Ông chủ Ecopark và con tính đằng sau 4 tuyến đường BT

VietTimes – Cụ thể đó là 4 tuyến đường: Đường nối Hà Nội – Hưng Yên (dài 4,2 km); Đường Đa Tốn đi đường Hà Nội – Hải Phòng (2,4 km); Đường từ khu đô thị Ecopark đi đường 179 (3,2 km); Đường 179 từ đường Nguyễn Huy Nhuận đến sông Bắc Hưng Hải (5,7 km).

Cả 4 tuyến đường này đều được Hà Nội phê duyệt đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Và chúng đều được đấu nối hay gián tiếp đối nối với khu đô thị Ecopark do Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark (viết tắt: Ecopark) làm chủ đầu tư.

Với những người hiểu chuyện, sẽ là không bất ngờ nếu sự hình thành của 4 dự án BT này lại được vận động bởi chủ đầu tư Ecopark.

Thực tế, các tài liệu mà VietTimes thu thập được đã xác nhận tính hợp lý của suy đoán trên. Chủ đầu tư Ecopark chính là đơn vị đã đề xuất các dự án BT này. Và có lẽ không chỉ là đề xuất, khả năng cao Ecopark hoặc các công ty thuộc hệ sinh thái này về sau cũng sẽ được lựa chọn sắm vai nhà đầu tư dự án – theo thông lệ các dự án BT lâu nay.

Kịch bản này phần nào được củng cố qua thực tiễn dự án Đường nối Hà Nội – Hưng Yên hoàn thành và đi vào khai thác vào năm 2014.

Ecopark từng chủ động "ẩn" khéo tại Comaland BT.
Ecopark từng chủ động "ẩn" khéo tại Comaland BT.

Bất chấp việc đã sớm chủ động ẩn đi sự can dự của mình, Ecopark (khi ấy vẫn mang tên cũ là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico)) - như VietTimes đã từng phân tích – mới là cái tên đóng vai trò quyết định trong sự hình thành dự án và âm thầm ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp dự án Comaland BT.

Phải đến gần đây, sau nhiều năm ủy thác, họ mới tái xuất. Kịch bản “hồi cố chủ” của Comaland BT làm dấy lên những đồn đoán về việc khởi động các dự án đối ứng.

Theo Quyết định số 4852/QĐ-UBND ngày 18/9/2014 của UBND Tp. Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đất đối ứng thực hiện dự án xây dựng tuyến đường Hà Nội - Hưng Yên, tỷ lệ 1/500, với vai nhà đầu tư BT của dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, Comaland BT dự kiến sẽ được khai thác các khu đất đối ứng rộng 63ha ở Đa Tốn, Gia Lâm.

Các khu đất đối ứng này, tìm hiểu của VietTimes, gồm 2 khu: Khu B và Khu C. Chúng cách nhau bởi chính con đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên mà Comaland BT đã đầu tư để được đổi lấy 2 khu đất này.

Như vậy, dự án BT, ngoài lan tỏa lợi ích cho khu đô thị Ecopark thì cũng sẽ làm lợi lớn cho chủ 2 khu đất B và C. Lợi ích ấy sẽ càng cộng hưởng hơn nữa, nếu biết, về hướng Nam, hai khu đất này lại tiếp giáp với chính địa giới của Khu đô thị Ecopark.

Mà như đã phân tích, chủ khu đô thị Ecopark cũng chính là chủ Comaland BT. Có nghĩa, sau khi hoàn tất việc nhận giao hai khu đất B và C, Ecopark sẽ có 63ha đất để thực hiện “phiên bản Hà Nội” cho dự án khu đô thị sinh thái mà họ đang rất thành công cho phần đất bên Văn Giang, Hưng Yên.

Không ít người dân thủ đô sống đang ở khu đô thị Ecopark và mang hộ khẩu Văn Giang, Hưng Yên. Một khu đất nối liền với dự án này, nhưng thuộc địa bàn Gia Lâm, sẽ mang đến hộ khẩu Hà Nội cho các cư dân.
Không ít người dân thủ đô sống đang ở khu đô thị Ecopark và mang hộ khẩu Văn Giang, Hưng Yên. Một khu đất nối liền với dự án này, nhưng thuộc địa bàn Gia Lâm, sẽ mang đến hộ khẩu Hà Nội cho các cư dân. 

