Ông chủ ngân hàng và những sân sau...

Theo TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank, điều hấp dẫn cốt lõi với các ông chủ ngân hàng trên thế giới khi tham gia thành lập ngân hàng và mua cổ phần ngân hàng không phải là vấn đề “sân sau” mà chính là tư bản tài chính.
TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank  ------------ Xem thêm: Ông chủ ngân hàng và những sân sau..., http://vietbao.vn/Kinh-te/Ong-chu-ngan-hang-va-nhung-san-sau/199118768/90/ Tin nhanh Việt Nam ra thế giới vietbao.vn
TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank ------------ Xem thêm: Ông chủ ngân hàng và những sân sau..., http://vietbao.vn/Kinh-te/Ong-chu-ngan-hang-va-nhung-san-sau/199118768/90/ Tin nhanh Việt Nam ra thế giới vietbao.vn

Tuy nhiên, những câu chuyện thời gian qua là điều nhắc nhở các ông chủ ngân hàng TMCP một điều cần “khắc cốt ghi tâm” rằng: làm ngân hàng phải có nghề và bài bản, khoa học.

Với tư cách lãnh đạo một ngân hàng thương mại, ông thấy đâu là bất cập trong hệ thống ngân hàng hiện nay?

Bất cứ ai khó tính nhất khi nhìn vào hệ thống ngân hàng Việt Nam và việc vận hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua cũng phải công nhận từ khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhậm chức đến nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được giải quyết cơ bản những bất cập vốn có, đang hướng dần đến một thực thể lành mạnh sau giai đoạn tái cấu trúc hiệu quả.

Kết quả hoạt động của hệ thống khó khăn xuất phát từ chất lượng tín dụng và nợ xấu. Hậu quả này ngoài những nguyên nhân chủ quan của các NHTM như quản lý lỏng lẻo và có tiêu cực trong quá trình cho vay vốn thì còn phải kể đến nguyên nhân khách quan từ khó khăn của nền kinh tế với sự giải thể hàng loạt của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hiệu quả hoạt động yếu kém của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các NHTM.

Điều bất cập lớn nhất của hệ thống NHTM Việt Nam có lẽ là sự tồn tại nhiều ngân hàng nhỏ, không đủ sức chống chọi với những biến động lớn của thị trường. Sự bất cập này đang được khắc phục bởi Đề án tái cấu trúc ngành.

Ông đánh giá tác động của Đề án Tái cấu trúc ngành tới hoạt động từng ngân hàng như thế nào? Đề án này tác động đến nhận thức của các ông chủ ngân hàng ra sao?

Gần đây, sau khi nền kinh tế có nhiều biến động, chúng ta mới nghe các nhà quản lý và truyền thông nhắc nhiều đến câu chuyện tái cơ cấu, tái cấu trúc… Thực ra, tái cấu trúc chính là sự làm lại, đổi mới và phù hợp hơn, công việc này phải được làm thường xuyên chứ không phải theo phong trào. Đề án Tái cấu trúc ngành ngân hàng đang được triển khai một cách bài bản bước đầu đã có hiệu quả, nhất là việc xử lý nợ xấu, xử lý các NHTM yếu kém và đặc biệt lần đầu tiên ở Việt Nam đã áp dụng “giải thể từng phần” các NHTM thua lỗ triền miên, không có hướng khắc phục. Giải thể từng phần tức là: các cổ đông ngân hàng có thể mất vốn, vì ngân hàng thua lỗ mất hết vốn điều lệ, nhưng người gửi tiền vẫn được bảo đảm an toàn gốc và lãi khi ngân hàng nào đó lâm nguy phải tái cơ cấu.

Đề án này nhắc nhở các ông chủ ngân hàng một điều cần “khắc cốt ghi tâm” rằng: làm ngân hàng phải có nghề và bài bản khoa học, tài sản lớn nhất của một ngân hàng là con người và nguy cơ dẫn đến rủi ro số một của ngân hàng cũng chính là con người! Nếu không quản trị được rủi ro, không tuân thủ pháp luật, ngân hàng của mình sẽ bị giải thể từng phần và giá  mua chỉ có 0 đồng.

Một trong các nội dung xử lý trong Đề án tái cấu trúc ngân hàng chính là đối tượng chủ ngân hàng. Theo ông, ngành ngân hàng có điểm gì hấp dẫn khiến rất nhiều đại gia muốn nắm cổ phần lớn tại các ngân hàng? Liệu có phải là cho vay sân sau?

Điều hấp dẫn cốt lõi với các ông chủ ngân hàng trên thế giới khi tham gia thành lập ngân hàng và mua cổ phần ngân hàng không phải là vấn đề “sân sau” , mà chính là tư bản tài chính. Xã hội càng phát triển thì tư bản tài chính càng đóng vai trò quan trọng, vì bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào càng phát triển hoạt động kinh doanh càng phải vay ngân hàng nhiều. Nhờ vậy, các NHTM thường ăn nên làm ra.

Bên cạnh đó, muốn xem sức khỏe thực sự của đối tác thế nào thì tốt nhất hãy nhìn qua lăng kính từ ngân hàng. Mọi hoạt động của các doanh nghiệp làm ăn lớn không thể không thanh toán vốn vay qua ngân hàng, nên các ông chủ ngân hàng sẽ tiết kiệm được thời gian nghiên cứu các đối tác hạn chế rủi ro.

