Ông Mike Pence: giải quyết vấn đề quan hệ Mỹ - Trung phụ thuộc vào phía Trung Quốc

VietTimes -- Vào cuối tháng 11, bên lề Hội nghị G-20 tại Argentina, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tình trạng căng thẳng trong quan hệ hai nước sẽ gia tăng hay dịu đi trở thành trọng điểm quan tâm của dư luận. Trong bối cảnh đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tuyên bố: nếu Trung Quốc muốn thoát khỏi tình trạng Chiến tranh Lạnh triệt để với Mỹ và các đồng minh của Mỹ thì họ phải thay đổi tận gốc hành vi của mình, Mỹ sẽ không lùi bước.
Ông Mike Pence nói: "Nếu Trung Quốc muốn thoát khỏi tình trạng Chiến tranh Lạnh triệt để với Mỹ và các đồng minh thì họ phải thay đổi tận gốc hành vi của mình".
Ông Mike Pence nói: "Nếu Trung Quốc muốn thoát khỏi tình trạng Chiến tranh Lạnh triệt để với Mỹ và các đồng minh thì họ phải thay đổi tận gốc hành vi của mình".

Ngày 13.11, ông Mike Pence đã tới Singapore để tham dự Hội nghị cấp cao các nước ASEAN. Sau đó ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ cùng tham dự Hội nghị cấp cao APEC tại Papua New Guinea, nhưng hai người sẽ không gặp gỡ hay hội đàm với nhau. Ngày 30.11, ông Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ ông Donald Trump tại Hội nghị cấp cao G-20 ở Buenos Aires và sẽ tiến hành thảo luận về vấn đề mậu dịch giữa hai nước.

Hôm 12.11, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và ông Lưu Hạc, Phó Thủ tướng, Trưởng đoàn đàm phán mậu dịch của phía Trung Quốc đã điện đàm với nhau, nhưng không đạt được kết quả có tính đột phá. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow hôm 13.11 tiết lộ: “Hiện nay các quan chức cao cấp các giới Mỹ - Trung đang liên hệ với nhau để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ Donald Trump – Tập Cận Bình tại Hội nghị G-20”.

Tờ The Washington Post hôm 13.11 đã đăng bài của tác giả Josh Rogi nhan đề: “Mike Pence: có kết thúc Chiến tranh Lạnh hay không, được quyết định bởi phía Trung Quốc”. Bài báo viết, ông Mike Pence khi trả lời phỏng vấn nói, Tổng thống Donald Trump có thái độ cởi mở đối với việc đạt được một hiệp nghị với ông Tập Cận Bình tại Argentina, nhưng với tiền đề phía Bắc Kinh phải chịu thay đổi quy mô lớn. Mỹ yêu cầu họ [Trung Quốc] phải thay đổi cả về hoạt động kinh tế, quân sự lẫn chính trị. Ông nói: “đây là cơ hội tốt nhất, nếu không nói là cuối cùng để Trung Quốc tránh xảy ra cuộc Chiến tranh Lạnh với Mỹ”.

Mỹ và Nhật đã đề ra một loạt biện pháp để thực hiện chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Mỹ và Nhật đã đề ra một loạt biện pháp để thực hiện chiến lược Ấn Độ  – Thái Bình Dương.   

Mike Pence: Trung Quốc đã hiểu rõ lập trường của Mỹ và Tổng thống Donald Trump

Ông Mike Pence nói: “Tôi cho rằng, tính quyết định của [cuộc gặp gỡ ở] Hội nghị G-20 là rất lớn. Thái độ của tổng thống là, chúng ta hy vọng họ [Trung Quốc] biết rõ lập trường của chúng ta, chúng ta đã chuẩn bị những gì. Cho nên họ cần mang đến đó những đề nghị cụ thể, không chỉ giải quyết được vấn đề nhập siêu mậu dịch của chúng ta…Tin rằng người Trung Quốc biết rõ lập trường của chúng ta”.

