Ông Joe Biden sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách chống Trung Quốc nhưng với phương thức khác?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ứng cử viên của đảng Dân chủ, ông Joe Biden, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ. Chính sách đối với Trung Quốc mà ông sẽ áp dụng đang là một tiêu điểm thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài.

Chính sách với Trung Quốc của ông Joe Biden được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong ảnh, ông Biden rất phấn khích khi tuyên bố thắng cử hôm 7/11 (Ảnh: AP).
Chính sách với Trung Quốc của ông Joe Biden được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong ảnh, ông Biden rất phấn khích khi tuyên bố thắng cử hôm 7/11 (Ảnh: AP).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews), trong hơn 40 năm theo đuổi sự nghiệp chính trị của Joe Biden, ông đã nhiều lần đến thăm Trung Quốc và "thiết lập mối quan hệ tốt" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng trong quá trình tranh cử tổng thống Mỹ, Joe Biden cũng nói rằng sẽ cứng rắn với Trung Quốc hơn so với đương kim Tổng thống Donald Trump.

Ông Joe Biden sẽ chống Trung Quốc với một phương thức khác

Ông Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), Giáo sư tại Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng Joe Biden có khả năng áp dụng một mục tiêu cơ bản với Trung Quốc khác chính quyền Donald Trump từ tháng 4/2020 đến nay, đó là buộc Trung Quốc quay trở lại thể chế lỏng lẻo hơn. Ông Biden lo ngại hơn về khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự lớn với Trung Quốc và chú ý nhiều hơn đến đối thoại và liên lạc ngoại giao cấp cao hơn giữa Mỹ và Trung Quốc để ngăn chặn sự "tách rời" về ngoại giao giữa hai nước. Ngoài ra, ông Biden có cùng quan điểm với Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, cho rằng nó đã gây tổn hại quá mức cho cộng đồng doanh nghiệp Mỹ và người tiêu dùng Mỹ.

Tuy nhiên, trong các vấn đề như Đài Loan, Hồng Kông, Biển Đông và nhân quyền của Trung Quốc, chính quyền Joe Biden sẽ không quá khác biệt so với chính quyền Donald Trump, đặc biệt là việc “tách rời” công nghệ kỹ thuật cao với Trung Quốc và đối phó với các hoạt động gián điệp bị cáo buộc của Trung Quốc ở Mỹ; sẽ tiếp tục chính sách đàn áp đối với Bắc Kinh của ông Trump. Ngoài ra, ông Biden cũng sẽ sửa chữa mối quan hệ với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, Đông Á và Thái Bình Dương, từ đó dẫn dắt hoặc thúc đẩy lập một "mặt trận thống nhất" chống Trung Quốc toàn diện hơn ở phương Tây.

Ông Joe Biden và Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tháng 8/2011 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ông Joe Biden và Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tháng 8/2011 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Hãng Reuters ngày 6/11 đưa tin, ông Luca Paolini, chiến lược gia hàng đầu của Baida Asset Management, Thụy Sĩ, cho rằng ông Biden sẽ không thực hiện những thay đổi lớn trong chính sách thương mại, nhưng sẽ giảm bớt thái độ đối đầu với Trung Quốc.

Đáng chú ý là ông Biden đã từng đăng một bài báo tranh cử có sức nặng nhan đề "Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sau khi cứu Donald Trump" trên tạp chí Foreign Affairs của Mỹ, trong đó ông đưa ra ba chủ trương chính sách đối với Trung Quốc của mình.

Thứ nhất, Mỹ sẽ liên kết với các nước phương Tây khác để hình thành các quy tắc từ môi trường đến lao động, thương mại, công nghệ và minh bạch dựa trên việc chiếm hơn một nửa tổng sản phẩm quốc dân (GDP) toàn cầu. Thứ hai, Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với Trung Quốc để ngăn cản Trung Quốc chủ đạo sự phát triển công nghệ và công nghiệp trong tương lai. Thứ ba, Mỹ dự định hợp tác với Trung Quốc trên cơ sở “sự hội tụ các lợi ích Trung-Mỹ” về biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh y tế toàn cầu.

