Ở Trung Quốc, tiền mặt đã biến mất!

VietTimes – Tiền mặt đang nhanh chóng trở nên lỗi thời ở Trung Quốc. Thanh toán di động đã trở nên thuận tiện hơn nhiều với 5 nghìn tỷ USD được giao dịch. Phương thức thanh toán điện tử đã cách mạng hóa thương mại ở Trung Quốc. Hàng trăm ngàn cửa hàng quy mô nhỏ bao gồm nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, quán trà cũng như các khu chợ giờ đây đã chấp nhận thanh toán điện tử.
Tiền mặt ngày càng vắng bóng trong các hoạt động thương mại tại Trung Quốc (ảnh: Getty Images)
Tiền mặt ngày càng vắng bóng trong các hoạt động thương mại tại Trung Quốc (ảnh: Getty Images)

Tại các thành phố lớn của Trung Quốc, việc thanh toán bằng tiền giấy đã chết do sự tiện lợi của thanh toán di động, hiện đã tăng lên đến 5 nghìn tỷ USD ở Đại lục.

Bạn có thể hỏi Lin Nianbao, chủ nhà hàng Ruyi chuyên bán mì, bánh bao và các món cơm trên đường Lancun ở Thượng Hải. Nhà hàng của ông Lin là một trong số những doanh nghiệp tư nhân ủng hộ tốc độ số hóa nhanh chóng của quốc gia, nơi mà các dịch vụ thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ trực tuyến đã giúp doanh nghiệp của ông phát triển.

"Tiền mặt không còn cần thiết đối với hoạt động của nhà hàng", ông nói. "Công việc kinh doanh thay đổi rất nhanh khi điện thoại di động bắt đầu thống trị cuộc sống của người dân".

Nếu như năm 2015, nhà hàng Ruyi vẫn thu tiền mặt từ khách hàng, thì đến nay các thanh toán điện tử thông qua WeChat Pay và Alipay chiếm hơn 70% tổng số giao dịch, khoảng 10.000 Nhân dân tệ (1.515 USD) mỗi ngày.

“Đây là một công nghệ đột phá. Nó bắt buộc chúng tôi phải thay đổi, phải học cách sử dụng ứng dụng để phát triển kinh doanh tốt hơn”. Các nhà hàng nhỏ như Ruyi hoạt động trong ngành thức ăn nhanh, nơi mỗi món ăn có giá từ 10 – 20 Nhân dân tệ và những người chủ doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều sức ép trong đó có tiền thuê mặt bằng cao. Nhà hàng Ruyi đủ lớn cho khoảng 20 bàn, có thể ngồi khoảng 50 người cùng một lúc. Đây là một trong những nhà hàng đầu tiên trên phố chấp thuận thanh toán điện tử từ năm ngoái.

“Sự gia tăng nhanh chóng của thanh toán di động tại các nhà hàng nhỏ giống như chúng tôi thực sự là điều đáng ngạc nhiên”, Lin nói. Ông Lin cũng cho biết dịch vụ thanh toán điện tử không còn là một lựa chọn tốt nữa, mà nó trở thành một công cụ thu hút khách hàng mới và duy trì sự ổn định.

"Một số người đến và hỏi liệu chúng tôi có chấp nhận Alipay hay WeChat", Lin nói. "Những nhà hàng khác trên đường phố không cho phép thanh toán bằng di động đã bị nhiều khách hàng quay lưng”.

Các khoản thanh toán bằng kỹ thuật số đã giúp doanh thu của nhà hàng tăng khoảng 10%. Nhà hàng Ruyi là một trong số rất nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Đại lục được hưởng lợi từ việc chuyển đổi số hóa.

Khách hàng tại Trung Quốc có thể thanh toán qua thiết bị di động (ảnh: Business Insider)

Các dịch vụ thanh toán của bên thứ ba do tập đoàn Alibaba Group (chủ sở hữu South China Morning Post và Tencent Holdings) cung cấp giờ đây đã có mặt ở hàng trăm ngàn cửa hàng quy mô nhỏ bao gồm các nhà hàng, cửa hàng tạp hóa và quán trà, cũng như các khu chợ mà trước đây không muốn sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán.

"Các ứng dụng thanh toán sẽ thu thập được một lượng lớn dữ liệu khách hàng. Họ biết chính xác khách hàng của chúng tôi là ai và khách hàng muốn gì. Tôi sẽ làm việc chặt chẽ với họ trong tương lai khi họ cung cấp các dịch vụ có phí khác để giúp quảng bá các hoạt động kinh doanh của cửa hàng", ông Lin cho biết.

Theo công ty tư vấn Analysys International, vào tháng 6/2017, thị trường thanh toán bên thứ ba của Trung Quốc đã tăng lên 35,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ, chiếm một nửa tổng sản phẩm quốc nội năm 2016. Alipay kiểm soát 39% thị phần và Tenpay là 27% thị phần.

Còn theo công ty tư vấn toàn cầu McKinsey, Trung Quốc hiện chiếm 42% thị phần thương mại điện tử của thế giới, trong đó thành toán qua di động lớn hơn 11 lần so với Hoa Kỳ.