Ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang rời top tỷ phú Forbes

VietTimes — Cập nhật mới nhất của Forbes cho thấy, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan (MCK: MSN) - đã không còn nằm trong danh sách tỷ phú USD. Vốn hóa thị trường của Masan và các công ty cùng họ cũng đang rớt mạnh.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan (Nguồn: Nhà đầu tư)
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan (Nguồn: Nhà đầu tư)

Cùng với người bạn tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đại gia Nguyễn Đăng Quang đã xuất hiện dày đặc trên truyền thông trong nước sau thương vụ tỷ đô với Vingroup.

Việc nhận sáp nhập Vinmart, Vinmart+ và cả VinEco được kỳ vọng sẽ mở ra một thời đại mới cho Masan.

Lợi ích cộng hưởng của thương vụ vẫn ở thì tương lai, còn hiệu ứng phụ thì đã sớm thấy. Đó là ông Nguyễn Đăng Quang đã “tạm thời” bị loại ra khỏi danh sách tỷ phú USD của Forbes khi tổng tài sản chỉ còn 974,5 triệu USD.

Trước đó, tháng 3/2019, Forbes đã lần đầu tiên công nhận và xếp hạng ông Quang trong danh sách tỷ phú USD đầy uy tín của mình. Khối tài sản của nhà sáng lập đế chế Masan khi ấy được ước tính khoảng 1,3 tỷ USD.

Sự rớt hạng của ông Quang bắt nguồn từ việc giá cổ phiếu MSN đang giảm sâu trên thị trường chứng khoán trong những ngày gần đây.

Kết thúc phiên giao dịch này 10/12, thị giá MSN nằm ở mức 56,600 đồng/cp, rơi mạnh từ mức 69,000 đồng/cp ở thời điểm trước ngày 3/12. Đà rơi bắt nguồn từ thông tin Masan thâu tóm VinComerce (bán lẻ) và VinEco (nông nghiệp) của Vingroup.

Đến này 11/12, cổ phiếu MSN tiếp tục sụt giảm 2,12%, còn 55.400 đồng/cp, vốn hóa thị trường của Masan đang ở mức 66.162 tỷ đồng, giảm khoảng 14.450 so với mức vốn hóa trước ngày 3/12.

Giá cổ phiếu MSN giảm mạnh trong những ngày qua (Nguồn: Stockbiz)
Giá cổ phiếu MSN giảm mạnh trong những ngày qua (Nguồn: Stockbiz)

Cổ phiếu họ Masan thi nhau rớt giá

Không lâu sau thương vụ tốn nhiều giấy mực với Vingroup, ngày 9/12, công ty con của Masan là CTCP Masan MEATLife đã chính thức đưa cổ phiếu MML lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 80.000 đồng. Tổng số cổ phiếu niêm yết là 324,33 triệu, như vậy vốn hóa thị trường của MML sẽ nằm ở mức 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, đến ngày giao dịch 10/12, MML đã giảm mạnh, đóng cửa ở mức giá 64.900 đồng. Đến ngày 11/12, MML đã có sự phục hồi nhẹ, tăng lên mức 67.000 đồng/cp. Với mức giá này, vốn hóa của Masan MEATLife đã giảm 3.300 tỷ so với định giá ban đầu.

Việc niêm yết MML trên sàn chứng khoán khẳng định tham vọng của Masan trong việc đưa công ty này trở thành đơn vị sản xuất, phân phối thịt hàng đầu Việt Nam, mục tiêu chiếm 10% thị phần vào năm 2022.

Một cổ phiếu khác cũng thuộc “họ” Masan là MCH (niêm yết trên sàn UPCom) của CTCP Hàng tiêu dùng Masan cũng đang ghi nhận sự sụt giảm. Dù MCH ban đầu phản ứng khá tích cực với thông tin Masan nhận sáp nhập VinComerce và VinEco (tăng 3,49% và đạt mức 77.000 đồng/cp). Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, cổ phiếu này cũng đã giảm xuống còn 72.000 đồng/cp.

Như vậy kể từ khi kết thúc ngày giao dịch 3/12 đến nay, vốn hóa thị trường của MCH cũng đã giảm 3.500 tỷ đồng./.