Với việc Joe Biden trở thành tổng thống mới của Mỹ, mối quan hệ 40 năm của ông với Trung Quốc sẽ mở ra một đỉnh cao. Trong bối cảnh một trong hai siêu cường toàn cầu đang trỗi dậy và bên kia đang cố gắng duy trì ảnh hưởng của mình, xung đột lớn hơn giữa Trung Quốc và Mỹ có lẽ là điều không thể tránh khỏi.

Theo kênh truyền hình CNBC ngày 4/11, ông Gary Locke, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cho rằng dù ông Joe Biden thắng thì căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn sẽ không biến mất, và Mỹ cần áp dụng cách tiếp cận đa phương để đối phó với Trung Quốc.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke: dù ông Joe Biden thắng thì căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn sẽ không biến mất. Trong ảnh: ông Locke và ông Biden (Ảnh: 163.com).

Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke: dù ông Joe Biden thắng thì căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn sẽ không biến mất. Trong ảnh: ông Locke và ông Biden (Ảnh: 163.com).

Ông Locke chỉ ra rằng “phương pháp tiếp cận đa phương là cách duy nhất để thành công và là cách duy nhất để khiến Trung Quốc thực sự coi trọng những vấn đề này”. Sau đó, ông giải thích: "Bởi vì nếu các quốc gia khác trên thế giới không tham gia, chỉ có Mỹ đơn thương độc mã chiến đấu, thì Mỹ sẽ thua. Người tiêu dùng và các công ty của chúng ta sẽ bị thiệt hại”.

Gary Locke nói rằng ông đã “rất nỗ lực làm việc” cho chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden. Ông nói rằng nếu ông Biden thắng trong cuộc tổng tuyển cử, chính phủ mới của Mỹ sẽ tiếp tục nêu vấn đề về nhân quyền, tự do báo chí ở Trung Quốc, quyền tự trị của Hồng Kông và Đài Loan cho Bắc Kinh. Về thương mại, ông Biden có thể đề xuất một lập trường và chiến lược thống nhất chống lại Trung Quốc, trong đó sẽ bao gồm các đồng minh khác của Mỹ, những quốc gia có những ân oán tương tự về Bắc Kinh.

Ông Joe Biden trước đó đã tuyên bố rằng nếu đắc cử, ông sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh của Mỹ để gây sức ép lên Trung Quốc. Ông Locke cho rằng Mỹ có thể hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu y tế và thậm chí cả các nỗ lực nhân đạo trên khắp thế giới, Mỹ nên tách biệt giữa lợi ích chung và sự bất đồng giữa hai bên.

Đa Chiều ngày 9/11 cũng đăng bài viết về dư luận quốc tế nói về mối quan hệ Mỹ - Trung dưới thời ông Joe Biden tới đây. Đáng chú ý, tờ Wall Street Journal nhận xét “quan hệ Trung-Mỹ đã thay đổi về chất và ai vào Nhà Trắng đều có thể sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc. Đặc biệt, tình cảm chống Trung Quốc đã lan tràn trong xã hội Mỹ, buộc cả hai phe đều chỉ trích Trung Quốc rất mạnh”.

Ông Joe Biden và con trai Hunter Biden cùng cháu gái đi mua đồ trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 12/2013 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ông Joe Biden và con trai Hunter Biden cùng cháu gái đi mua đồ trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 12/2013 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ông Kurt Campbell, cựu Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện là cố vấn cấp cao của đội ngũ tranh cử ông Biden, từng tuyên bố: "Đảng Dân chủ nói chung thừa nhận nhận định của ông Trump về hành vi cướp đoạt của Trung Quốc nhìn chung là chính xác”. Điều này có nghĩa là dù ông Biden đắc cử, Đảng Dân chủ vẫn sẽ tiếp tục chiến lược chống Trung Quốc.

Ông Ezra Feivel Vogel, chuyên gia về Trung Quốc hàng đầu, người từng làm việc trong chính phủ Mỹ cũng nhắc nhở rằng vì thành tích trước đây của ông Trump quá kém, nếu thua cuộc bầu cử, không biết ông ấy sẽ làm gì. “Thế giới phải thận trọng về thời kỳ chuyển giao quyền lực của tổng thống Mỹ từ ngày 3/11 đến ngày 20/1 năm sau. Đây là thời kỳ quyền lực mở cửa, sẽ là thời điểm rất nguy hiểm”.

