Nước Mỹ trong cơn “đại hồng thủy nợ nần” giữa Covid-19

VietTimes -- Khoản nợ công bấp bênh của nước Mỹ đang đạt đến điểm “tử huyệt” với mức vay chưa từng có khiến nền kinh tế gần như phải đóng cửa hoàn toàn để chống chọi với đại dịch Covid-19. Nước Mỹ đang nhanh chóng tiêu đến những đồng xu cuối cùng trong túi người khác.
Thị trường chứng khoán NewYork rợp một sắc đỏ suốt nhiều tháng qua (Ảnh: Getty)
Thị trường chứng khoán NewYork rợp một sắc đỏ suốt nhiều tháng qua (Ảnh: Getty)

Tăng trưởng cao nhưng nợ nần chồng chất

“Vấn đề gặp phải với hầu hết các chính phủ là sớm muộn cũng đến lúc họ tiêu cạn tiền trong túi người khác”.

(Diễn giải theo câu nói của cố Thủ tướng Anh, Marget Thatcher, ngày 05/02/1976).

Chỉ vừa mới đây, nước Mỹ còn rất tự hào là nền kinh tế hàng đầu thế giới với mức thuế suất thấp, đầu tư nước ngoài và trong nước tăng mạnh, các quy định của chính phủ được giảm tải, đổi mới và tinh thần doanh nghiệp được tăng cường, lực lượng lao động được đào tạo bài bản và trang bị đầy đủ kỹ năng, chi phí lao động thuận lợi, giá năng lượng thấp và môi trường bền vững, trong khi vẫn được bao cấp nhiều từ khoản tiền nợ ở mức kỷ lục và thâm hụt ngân sách liên bang.

Năm 2019, nền kinh tế Mỹ đạt hiệu suất cao nhất từ trước đến giờ. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3%, kể cả các nhóm thiểu số có hoàn cảnh khó khăn cũng tham gia vào nền kinh tế đang khởi sắc. Mức lương thực tế của nhiều nhóm lao động tăng.  Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones của thị trường phố Wall cao kỷ lục ở mức 30.000 điểm. Lợi nhuận doanh nghiệp cao.

Thâm hụt ngân sách liên bang tiếp tục với tình trạng chi vượt thu trên 1 nghìn tỷ USD. Trong suốt 10 năm qua, thâm hụt ngân sách luôn ở ngưỡng cao. Riêng ngân sách hoạt động của chính phủ liên bang đã mất khoảng 4 nghìn tỷ. Đi vay chính là một cách để chính phủ tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách – việc này khiến món nợ quốc gia ngày càng chồng chất mỗi năm.

Khoản nợ công của nước Mỹ tính đến ngày 16/4/2020 đã lên đến 24,5 nghìn tỷ USD trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 chỉ đạt 22 nghìn tỷ USD. Nói cách khác, chính phủ sẽ phải dành toàn bộ GDP để trả nợ. Tiền lãi vay hàng năm trả cho các quốc gia cho vay là 480 tỷ USD, bằng một nửa ngân sách quốc phòng.

Tính đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi người dân Mỹ đang phải cõng một khoản nợ trị giá 200.000 USD.

Đồ thị về tăng trưởng kinh tế Mỹ vào quý 1/2020 (Ảnh: BBC)
Đồ thị về tăng trưởng kinh tế Mỹ vào quý 1/2020 (Ảnh: BBC)

Thực tế là mức chi tiêu dùng 70%, chứ không phải sản xuất, đang là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Các hộ gia đình Mỹ cũng đang è lưng với các khoản nợ giống như tình trạng của chính phủ.

Tổng nợ hộ gia đình là 14,1 nghìn tỷ USD, bao gồm nợ thẻ tín dụng, thế chấp nhà, mua ô tô và những thứ tương tự. Người Mỹ đang chi tiêu vượt mức thu nhập của họ.

Covid-19 kết thúc sự thịnh vượng của nước Mỹ

Đại dịch Covid-19 toàn cầu bắt đầu từ tháng 1 đã giáng một đòn gần như “nốc ao” vào nước Mỹ, để lại hậu quả là đến nay đã có trên 67.000 ca tử vong, 170.000 người phải nhập viện và trên 1,1 triệu ca nhiễm đã được xác nhận.

