Ô tô TMT đang được “lái” về với ai?

Tự đưa ra chương trình thưởng 1,5 triệu cổ phiếu ESOP từ cách đây 2 năm nhưng cũng lại tự thay đổi thời gian thưởng cổ phiếu ngay khi thuận lợi, lãnh đạo của CTCP Ô tô TMT (mã TMT) đang để lại câu hỏi liệu doanh nghiệp có đang bị họ thao túng?
Ô tô TMT đang được “lái” về với ai?

Câu chuyện của cổ phiếu TMT chắc hẳn không xa lạ với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cách đây 2 năm, trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2013, HĐQT của TMT đã thông qua một kế hoạch rất táo bạo, đó là sẽ thưởng 1,5 triệu cổ phiếu cho Ban điều hành chính của Công ty nếu sau 3 năm tính từ ngày được ĐHĐCĐ thường niên năm 2013 thông qua (từ 8/4/2013 đến 8/4/2016) đưa được công ty phát triển tốc độ cao, cổ phiếu của công ty tăng lên được 50.000 đồng/cổ phiếu.

Quả thực sau chưa đầy 3 năm, doanh thu và lợi nhuận của TMT đã tăng trưởng thần tốc và giá cổ phiếu hiện đã vượt 50.000 đồng/cổ phiếu.

Sau những thành quả này, nhiều nhà đầu tư sẽ đồng ý rằng Ban điều hành của TMT xứng đáng được thưởng và chương trình ESOP nên được kích hoạt sau khi kết thúc mốc thời hạn 8/4/2016.

Tuy nhiên, chưa đợi đến thời hạn, HĐQT đã ra nghị quyết thưởng cổ phiếu ESOP ngay trong tháng 11,12 năm 2015. Điều đặc biệt là trong danh sách thưởng con trai ông Bùi Văn Hữu dù giữ chức vụ Trợ lý Chủ tịch HĐQT vẫn được thưởng 500.000 cổ phiếu còn ông Hữu với chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc được thưởng 500.000 cổ phiếu.

Bên cạnh đó, em trai ông Hữu là ông Bùi Quốc Công, Phó tổng giám đốc cũng được thưởng 80.000 cổ phiếu. (Tham khảo danh sách thưởng)

Với thị giá 53.000-55.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị cổ phiếu mà ông Hữu và những người liên quan nhận sẽ dao động quanh 55 tỷ đồng.

Liệu TMT có đang quá dễ dãi và ưu ái đối với lãnh đạo của doanh nghiệp và người nhà của lãnh đạo.

Cần chú ý đây không phải lần đầu tiên sự dễ dãi này được thể hiện. Đầu năm nay, đại hội cổ đông của TMT (ông Hữu cùng Vinamotor và các cá nhân liên quan nắm tỷ lệ biểu quyết áp đảo) đã thông qua gia hạn thời gian thưởng cổ phiếu thêm 1 năm. Tại thời điểm đó, thị giá của TMT trước điều chỉnh mới là 24.500 là đồng/cổ phiếu, cách xa mức giá mục tiêu 50.000 đồng/cp.

Một điều gây tranh cãi khác là chương trình ESOP này cũng không hề giới hạn thời gian chuyển nhượng. Đồng nghĩa, lãnh đạo của TMT vừa không chịu điều chỉnh giá nhưng vẫn làm pha loãng lợi ích cổ đông, đồng thời không còn bị ràng buộc về hiệu quả hoạt động của TMT sau khi phát hành.

Năng lực hay may mắn?

Soi lại hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp ô tô, kết quả lợi nhuận ấn tượng không chỉ xuất hiện tại TMT mà còn cả các doanh nghiệp lắp ráp và nhập khẩu ô tô tải trên sàn như HHS, HTL. Vì vậy, sẽ rất khó để có thể kết luận hoạt động kinh doanh của TMT có đóng góp của tài năng và sự chèo lái của các lãnh đạo cấp cao.

 Thậm chí so với TMT, các chỉ số hiệu quả như ROA và ROE của HHS và HTL còn cao hơn.

Trong khi đó, chỉ với chương trình ESOP lần này, tổng giá trị cũng lên tới gần 80 tỷ đồng, xấp xỉ tổng chi phí quản lý doanh nghiệp của 3 năm gần đây. Đây là điều mà các doanh nghiệp như HHS, HTL đều không thể vượt mặt được TMT.

Theo Bizlive