ODA từ Nhật Bản giảm do...vướng thủ tục hành chính

Trưởng Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho hay, luôn mong muốn các khoản vay sớm được triển khai nhưng thủ tục thực hiện theo quy định mới của Việt Nam thì lại mất rất nhiều thời gian.
ODA từ Nhật Bản giảm do...vướng thủ tục hành chính

Trong những năm gần đây, Việt Nam là quốc gia nhận được nhiều viện trợ phát triển (vốn ODA) nhất từ Nhật Bản để cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tại các dự án lớn về giao thông, điện... Con số thống kê cụ thể cho thấy, kể từ khi nối lại ODA cho Việt Nam từ năm 1992 tới nay, nước này đã cung cấp cho Việt Nam khoảng 2.500 tỷ yên. 

Tuy nhiên, vốn ODA từ Nhật Bản năm 2014 sụt giảm gần một nửa so với năm trước đó làm dấy lên nhiều lo ngại nước này đang giảm dần dòng vốn viện trợ phát triển cho Việt Nam. 

Tại buổi họp báo thường niên do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tổ chức sáng 1/4, liên quan tới vấn đề trên, Trưởng đại diện JICA - ông Mori Shocho cho biết, trong năm 2013 vốn vay ODA được ký kết giữa Chính phủ hai nước vào khoảng 165,6 tỷ yên, năm 2014 là 82,628 tỷ yên. Trong năm 2015, JICA kỳ vọng duy trì khoản hỗ trợ ODA ít nhất tương đương như năm 2013. 

“Liên quan tới các khoản ODA, do Việt Nam mới sửa đổi Nghị định 38 khiến các thủ tục thực hiện vô cùng phức tạp. Chúng tôi luôn mong muốn các khoản vay sớm được triển khai nhưng thủ tục mới thì lại mất rất nhiều thời gian. Do đó, dù mong muốn ít nhất bằng với năm 2013 nhưng cũng còn phải phụ thuộc rất nhiều vào các thủ tục tại Việt Nam. Xu hướng của Việt Nam là mong muốn ngày càng đơn giản hoá các thủ tục hành chính nhưng có lẽ thay đổi này đang đi ngược lại”, ông Mori Shocho nói.

Một thông tin cũng được ông Mori Shocho đưa ra làm ví dụ, hôm qua (ngày 31/3), sau khi đại diện Chính phủ 2 nước ký kết công hàm cam kết dành 112,41 tỷ yên vốn ODA tài trợ cho 7 dự án tại Việt Nam, theo kế hoạch JICA sẽ ký kết luôn các Hiệp định vay vốn với Bộ Tài chính. Tuy nhiên, do chậm trễ về hoàn thiện hồ sơ, mới chỉ 2 Hiệp định với tổng vốn ODA cam kết tài trợ khoảng 46 tỷ yên được ký kết, còn 5 dự án khác đang trong quá trình chờ hoàn thiện nốt quy trình. 

Trở lại với cam kết không giảm vốn ODA cho Việt Nam, cách đây vài ngày, trả lời phỏng vấn trên tờ Wall Street Journal, Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada cũng khẳng định, Nhật Bản chưa có kế hoạch hay dự định cắt giảm nguồn viện trợ ODA nào tại Việt Nam. Đại sứ Nhật Bản nhấn mạnh, Việt Nam là một đối tác rất quan trọng với Nhật Bản, đồng thời chia sẻ những giải pháp mà Nhật Bản đang nỗ lực để vượt qua khó khăn và tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước.

Về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA từ Nhật Bản, cũng tại buổi họp báo, ông Mori Shocho cho rằng, các dự án do nhà thầu Nhật Bản có chất lượng và độ bền tốt hơn so với nhà thầu của các quốc gia khác như Việt Nam hay Trung Quốc. Ngoài ra, thông qua tại các dự án này dù nhà thầu là công ty Nhật Bản thì vẫn tạo được rất nhiều công ăn việc làm cho lao động trong nước. Một yếu tố quan trọng nữa là qua thi công, các kĩ sư người Việt Nam đã tiếp thu được nhiều công nghệ tiên tiến của Nhật Bản.  

“Việt Nam đã tiếp nhận nguồn vốn ODA trong suốt 20 năm nay. Câu chuyện đặt ra là đến bao giờ Việt Nam không cần nhận ODA nữa và có nên dùng quá nhiều vốn ODA hay không? Nhưng tôi nghĩ, chìa khoá ở đây là Việt Nam cần cân nhắc đưa ra quyết định có muốn tiếp thu thêm công nghệ và nhận chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản hay không? Một ví dụ đơn giản, khi nói tới các cây cầu tại Việt Nam, công ty trong nước hiện tại có thể chưa xây dựng được nhưng qua một hai dự án đầu học hỏi thì từ dự án thứ ba trở đi đã có thể làm được rồi”, vị đại diện JICA nói. 

Đồng quan điểm, Phó trưởng Đại diện JICA - ông Yamamoto Kenichi cũng phát biểu thêm rằng: “Khoản tiền đầu tư dù huy động từ nguồn nào thì bây giờ cũng sẽ không phải trả ngay nhưng sau 10 năm, 30 năm nữa, con cháu chúng ta sẽ phải hoàn trả thông qua đóng thuế. Do đó, khi Việt Nam muốn xây các công trình công nghệ cao thì hãy lựa chọn sử dụng đến nguồn vốn ODA của Nhật để gánh nặng cho con cháu của quý vị là ít nhất”.

Theo: Dân Trí