Ông Morales cảnh báo giới lãnh đạo Bolivia: “Đừng để tay nhuốm máu”

VietTimes -- Cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales vừa lên tiếng cảnh báo giới chức chính phủ rằng không nên để “tay nhuốm máu người dân”, sau khi những người ủng hộ ông đổ ra đường biểu tình.
Cựu Tổng thống Morales đang phải trú tại Mexico dưới diện tị nạn chính trị (Ảnh: Sputnik)
Cựu Tổng thống Morales đang phải trú tại Mexico dưới diện tị nạn chính trị (Ảnh: Sputnik)

Các cuộc biểu tình tại thành phố La Paz đã bùng nổ trong hôm thứ Tư vừa qua, trong lúc mà ông Morales cùng những người ủng hộ ông kêu gọi tẩy chay bà Jeanine Anez – người tự xưng là Tổng thống lâm thời của Bolivia.

Những người biểu tình bị chặn bởi lực lượng cảnh sát chống bạo động, và một cuộc xung đột ngắn đã xảy ra giữa hai bên. Một số người ném gạch đá về phía lực lượng chức năng, trong khi cảnh sát dùng hơi cay để giải tán đám đông.

Phát biểu tại một cuộc họp báo được tổ chức ở cách đó cả ngàn dặm, Mexico City (Mexico), nơi mà ông nhận được diện tị nạn chính trị, ông Morales nói rằng tình trạng bất ổn hiện nay một phần trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc mà người bản địa Bolivia đã tham gia suốt nhiều năm qua.

Ông Morales cũng nói sẵn sàng trở về Bolivia nếu như “được người dân yêu cầu” và cảnh báo những người đang cầm quyền ở nước này rằng không nên để tay “dính máu của người dân”.

Bolivia chìm trong bất ổn chính trị cùng các cuộc biểu tình rộng khắp kể từ khi xuất hiện nhiều báo cáo về gian lận trong kỳ bầu cử diễn ra hôm 20/10. Ông Morales cùng đảng của mình bị cáo buộc thao túng lá phiếu, dù ông bác bỏ hoàn toàn cáo buộc này.

Ông Morales – đã từ chức hôm Chủ nhật vừa qua sau gần 14 năm cầm quyền – tuyên bố rằng ông là nạn nhân của một cuộc đảo chính do các chính trị gia cánh hữu cùng lực lượng vũ trang phối hợp thực hiện. Phe đối lập ở Bolivia thì vẫn khẳng định rằng đất nước này vẫn cam kết tham gia cuộc đấu tranh “vì dân chủ và hòa bình”.

Ông Morales nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhờ vào các chính sách cánh tả của mình, bao gồm giảm nghèo và hỗ trợ người bản địa Bolivia. Người bản địa chiếm khoảng 20% dân số Bolivia, trong khi 68% dân số có gốc là người Ameridian.

Bà Rigoberta Menchu – một trong số các nhà hoạt động vì quyền của người bạn địa có tiếng nhất ở Mỹ Latin – đã lên tiếng ủng hộ ông Morales trên Twitter.

“Chúng tôi cực lực lên án cuộc đảo chính ở Bolivia, được thực hiện bởi quân đội và những kẻ đầu sỏ chính trị vốn có quan điểm phản đối chính phủ của Tổng thống Evo Morales” – bà Menchu, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình vì hoạt động của mình tại Guatemala, viết.

Bà Anez, 52 tuổi, đã tự tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời Bolivia trong hôm thứ Ba vừa qua. Bà nói rằng bà là người kế nhiệm hợp pháp bởi 3 lãnh đạo cấp cao hơn bà đã từ chức trong vụ bất ổn chính trị. Trong khi các đồng minh của ông Morales cũng rời khỏi cơ quan lập pháp, bà Anez dễ dàng được Quốc hội phê chuẩn chức vụ Tổng thống lâm thời.

Bà Anwz sau đó công bố nội các mới và chỉ định nhiều gương mặt mới mẻ dẫn dắt lực lượng vũ trang Bolivia. Trong bài phát biểu đầu tiên trước toàn quốc trên cương vị Tổng thống lâm thời hôm thứ Tư vừa qua, bà Anez nhấn mạnh rằng vị trí của bà “chỉ là tạm thời” và có kế hoạch “tổ chức tổng tuyển kỷ trong thời gian sớm nhất có thể”.

Mỹ ngay lập tức tuyên bố ủng hộ chính quyền lâm thời của bà Anez, chính thức công nhận chính phủ của bà.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn gửi lời chúc mừng tới Tổng thống lâm thời Bolivia trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư và kêu gọi “tất cả các đảng phái đảm bảo nền dân chủ trong những tuần tới, tránh hành động bạo lực nhằm vào người dân và tài sản của họ”.

Theo CNN