Ông chủ thực sự của Huawei là ai?

VietTimes – Đối với nhà sản xuất smartphone và thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới như Huawei, câu hỏi về ông chủ thực sự đằng sau công ty nghe qua thì đơn giản, nhưng tới nay vẫn là bí ẩn chưa có lời giải. Bài phân tích dưới đây của 2 cây bút Carolyn Zhang và Raymond Zhong, đăng tải trên tờ Wall Street Journals ngày 25/4 sẽ làm rõ hơn điểm nghi vấn này.

Nhà sản xuất smartphone và thiết bị viễn thông khổng lồ, Huawei đang đấu tranh với chính phủ Mỹ để giành quyền xây dựng mạng 5G trên toàn cầu. Công ty Trung Quốc đã nỗ lực hết sức để thể hiện uy tín, minh bạch và công khai.

Tuy nhiên, giải pháp này không phải lúc nào cũng có hiệu quả. Tới nay, người ta vẫn chưa rõ đáp án cho câu hỏi đơn giản: Ông chủ thực sự của Huawei là ai?

Tại cuộc họp báo ngày 25/4 tại trụ sở ở Thâm Quyến, Tổng thư ký của Ban giám đốc Huawei Jiang Xisheng lý giải tường tận về quyền sở hữu Huawei, và phủ nhận cáo buộc công ty có trụ sở ở Thâm Quyến thuộc về nhà nước Trung Quốc.

Tổng thư ký Jiang Xisheng cho biết, trên giấy tờ Huawei thuộc sở hữu của một liên đoàn lao động hỗ trợ các nhân viên khi gặp vấn đề sức khỏe…

Đương nhiên, quyền sở hữu Huawei phức tạp hơn như vậy.

Quyền sở hữu Huawei là vấn đề mờ ám bởi trong 3 thập kỷ, công ty chưa bao giờ bán cổ phần ra công chúng. Huawei khẳng định rằng họ hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của các nhân viên trong công ty, và không có bất kỳ tổ chức bên ngoài nào kể cả của chính phủ Trung Quốc nắm giữ cổ phần.

Tuy nhiên, lời đảm bảo đó chưa đủ để thuyết phục các quan chức Mỹ đang tin vào mối quan hệ chặc chẽ của Huawei với Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Mỹ cho rằng Huawei sẽ phải tuân thủ Luật Tình báo Quốc gia Trung Quốc ban hành năm 2017.

Trụ sở Huawei tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: FT
Trụ sở Huawei tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: FT

Cùng ngày 25/4, Huawei đã công bố tài liệu gồm 10 tập ghi lại tên của tất cả nhân viên Huawei, những người sở hữu cổ phiếu ảo hạn chế của công ty trước truyền thông.

Năm 2018, Washington đã dựa trên những nghi ngờ để phát động cuộc chiến chống lại Huawei trên toàn cầu.

Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu đang phải đối mặt với cáo buộc hình sự nghiêm trọng ở Mỹ liên quan đến hành vi trộm cắp bí mật thương mại và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Washington còn liên tục kêu gọi chính phủ khác ban hành lệnh cấm các nhà mạng sử dụng thiết bị Huawei để xây dựng cơ sở hạ tầng mạng viễn thông vì rủi ro dữ liệu nhạy cảm có thể bị tình báo Trung Quốc thu thập.

Để chống lại cáo buộc, Huawei đã lần đầu công bố kết quả tài chính theo quý. Năm nay, công ty cũng mời hàng loạt phóng viên từ các hãng tin trên khắp thế giới tới Thâm Quyến, phỏng vấn nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Nhậm Chính Phi và các lãnh đạo khác của Huawei.

Nhà sáng lập, Giám đốc Điều hành Huawei Nhậm Chính Phi. Ảnh: SCMP
Nhà sáng lập, Giám đốc Điều hành Huawei Nhậm Chính Phi. Ảnh: SCMP

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các động thái đó không cho thấy công ty độc lập với chính phủ Trung Quốc.

Thực tế, Bắc Kinh có thể kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân theo nhiều cách, và một trong số đó không chính thức và không bao giờ được tiết lộ. Mặc dù các giám đốc của Huawei đã nhiều lần phủ nhận hành động thay mặt Bắc Kinh, nhưng điều này chưa bao giờ được kiểm chứng. Công ty chưa bao giờ phải trải qua các cuộc kiểm tra như một công ty đại chúng, người ngoài chỉ có thể chấp nhận tin lời Huawei hay không.

Chuyên gia Xiaomeng Lu của công ty tư vấn chính sách Access Partnership cho rằng: “Nếu bạn không công khai ít nhất là giao dịch của công ty thì rất khó để chứng minh”.