Thêm vào đó, dịch cúm mùa cũng khiến gần 40.000 người nữa tử vong. Các bệnh viện bị quá tải, thiếu trang thiết bị, nhân viên y tế, thuốc men và phòng hồi sức cấp cứu.

Để đối phó với đại dịch, ngành y tế và chính quyền các cấp từ liên bang, tiểu bang đến địa phương đã đưa ra một loạt biện pháp gồm lệnh cấm đi lại từ Trung Quốc và hầu hết các nước châu Âu đến Mỹ; ban hành chỉ thị tự cách ly; áp đặt kiểm dịch với những người đã phơi nhiễm virus; và sau đó là đóng cửa toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu trên phạm vi toàn quốc.

Đúng như dự đoán, cho đến nay, hơn 30 triệu người lao động (hơn 16% lực lượng lao động) bị mất việc, thị trường chứng khoán mất một phần ba giá trị (5 nghìn tỷ USD) – chỉ trong thời gian rất ngắn, nước Mỹ phồn hoa đã trở nên khánh kiệt.

Đây là cú sốc kinh tế lớn nhất xảy ra với nước Mỹ kể từ cuộc Đại suy thoái kéo dài từ năm 1929 đến năm 1939. Các chuyên gia dự báo GDP của Mỹ sẽ giảm 5,6% trong quý IV năm 2020.

Ứng phó của nước Mỹ trước đại dịch

Chính phủ Mỹ đã ứng phó thế nào: tăng thâm hụt ngân sách và khiến nợ chồng thêm nợ!

Tổng thống Donald Trump và Quốc hội đã nhanh chóng cho phép vay vốn để giải quyết các tác động của đại dịch ở mức độ chưa từng thấy kể từ Thế chiến II, hay thậm chí là tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Bộ Ngân khố đã vay 2,7 nghìn tỷ đô la để tăng cường năng lực cho các bệnh viện, phát triển thuốc điều trị và vaccine, trợ cấp doanh nghiệp và người lao động, và cung cấp các khoản vay và trợ cấp - đều là những khoản chi cần thiết.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang đã khởi động gói hỗ trợ khổng lồ trị giá 4 nghìn tỷ USD để ổn định thị trường tài chính, và tới đây có thể còn bơm tiếp hàng nghìn tỷ nữa cho nền kinh tế.

Nhiều người coi đây là một giải pháp tình thế, thậm chí còn dự đoán là các khoản vay khác sẽ tiếp tục được thực hiện: 500 tỷ USD để cứu trợ chính quyền tiểu bang và địa phương, 500 tỷ nữa để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, và 1 nghìn tỷ đầu tư vào cơ sở hạ tầng (sân bay, cầu, đường cao tốc, đập nước).

Cùng với việc tăng cường các khoản vay, các chính quyền đã thực hiện miễn/lùi thuế, hoặc ít nhất cũng có kế hoạch làm như vậy trong thời gian tới. Người dân không bắt buộc phải nộp thuế thu nhập liên bang vào ngày 15/4 mà được gia hạn tự động đến ngày 15/7. Việc thanh toán các khoản vay sinh viên với tổng trị giá 1,5 nghìn tỷ USD đã được lùi đến tháng 9 năm nay.

Hiện chính phủ Mỹ cũng đang cân nhắc tạm ngừng khoản thuế quỹ lương liên bang – đây là nguồn khấu trừ dành cho Quỹ An sinh xã hội, Chương trình Bảo hiểm y tế Medicare và Medicaid.

Thâm hụt ngân sách năm 2020 được dự báo sẽ lên đến 3,7 nghìn tỷ USD và tiếp đó đến năm 2021 dự kiến sẽ thu hẹp xuống mức 2,1 nghìn tỷ USD.

Chính trị hóa việc chi tiêu quỹ cứu trợ

Nhiều người dân Mỹ đã hy vọng rằng đảng Dân chủ và Cộng hòa có thể dừng những cuộc điều tra không đâu vào đâu của họ nhắm vào chiếc ghế Tổng thống và quyền kiểm soát Quốc hội trong kỳ bầu cử tháng 11 để hợp tác và chung sức chống đại dịch. Nhưng người dân chỉ nhận lại sự thất vọng.