Ở Việt Nam, không ít ông chủ ngân hàng có công ty là sân sau và công ty sân sau đúng nghĩa không phải là xấu. Vì đa số các công ty sân sau nếu có vay vốn chính ngân hàng của ông chủ thì cũng góp phần không nhỏ vào việc đóng góp doanh thu cho ngân hàng qua việc trả lãi tiền vay. Cũng có những ông chủ bị đổ bể công ty sân sau kéo theo sự đổ bể của ngân hàng, nhưng trường hợp này rất hiếm xảy ra vì đó là những trường hợp cố tình làm trái quy định của pháp luật bởi Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định rất cụ thể về rào cản đối với việc vay vốn của các ông chủ ngân hàng và những người liên quan.

Thực tế, các ông chủ ngân hàng này thường vay vốn ở một ngân hàng kia, nên công ty sân sau của ông chủ ngân hàng không ảnh hưởng gì lớn với ngân hàng của ông chủ, nếu có rủi ro hoạt động.

Cổ tức thấp, tăng vốn khó khăn..., viễn cảnh hoạt động của nhiều ngân hàng không dễ sáng như những kế hoạch được tuyên bố. Ông hình dung thế nào về hệ thống ngân hàng thương mại tới năm 2020?

Khó khăn của hệ thống NHTM là tất yếu, bởi đó cũng là khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, cổ tức thấp, tăng vốn khó khăn của ngân hàng năm 2014 không phải là cơ sở đánh giá cho viễn cảnh xấu đi của hệ thống NHTM trong giai đoạn tới. Tôi đánh giá ở chiều hướng ngược lại, tức là, từ năm 2017-2020, hệ thống NHTM Việt Nam sẽ khởi sắc cùng với sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Thời điểm ấy, vốn điều lệ sẽ tăng dễ dàng và cổ tức ngân hàng hấp dẫn.

Về những câu chuyện cụ thể, việc nhiều ngân hàng thuê CEO ngoại hay mời cổ đông ngoại, rồi "chia tay" sau một thời gian. Ông lý giải thế nào về tình trạng này của các ngân hàng?

Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên xuất phát từ sự khác biệt văn hóa làm việc và trình độ công nghệ của các NHTM Việt Nam đa số chưa theo kịp thế giới và một khác biệt nữa là các chuyên gia ngân hàng nước ngoài được đào tạo và hành nghề ở các nước thực thi cơ chế thị trường đơn thuần, hoàn hảo. Trong khi đó, ở Việt Nam, nền kinh tế của chúng ta vận hành theo cơ chế thị trường còn chắp vá, hoạt động kinh doanh có cả luật và “lệ” điều tiết nên các CEO nước ngoài khó mà hòa nhập, thích nghi được.

LienVietPostBank là một ngân hàng hình thành qua M&A. Đến thời điểm này, ông thấy việc sáp nhập tác động như thế nào tới sự phát triển của các ngân hàng?

Slogan của LienVietPostBank là “Liên kết phát triển”, với ý nghĩa là các doanh nghiệp Việt phải nắm tay nhau lại đủ sức mạnh để cạnh tranh liên kết phát triển. Việc sáp nhập bài bản sẽ giúp các ngân hàng tạo nên sức mạnh mới bền vững.

Từng là người của Agribank, rồi chuyển sang đảm nhiệm vị trí cao cấp tại một ngân hàng cổ phần, với những trải nghiệm đó, ông đánh giá, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần làm gì để vươn tầm khu vực và quốc tế?

Điểm quan trọng nhất mà hệ thống NHTM cần vượt qua chính là từng NHTM phải nhìn thẳng vào sự thật một cách minh bạch và phải biết mình là ai, mình đang đứng ở đâu, sau đó mới xác định đổi mới thế nào.

Để lái con thuyền ngân hàng, cần bám sát 4 trụ cột chính của sự phát triển hệ thống ngân hàng, quyết định sự cạnh tranh quốc tế, đó là: quy mô tổng tài sản, hiện đại hóa, nguồn nhân lực và quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế.

Trong đó, liên kết sức mạnh, hợp tác toàn diện theo từng nhóm ngân hàng tạo thành sức mạnh toàn hệ thống NHTM Việt Nam để hướng tới mục tiêu ngang tầm quốc tế. Và điều quan trọng vẫn là ở vấn đề con người, bởi “không có con người, dự án vô ích”. Cán bộ ngân hàng không những phải có trí tuệ mà phải biết lăn xả vào thực tiễn, tâm huyết không chỉ với ngành của mình mà phải tâm huyết với khách hàng và xã hội thì mới được gọi là một cán bộ có nghề ngân hàng.

Ngân hàng là một ngành kinh doanh đặc biệt, tổng hợp, do đó, cán bộ lãnh đạo ngân hàng phải hội đủ “4 chữ T”: Tâm – Tín – Tài – Tầm thì khách hàng mới tin tưởng, xã hội mới yên tâm, ngân hàng mới vững mạnh.

Theo ĐTCK