Bà Lu cho rằng Huawei có thể chứng minh bản thân thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Đồng thời, chuyên gia của Access Partnership tin rằng các công ty công nghệ khác của Trung Quốc nên cung cấp cho thế giới một cái nhìn rõ ràng hơn về cách thức vận hành.

“Đó là một cách để được chấp thuận”, bà Lu nói thêm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Nhậm Chính Phi. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Nhậm Chính Phi. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Huawei tin sự phát triển mạnh mẽ của công ty là nhờ không phải đối mặt với áp lực tài chính ngắn hạn như các công ty đại chúng. Vì thế, Huawei đã sáng tạo ra cấu trúc sở hữu, cho phép sử dụng cổ phiếu để thúc đẩy nhân viên, trong khi vẫn giữ được sự độc lập.

Đây là nơi vấn đề bắt đầu trở nên rắc rối hơn.

Phần lớn cổ phần Huawei Technologies thuộc về Union of Huawei Investment & Holding. Ảnh: Nikkei Asia
Phần lớn cổ phần Huawei Technologies thuộc về Union of Huawei Investment & Holding. Ảnh: Nikkei Asia

Theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Huawei Technologies hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của một công ty cổ phần có tên Huawei Investment & Holding. Công ty mẹ Huawei Investment & Holding này có 2 cổ đông: ông Nhậm Chính Phi sở hữu hơn 1% cổ phần và tổ chức có tên Union of Huawei Investment & Holding.

Tổng thư ký Jiang Xisheng cho biết Union of Huawei Investment & Holding là liên minh lao động Huawei và về mặt pháp lý, họ sở hữu phần lớn công ty. Theo luật pháp Trung Quốc, liên minh lao động là một trong những đối tượng được phép đăng ký để trở thành chủ sở hữu công ty.

Liên minh Union of Huawei Investment & Holding không có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Huawei, và chỉ có trách nhiệm giám sát hoạt động sau giờ làm như các CLB bóng rổ hay cầu lông.

Liên minh tham gia và đóng phí cho công đoàn thành phố Thâm Quyến, tuy nhiên công đoàn thành phố không có ảnh hưởng gì tới Huawei hay liên minh.

Chính phủ nhiều quốc gia đang đau đầu vì chưa thể quyết định có nên sử dụng công nghệ của Huawei hay không. Ảnh: FT
Chính phủ nhiều quốc gia đang đau đầu vì chưa thể quyết định có nên sử dụng công nghệ của Huawei hay không. Ảnh: FT

Vậy ngụ ý của tuyên bố Huawei thuộc quyền sở hữu của nhân viên thực sự là gì? Tổng thư ký Jang Xisheng cũng mô tả về cách công ty cho phép nhân viên sở hữu một loại cổ phiếu ảo của Huawei.

Cổ phiếu ảo này cho phép nhân viên chia sẻ thành công (và cả khoản lỗ) với Huawei. Nhân viên nắm giữ cổ phiếu ảo sẽ được quyền bầu thành viên vào Ủy ban Đại diên Huawei và thành viên của hội đồng quản trị.

Về mặt kỹ thuật, những quyền lợi này khác hẳn với nhiệm vụ của một công đoàn, như liên minh Union of Huawei Investment & Holding đã đăng ký quyền sở hữu hợp pháp.

Ngoài ra, cổ phiếu ảo của Huawei cũng khác với cổ phiếu thông tương. Ví dụ, người không phải nhân viên Huawei sẽ không được chuyển gia và sở hữu cổ phiếu. Nếu nhân viên rời khỏi Huawei, công ty sẽ trả tiền để mua lại cổ phần, ngoại trừ nhân viên kỳ cựu.

Gần đây, 2 nhà nghiên cứu Mỹ là Giáo sư Đại học Fullbright Việt Nam Christopher Balding và chuyên gia luật Trung Quốc Donald C. Clarke của Đai học George Washington đã công bố báo cáo kèm theo nhiều nghi vấn về quyền sở hữu Huawei. Họ nghi ngờ hệ thống chứng khoán ảo Huawei hoàn toàn “không liên quan đến tài chính hay quyền kiểm soát công ty” và đơn thuần là chương trình “khuyến khích và chia sẻ lợi nhuận”.

Tổng thư ký , Jiang Xisheng đã bác bỏ lập luận này và cho rằng người nắm giữ cổ phiếu ảo của Huawei sẽ phải chịu rủi ro nếu cổ phiếu giảm giá trị và họ sẽ được hưởng một phần tài sản nếu Huawei phá sản.

“Đối với nhiều người, bất kể bạn nói cho họ điều gì, họ vẫn nói ra những gì họ tin và không hề lắng nghe bạn”, ông Jiang Xisheng cho hay.

Theo Wall Street Journals