Một Ecopark "hộ khẩu" Hà Nội

Có thể nói rằng đó là một phép tính thực sự có chiều sâu và hàm chứa đa lợi ích của nhóm chủ Ecopark!

Tuy nhiên, sẽ còn nhiều việc phải làm để phép tính này hiện thực hóa được kết quả. Bởi lẽ, đến thời điểm này, 63ha đất đối ứng của Comaland BT vẫn chỉ là… dự kiến. Nó cần những động thái mạnh mẽ hơn của Hà Nội để thoát kiếp trên giấy.

Thực tế, 4,2 km đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên đã được Comaland BT hoàn thiện và đưa vào khai thác hơn 4 năm nay nhưng nhà đầu tư vẫn chưa được giao đất và thanh toán hợp đồng BT. Khu đất đối ứng chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Việc chậm chễ này ngoài những nguyên nhân khách quan (có thể từ việc giải phóng mặt bằng, các bất cập pháp lý và độ trễ trong việc chờ đợi Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật về BT,…) không loại trừ khả năng còn có nguyên do từ sự bất hợp lý trong phương án đối ứng.

Theo đó, chi phí đầu tư 4,2km đường BT này ban đầu được Hà Nội xác định ở mức ngót 498 tỷ đồng, nhưng sau đó, Kiểm toán Nhà nước đã xem xét và loại bỏ nhiều hạng mục chi phí không phù hợp và chỉ xác nhận giá trị hợp đồng BT ở mức gần 447 tỷ đồng – tương ứng mức giảm khoảng 51 tỷ đồng.

Đạt chưa đến 500 tỷ đồng, giá trị dự án BT này thấp hơn quá nhiều giá trị 63 ha đất tại xã Đa Tốn dự định sẽ được sử dụng để đối ứng cho nhà đầu tư.

Phụ lục hợp đồng ký giữa Comaland BT và UBND huyện Gia Lâm vào tháng 7/2017 viết: “Ngay sau khi ký kết Phụ lục Hợp đồng chậm nhất 30 ngày, Doanh nghiệp dự án phải nộp số tiền chênh lệch giữa giá trị khu đất đối ứng và dự án BT, với giá trị tạm tính là 1.055 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước”. Như chi tiết này, có thể thấy riêng quy mô phần chênh lệch đã gấp nhiều lần giá trị công trình BT.

Đành rằng nhà đầu tư sẽ nộp bù tiền, nhưng phương án này rõ ràng khiến họ quá có lợi, khi không cần mệt nhọc đấu giá, cạnh tranh mà vẫn có được cả một quỹ đất khổng lồ. Quỹ đất ấy, nên nhớ, sẽ được thụ hưởng lợi ích lớn lao từ chính công trình BT. Chưa kể, còn cần phải xem xét rằng giá trị khu đất đối ứng mà các bên tính toán đã sát giá với trị trường hay chưa (?).

Ông chủ Ecopark Lương Xuân Hà cùng với vợ, là bà Đặng Thị Ngọc Bích, từ lâu đã nổi danh trong giới đại gia phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Forbes Việt Nam)
Ông chủ Ecopark Lương Xuân Hà cùng với vợ, là bà Đặng Thị Ngọc Bích, từ lâu đã nổi danh trong giới đại gia phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Forbes Việt Nam)

Dĩ nhiên, những vướng mắc trong việc quyết toán khu đất đối ứng cho Comaland BT sẽ chỉ là tạm thời. Nhà đầu tư và chính quyền sớm muộn cũng phải có một phương án tháo gỡ thỏa đáng. Comaland BT, mà đằng sau là Ecopark, hẳn vẫn rất mê 63ha đất nối liền với khu đô thị sinh thái của mình về hướng Hà Nội.

Vợ chồng đại gia nức tiếng giới nhà giàu phố cổ Lương Xuân Hà – Đặng Thị Ngọc Bích (ông bà chủ Ecopark) tất phải có những trù liệu. Giữa năm 2017, họ tiếp tục đề xuất Hà Nội xây dựng tiếp 3 tuyến đường theo hình thức PPP, hợp đồng BT…/.