Nhật báo Kinh tế Hồng Kông dẫn bình luận cho rằng mặc dù ông Trump tỏ ra hung hăng với Trung Quốc, nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể vẫn muốn ông tái đắc cử. Lý do là ông Trump không hiểu Trung Quốc và không có các mối quan hệ tốt, khó có thể tập hợp đồng minh các nước khác nhau để bao vây ngăn chặn Trung Quốc; vì vậy, có lợi cho Trung Quốc.

Ngược lại, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Biden có khả năng tốt hơn để giành được sự ủng hộ từ các đồng minh, tạo ra sự hợp tác đa phương, xây dựng chiến lược dài hạn để đối phó với Trung Quốc và trở thành một lực lượng kiềm chế Trung Quốc mới.

Ezra Feivel Vogel cũng nói, ông Trump thực sự không biết cách hòa hợp với Trung Quốc và cũng không coi trọng quan hệ Trung-Mỹ; qua quan sát chiến lược Trung Quốc của Mỹ trước nay, ông Biden là người hiểu Trung Quốc hơn và cũng có thể cải thiện cục diện bế tắc Trung-Mỹ.

Nhìn lại giai đoạn sau của chính quyền Barack Obama, Mỹ đã áp dụng hai chính sách ngăn chặn chính đối với Trung Quốc: Một là, hình thành một vòng vây kinh tế nhằm ngăn chặn Trung Quốc thông qua "Hiệp định đối tác tinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)"; Hai là, "Chiến lược tái cân bằng Châu Á-Thái Bình Dương", Mỹ quay trở lại châu Á và liên kết với các nước Nam Á để thực hiện chiến lược bao vây địa chính trị nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Ông Joe Biden hội đàm với ông Tập Cận Bình ngày 4/12/2013, bên phải ông là Đại sứ Gary Locke (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ông Joe Biden hội đàm với ông Tập Cận Bình ngày 4/12/2013, bên phải ông là Đại sứ Gary Locke (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ông Biden người giữ chức Phó Tổng thống lúc bấy giờ là người giỏi đối ngoại, từng đến thăm Trung Quốc nhiều lần và nghiên cứu sâu về tình hình quốc gia của Trung Quốc.

Ezra Feivel Vogel nói: “Cho đến nay, ông Biden vẫn có nhiều mối liên hệ thông hiểu về Trung Quốc và các chuyên gia về Trung Quốc. Những điều này sẽ trở thành trợ lực để hàn gắn quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai”.

Trung Quốc phản ứng thận trọng

Bắc Kinh tỏ vẻ thận trọng trước việc ông Joe Biden thắng cử. Thông tin về chiến thắng của ông Biden được công bố vào đêm muộn ngày 7/11 theo giờ Bắc Kinh, đến nay (9/11) các quan chức Trung Quốc vẫn chưa đưa ra phản ứng. Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã ban đầu có đưa tin về chiến thắng của ông Biden.

Nhân dân Nhật báo, cơ quan truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra phản ứng hiếm hoi trên Twitter, đăng lại dòng tweet của ông Trump khẳng định rằng "Tôi đã thắng cuộc bầu cử này và đã thắng rất lớn", kèm theo các biểu tượng cảm xúc "haha" và nửa cười nửa mếu.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cách đây vài ngày phát biểu, ông hy vọng rằng cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức suôn sẻ và tân tổng thống Mỹ và phía Trung Quốc “cùng đi một hướng” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó bày tỏ bầu cử Mỹ là việc nội bộ của Mỹ và Trung Quốc không có ý kiến gì.

Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc, nói rằng nên cẩn thận với việc ông Trump trút nỗi bất bình về thất bại lên Trung Quốc, nhưng ông tin rằng Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng.

Hồ Tích Tiến đã đăng trên trang Weibo chính thức, nói Mỹ đã bước vào một "thời kỳ quá độ cực kỳ bất thường", do đó đề xuất rằng Trung Quốc nên chuẩn bị tốt một số việc sau:

Trước tiên, hãy liên hệ với nhóm của Biden để thăm dò khả năng quan hệ Trung - Mỹ thoát khỏi sóng gió cực đoan. Một số chính sách cực đoan nghiêm trọng của chính quyền Trump đối với Trung Quốc trong phần sau của giai đoạn cầm quyền rõ ràng là một phần của các hành động có chủ ý nhằm vào cuộc bầu cử. Các nhà phân tích đều không đánh giá cao việc chính quyền ông Biden có thể điều chỉnh, thay đổi chính sách Trung Quốc. Nhưng tôi (Hồ Tích Tiến) cảm thấy, chí ít chính quyền Biden tương lai cũng có khả năng hủy bỏ một phần chính sách của chính quyền Trump trong giai đoạn cuối.