Các khoản tiền để giải quyết cuộc khủng hoảng đang chịu áp lực liên tục từ các chính trị gia bởi họ chỉ mong dùng tiền này để chi vào các khoản không liên quan và không bắt nguồn từ đại dịch.

Chương trình giải cứu của chính quyền tiểu bang và địa phương. Khi nền kinh tế bị đóng cửa và hệ thống y tế bị quá tải, các chính quyền tiểu bang và địa phương sẽ phải chi các khoản tiền khổng lồ bất chấp tình trạng thất thu thuế.

Các chính quyền đang bị tổn thương này chỉ còn cách tìm kiếm sự cứu trợ từ chính quyền liên bang, trước mắt là để trả lương cho giáo viên, cảnh sát, bác sĩ, y tá và các nhân viên cứu hộ.

Theo luật định, các chính quyền tiểu bang và địa phương không có thẩm quyền vay nợ như chính quyền liên bang.

Nhưng có một vấn đề nảy sinh trong thực tế. Một số chính quyền tiểu bang và địa phương, hầu hết thuộc kiểm soát của phe Dân chủ đang trong trình trạng hoạt động yếu kém. Điều này không liên quan gì đến đại dịch. Chính vì vậy, những trường hợp này khó mà được đưa vào diện giải cứu.

Hãy lấy một ví dụ là tiểu bang Illinois. Illinois là tiểu bang có quỹ hưu trí được chi tiêu vô cùng thoải mái, thoải mái đến độ quỹ này không còn đủ tiền để trả lương cho người lao động đã nghỉ hưu. Đồng thời, tiểu bang này lại không quyết được việc tăng thuế để có nguồn thu bù vào quỹ hưu trí.

Giải pháp họ đưa ra là: cắt giảm ngân sách giáo dục, phúc lợi xã hội và dịch vụ. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao người dân Mỹ lại phải dùng tiền đóng thuế của mình để giải cứu những tiểu bang đang thuộc kiểm soát của công đoàn?

Chương trình nghị sự cấp tiến của đảng Dân chủ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống và tại Quốc hội, các ứng viên của đảng Dân chủ đã trở nên ngày càng cực tả - điều này thể hiện rõ trong các đề xuất chính sách của họ khiến cử tri Mỹ không thấy thuyết phục. Người dân không mặn mà gì với các chương trình môi trường ngốn đến 90 nghìn tỷ USD, chương trình phổ cập y tế hay xóa bỏ các khoản nợ vay sinh viên…

Mới đây, phe Dân chủ còn muốn tất cả người dân sẽ được nhận một khoản thu nhập đủ sống như một nguồn đảm bảo trong thời gian diễn ra đại dịch. Tuy nhiên, ý tưởng về “thu nhập được đảm bảo” không nhận được sự ủng hộ của cử tri.

Người dân Mỹ phản đối thứ lý thuyết cho rằng người ta không cần phải làm việc mà vẫn có thu nhập. Chính vì vậy, bằng việc lồng ghép khoản tiền này vào dự luật gói cứu trợ đại dịch, phe Dân chủ hy vọng rằng khoản “thu nhập được đảm bảo” này có thể được phê chuẩn trót lọt mà không bị cử tri chất vấn.

Trung tâm thành phố NewYork - trái tim kinh tế, tài chính của nước Mỹ giữa thời đại dịch Covid-19 (Ảnh: Getty)
Trung tâm thành phố NewYork - trái tim kinh tế, tài chính của nước Mỹ giữa thời đại dịch Covid-19 (Ảnh: Getty)

Từng tiểu bang cũng đang chính trị hóa các khoản tiền cứu trợ. Tại California, thống đốc đã sử dụng các khoản tiền cứu trợ đại dịch liên bang với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp để trợ cấp cho các doanh nghiệp của người nhập cư bất hợp pháp.

Tiểu bang này cũng cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho người nhập cư bất hợp pháp. Còn người dân Mỹ thì phàn nàn rằng họ không hề được thụ hưởng các lợi ích tương tự như vậy.