Ông Mike Pence bày tỏ, ngoài mậu dịch, Trung Quốc còn cần nhượng bộ trên các vấn đề khác. Trong đó, bao gồm thay đổi hành động điên cuồng lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, cưỡng bức chuyển nhượng công nghệ, hạn chế các công ty nước ngoài vào thị trường Trung Quốc. Họ cũng phải tôn trọng quy tắc và quy phạm quốc tế, chấm dứt hành vi hạn chế tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế và chấm dứt hành vi can thiệp vào chính trị của các nước phương Tây.

Ông Mike Pence nói, nếu phía Bắc Kinh không có những nhượng bộ lớn và cụ thể, Mỹ sẽ chuẩn bị gia tăng thêm áp lực về kinh tế, ngoại giao và chính trị đối với họ. Ông cho rằng, nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để thực thi việc nâng cấp hành động, còn kinh tế Trung Quốc thì không thể kéo dài mãi (cuộc chiến đôi bên).

Ông Mike Pence khẳng định: “Dù thế nào, chúng ta vẫn tin rằng mình đang ở thế mạnh. Hiện nay chúng ta còn tới 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để đánh thuế. Chúng ta có thể tăng [mức thuế] lên gấp đôi”. Ông nhấn mạnh: đây không chỉ đơn giản là vấn đề cam kết. Điều Mỹ cần là kết quả, là thay đổi thái độ.

Sáng ngày 13.11, khi gặp gỡ Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Tokyo sau khi ông Abe vừa mới kết thúc chuyến thăm Trung Quốc trở về; ông Mike Pence nói, việc ông Tập Cận Bình phát triển mối quan hệ mới với Nhật là một trong những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh cuối cùng đã tích cực nhìn nhận những yêu cầu của chính phủ Donald Trump. Mike Pence nói: “Khi rời khỏi Nhật, hơn lúc nào hết tôi tin rằng Trung Quốc đã nhận được những tín hiệu. Họ biết rõ lập trường của chính phủ chúng ta; biết rõ lập trưởng của tổng thống là gì”.

Ông Robert Lighthizer là nhân vật then chốt trong đàm phán mậu dịch Mỹ - Trung

Đài CNBC đưa tin, ông Chu Hải Bân, nhà phân tích của Công ty J.P Morgan lại có thái độ thận trọng đối với khả năng hai ông Donald Trump – Tập Cận Bình đạt được một hiệp nghị mậu dịch tại Hội nghị G-20. Ông nói: “Chúng tôi vẫn giữ thái độ thận trọng, vì thách thức của việc giải quyết cuộc xung đột Mỹ - Trung vẫn rất cao. Xung đột Mỹ - Trung vượt quá phạm vi mậu dịch, liên quan đến các lĩnh vực công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường và chính sách nghề nghiệp”.

Ông bổ sung: “Hiện nay vẫn không rõ phía Trung Quốc có muốn thay đổi rõ rệt ngoài mậu dịch hay không, ví dụ mở cửa thị trường, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ và Mỹ liệu có ưu tiên xem xét danh mục những nhu cầu của họ không”.

Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro phản đối bất cứ một hiệp nghị nào mà không trực tiếp thúc đẩy sự cải cách cơ cấu của Trung Quốc.
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro phản đối bất cứ một hiệp nghị nào mà không trực tiếp thúc đẩy sự cải cách cơ cấu của Trung Quốc.  

Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro hôm 9.11 khi phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) đã nói, mô thức của Trung Quốc thoạt nhìn có vẻ khác với mô thức của Liên Xô cũ, nhưng trên thực tế đều là nhà nước nắm quyền khống chế kinh tế, chỉ là mô thức Trung Quốc có thêm một số nhân tố thị trường và chủ nghĩa tư bản. Ông nói, Trung Quốc đã kiếm lợi qua việc lấy cắp công nghệ của nước khác.

Ông Peter Navarro nói, vấn đề lớn nhất là lòng tin. Khi Mỹ đưa ra chuỗi vấn đề mang tính kết cấu, Trung Quốc liền phủ định. Ông phản đối bất cứ một hiệp nghị nào mà không trực tiếp thúc đẩy sự cải cách cơ cấu của Trung Quốc và tin rằng “Tổng thống và Đại diện thương mại Robert Lighthizer sẽ giúp chúng ta giành được kết quả tốt”.

