ESOP.

Cụ thể, APS sẽ phát hành 8,3 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 10%.

Cùng với đó, APS dự kiến phát hành tối đa 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

APS kỳ vọng thu về khoảng 1.000 tỉ đồng từ đợt chào bán này. Toàn bộ số tiền sẽ được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh, dịch vụ tài chính – chứng khoán và cho vay margin.

Ngoài ra, APS dự kiến phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với khối lượng phát hành tối đa không vượt quá 5% số cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành dự kiến không thấp hơn 10.000 đồng/cp.

Như vậy, nếu các kế hoạch thành công, APS sẽ phát hành tổng cộng 115,3 triệu cổ phiếu, nâng quy mô vốn điều lệ từ 830 tỉ đồng lên mức 1.983,6 tỉ đồng./.