Thứ hai, đừng nên chọc giận Trump, ông ấy không chấp nhận kết quả bầu cử, đang bức bối trong người. Ông ta dễ dàng trút bỏ tất cả những điều này ra bên ngoài nước Mỹ hơn là bên trong. Phía Trung Quốc nên có ý thức để tránh hướng sự bất bình của Trump về thất bại theo hướng quan hệ Trung-Mỹ. Đặc biệt là phải duy trì sự tôn trọng cần thiết dành cho cá nhân ông ấy.

Thứ ba, trong mọi trường hợp, đây cũng sẽ là giai đoạn quá độ hỗn loạn và nhiều nhân tố không chắc chắn nhất ở Mỹ. Trung Quốc phải có tư duy ranh giới và chuẩn bị cho tất cả các loại thay đổi. Nếu có khiêu khích nghiêm trọng trong giai đoạn này, chúng ta không được mơ hồ và phải tấn công trực diện. Nói chung, giai đoạn này không phải là thời điểm mà Mỹ đặc biệt mạnh mẽ, mà là họ tương đối rối ren và yếu ớt. Chúng ta không gây sự với họ, nhưng chúng ta không cần phải sợ họ”...

Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng John Kerry thăm Trung Quốc, dự tiệc chiêu đãi do ông Tập Cận Bình chủ trì , tháng 9/2015 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng John Kerry thăm Trung Quốc, dự tiệc chiêu đãi do ông Tập Cận Bình chủ trì , tháng 9/2015 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Trong một bài xã luận, Thời báo Hoàn cầu bày tỏ sự lạc quan khi ông Biden thắng cử Tổng thống Mỹ, nói rằng mối quan hệ giữa hai nước có thể được khôi phục về trạng thái dễ đoán hơn và có thể bắt đầu bằng thương mại.

Thời báo Hoàn cầu thừa nhận rằng Mỹ khó có thể nới lỏng áp lực đối với Trung Quốc về các vấn đề Tân Cương và Hồng Kông, thậm chí sẽ "tăng cường" hơn, nhưng đồng thời bày tỏ Bắc Kinh nên cố gắng liên lạc với nhóm ông Biden một cách đầy đủ nhất.

Tờ báo viết, chính quyền ông Trump cố tình tạo ra căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ, đặc biệt sau khi áp dụng chiến lược tranh cử gây sức ép với Trung Quốc, dẫn đến "yếu tố bong bóng" trong chính sách Mỹ-Trung.

Báo cáo viết: “Chúng ta tin rằng có thể bóp vỡ những bong bóng này ... Việc nới lỏng và kiểm soát quan hệ giữa hai nước là vì lợi ích chung của nhân dân hai nước và cộng đồng quốc tế”.

Tờ China Daily cũng viết trong bài xã luận rằng chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không bị đảo ngược đột ngột, nhưng việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc rõ ràng có thể bắt đầu từ thương mại. “Khởi động lại đàm phán thương mại rất quan trọng đối với việc khôi phục sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau trong quan hệ Trung – Mỹ”.

Báo cáo đề cập rằng thương mại "là sợi dây cuối cùng kết nối hai bên". Điều đáng chú ý là “dù là Bắc Kinh hay Washington cũng đều không mạo muội hủy bỏ hiệp định thương mại giai đoạn một mà hai bên đã đàm phán khó khăn mới đạt được”.

Thời báo Hoàn cầu nói: "Cách cơ bản nhất để Trung Quốc đối phó với những thách thức chiến lược của Mỹ là không ngừng củng cố bản thân. Chúng ta phải trở thành một tồn tại hùng mạnh mà Mỹ không thể lấn át và gây rối; phải khiến hợp tác với Trung Quốc trở thành cách tốt nhất để Mỹ thực hiện lợi ích quốc gia của mình”.