Nhà phân tích Matthew Goodman của Trung tâm CSIS cho rằng, ông Robert Lighthizer là nhân vật then chốt trong cuộc đàm phán mậu dịch với Trung Quốc, là người mà cả Tổng thống Donald Trump lẫn các cơ quan hành chính đều nhất trí đánh giá có khả năng giải quyết các vấn đề trong quan hệ mậu dịch với Trung Quốc. Ông nói với tạp chí Inside US Trade: “Tôi không cho rằng họ có thể đạt được hiệp nghị trong tình hình không có ông ấy [Robert Lighthizer] tham gia thảo luận, vì điều đó không phù hợp thực tế”.

Trong khi đó, tờ The Wall Strett Journal đưa tin, ông Bùi Mẫn Hân (Menxin Pei), chuyên gia về Trung Quốc của Học viện Claremont McKenna, bang California bình luận: “Thứ khiến cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung càng trở nên phức tạp là bối cảnh địa chính trị. Nếu chỉ là mậu dịch thì không có gì là không thể giải quyết”.

Mối liên quan giữa chuyến thăm châu Á của ông Mike Pence và địa chính trị

Tờ The Washington Post cho rằng, một trong những nhiệm vụ của ông Mike Pence trong chuyến thăm châu Á tuần này là để các đồng minh và đối tác hợp tác yên tâm. Mỹ đang đưa ra một phương án thực tế, có sức cạnh tranh cho khu vực này để thay thế sáng kiến “vành đai - con đường” của Trung Quốc. Chính quyền của ông Donald Trump cho rằng, Bắc Kinh đang sử dụng kế hoạch cho vay tín dụng kiểu cướp đoạt. Những kế hoạch này sẽ phá hoại pháp trị và nền chính trị của các quốc gia tham gia “vành đai - con đường”.

Tại cuộc họp báo ở Tokyo, ông Mike Pence đã tuyên truyền cho chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, nói: “Chúng tôi tìm kiếm một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong đó mỗi quốc gia đều có thể tự do đi con đường của mình, tìm kiếm lợi ích cho mình, biển cả và bầu trời mở cửa cho hoạt động hòa bình của tất cả mọi người, các quốc gia có chủ quyền cùng phát triển lớn mạnh”. Ông cũng nói: “Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương không có chủ nghĩa bá quyền và xâm lược – tôi biết đó là ý nguyện chung của cả Mỹ và Nhật”.

Đại diện thương mại Robert Lighthizer sẽ là nhân vật then chốt trong cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Đại diện thương mại Robert Lighthizer sẽ là nhân vật then chốt trong cuộc đàm phán với Trung Quốc.  

Theo VOA, các chuyên gia về chiến lược khu vực và vấn đề mậu dịch của Trung tâm CSIS đã tiến hành phân tích và dự đoán về chuyến đi của ông Mike Pence. Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc, ông Christopher K. Johnson nói, trong bài viết cho báo The Washington Post, ông Mike Pence nêu một thông tin đáng chú ý là, Mỹ sẽ kiên trì chống chủ nghĩa bá quyền, xâm lược và hành vi coi thường chủ quyền của quốc gia khác. Mặc dù Mike Pence không nêu rõ tên nước nào, nhưng rõ ràng là ông nhằm vào Trung Quốc.

Trong bản Tuyên bố chung Mỹ - Nhật đạt được sau cuộc hội đàm đã nêu lên một số lĩnh vực hợp tác để thực hiện chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương do chính phủ Donald Trump đề xướng, bao gồm hạng mục hóa lỏng khí đốt thiên nhiên, hợp tác về năng lượng hạt nhân dân dụng và hợp tác viện trợ phát triển chung với Australia. Đó là một bước đi nhỏ nhưng quan trọng cho thấy Mỹ không phải là nước duy nhất giúp các quốc gia Đông Nam Á và Thái Bình Dương phát triển.