Ô tô điện Trung Quốc tràn vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Wuling, Haima, BYD và Chery - các thương hiệu ô tô Trung Quốc - đều đã tiết lộ các kế hoạch xây dựng nhà máy hoặc mở bán các mẫu xe ô tô điện tại thị trường Việt Nam. 

Dòng xe điện từ Trung Quốc hứa hẹn sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh tại Việt Nam (Ảnh: Haima)
Dòng xe điện từ Trung Quốc hứa hẹn sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh tại Việt Nam (Ảnh: Haima)

CTCP Ô tô TMT (TMT Motors - Mã CK: TMT) mới đây đã ký kết hợp tác chiến lược với liên doanh General Motors (GM) – (SAIC – WULING), để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện mini Wuling Hongguang MiniEV của liên doanh này tại Việt Nam.

Mẫu xe Wuling Hongguang MiniEV dự kiến được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT Motors tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với công suất 30.000 xe/năm.

TMT Motors cho biết sẽ công bố thông tin chi tiết về sản phẩm và giá bán của mẫu xe này trong quý 2/2023. Đồng thời, công ty này cũng đang cân nhắc giới thiệu thêm các mẫu ô tô điện khác theo lộ trình hợp tác chiến lược với liên doanh GM – (SAIC – WULING).

Theo TMT Motors, hãng General Motors (GM) của Mỹ đóng góp gần một nửa cổ phần trong liên doanh GM – (SAIC – WULING). Số cổ phần còn lại do SAIC MotorWuling Motors – 2 hãng sản xuất ô tô của Trung Quốc – nắm giữ.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Wuling Motors hiện đang bán các dòng xe tải nhẹ, xe van mang thương hiệu Wuling tại thị trường Việt Nam thông qua nhà phân phối độc quyền Công ty TNHH Ô tô TC Việt Nam (TCMV).

Một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác là Haima cũng đang đặt mục tiêu sẽ mở bán 3 dòng xe Haima 8S, 7X và 7X-E tại thị trường Việt Nam kể từ nửa sau năm 2023.

Haima không còn quá xa lạ với người tiêu dùng Việt. Hãng xe Trung Quốc này từng có mặt tại Việt Nam vào năm 2011, chào bán các sản phẩm có thiết kế khá giống với hãng xe Mazda (thông qua một công ty kinh doanh ô tô tại Hải Phòng) nhưng không mấy thành công.

Tương tự, Chery cũng từng chào bán ô tô ở Việt Nam hơn 10 năm trước nhưng sản phẩm không phù hợp nên đã phải dừng cuộc chơi. Quay trở lại thị trường Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng, hãng xe này quyết tâm chinh phục người tiêu dùng với các dòng OMODA và Chery. Đặc biệt, Chery sẽ bán xe dưới dạng lắp ráp trong nước với việc hợp tác với các đối tác Việt Nam để xây dựng nhà máy.

Tháng 1/2023, BYD công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Việt Nam để sản xuất phụ tùng ô tô. Khoản đầu tư của hãng được cho là sẽ lên tới hơn 250 triệu USD.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và dân số trẻ, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường ô tô giàu tiềm năng.

Theo Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cộng dồn cả năm 2022, tổng lượng xe bán ra trên toàn thị trường đạt 404.635 chiếc, tăng trưởng 33% so với năm 2021. Tính thêm cả kết quả bán hàng của Huyndai Thành Công và VinFast, lượng ô tô được bán ra trên thị trường trong năm 2022 đã đạt mức kỷ lục 509.141 chiếc.

Như đã đề cập ở đầu bài viết, trở lại thị trường Việt Nam, Haima thời gian đầu sẽ cho ra mắt 2 dòng xe chạy xăng là Haima SUV 8S và Haima MPV 7X và 1 dòng xe điện Haima 7X-E.

Tại thị trường nội địa, Haima SUV 8S được bán với mức giá dao động trong khoảng từ 79.900 – 136.900 NDT (tương đương 275 – 472,2 triệu đồng). Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, mẫu xe này dự kiến sẽ cạnh tranh với Mazda CX-5 (839 – 1.059 triệu đồng), Huyndai Tucson (845 – 1.060 triệu đồng).

Trong khi đó, giá bán của Haima 7X tại thị trường Việt Nam dự kiến từ 700 – 800 triệu đồng, khá cao so với các mẫu MPV phổ thông trên thị trường như Kia Carens, Toyota Veloz.

Dù có mức giá khá cạnh tranh, song các hãng xe Trung Quốc được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể thu hút người dùng Việt Nam.

Dẫn lời trên tờ báo nhiều người đọc nhất Việt Nam (VNExpress), ông Trần Viết Sơn – Giám đốc kinh doanh của Carvivu – thừa nhận thương hiệu yếu, định kiến thiếu tích cực về xe Trung Quốc vẫn là rào cản lớn để Haima hay những thương hiệu khác của nước này tiếp cận khách Việt.

Lợi thế của các hãng xe Trung Quốc

“Trung Quốc đã mất hơn một thập kỷ trợ cấp, đầu tư dài hạn và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để đặt nền móng cho thị trường xe điện bắt đầu tự đứng vững”, theo New York Times.

Bên cạnh sự hỗ trợ của chính phủ, nhu cầu nội tại khổng lồ của quốc gia tỷ dân cũng cho phép nhiều hãng sản xuất xe Trung Quốc có thể bán nhiều mẫu xe thuộc mọi phân khúc.

Nhờ đó, các hãng xe sẽ có thêm nguồn lực để tạo ra sự cải thiện chất lượng và công nghệ, cùng thiết kế bắt mắt.

Sự trỗi dậy của BYD có thể được xem là hình mẫu cho sự trỗi dậy của các hãng xe điện Trung Quốc khi trở thành đối thủ đáng gờm với Tesla của Elon Musk.

Cũng nên lưu ý rằng, ở các thị trường khác, xe điện của các nhà sản xuất ô tô truyền thống thường được coi là xe hạng sang, trong khi các thương hiệu Trung Quốc lại tỏ ra thành công với những mẫu xe hợp túi tiền./.