Với kiểu chơi trò ỡm ờ để đối thủ lơ là mà tráo bài, gói cứu trợ đã bị đình trệ trong nhiều tuần bởi các đảng phái chính trị cố gắng biến việc này thành con tin để đạt được mục đích của mình. Ví dụ như, đảng Dân chủ đã nhất định không thông qua gói cứu trợ cho các chính quyền tiểu bang và địa phương cho đến khi đảng Cộng hòa phải rút điều khoản bảo vệ doanh nghiệp khỏi các vụ kiện trách nhiệm phát sinh khi họ mở lại hoạt động kinh doanh của mình.  

Các luật sư trên khắp nước Mỹ đang nóng lòng chờ đợi để khởi động các vụ kiện lên đến hàng tỷ đô la nhắm vào các doanh nghiệp đang mở cửa trở lại. Đảng Dân chủ chỉ muốn bảo vệ người tiêu dùng.

Điểm mấu chốt ở đây là chính phủ Mỹ đang vay tiền để hiện thực hóa các chính sách mà người dân Mỹ không ủng hộ.

Càng bước càng lún sâu

Các chính quyền trong tương lai sẽ rất vô cùng vất vả để duy trì sự thịnh vượng cho nước Mỹ. Để có thể thanh toán các khoản tiền vay, chính phủ sẽ phải tăng thuế, cắt giảm chi tiêu hoặc tăng trưởng kinh tế.

Sẽ không có ai muốn trả mức thuế cao hơn sau cú đóng cửa khiến nền kinh tế suy kiệt đặc biệt là trước đó Tổng thống Trump đã quyết định giảm 2 nghìn tỷ USD tiền thuế có hiệu lực trong 10 năm. Nhưng với tình hình hiện giờ, có vẻ như mức thuế cao hơn sẽ sớm được áp dụng.

Tuy nhiên, việc này sẽ gặp phải vấn đề. Các chính trị gia hiếm khi sử dụng nguồn thu từ tiền thuế mới để thanh toán nợ nần; thay vào đó họ có xu hướng tìm ra những lý do mới để tiêu khoản tiền này, hậu quả là nợ mới chồng nợ cũ. Hoàn toàn không theo nguyên tắc tài khóa nào cả.

Và cũng không ai chấp nhận việc các dịch vụ công vốn tồn tại như một tất yếu xã hội bị cắt giảm. Luật hiện hành quy định rõ 60% tổng ngân sách là dành cho các khoản chi tiêu bắt buộc và không thể cắt giảm bao gồm:

Tổng ngân sách cho các khoản chi bắt buộc (tổng cộng 3 nghìn tỷ đô la cho các khoản chi tiêu an sinh xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản chi tiêu khác) – trong đó Quỹ hưu trí An sinh xã hội (1,2 nghìn tỷ USD), Chương trình Bảo hiểm y tế Medicare dành cho những người về hưu trên 65 tuổi không phân biệt thu nhập (700 tỷ USD) và Chương trình bảo hiểm y tế Medicaid dành cho người có thu nhập thấp không phân biệt độ tuổi (450 tỷ USD).

Các chương trình này ảnh hưởng đến 136 triệu người trong tổng số 350 triệu người dân Mỹ. Chưa có chính trị gia nào thành công trong việc cải tổ hoặc cắt giảm các chương trình này.

Cắt giảm chi tiêu quốc phòng cũng không phải là một lựa chọn. Chi tiêu quốc phòng hiện giờ đang dưới mức 1 nghìn tỷ USD. Mà chưa bao giờ nước Mỹ phải đối mặt với nhiều kẻ thù chỉ rình cơ hội hãm hại mình hơn lúc này.

Đã có một số giai đoạn lịch sử chứng kiến nước Mỹ quật cường vượt qua các khó khăn tài chính. Giai đoạn Bong bóng dot-com từ năm 1995 đến năm 2000 là một ngoại lệ hiếm hoi.

Hơn nữa, cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đều không đủ quyết tâm và nghị lực để giải quyết các khoản nợ ngày càng phình to và thâm hụt ngân sách ngày càng tăng. Phong trào Đảng Trà được nhiều người biết đến dưới thời chính quyền TT Barack Obama (2009-2017) được thành lập trong một nỗ lực nhắm vào việc giải quyết các hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Phong trào đó đã thất bại. Hiện giờ các thành viên của phong trào Đảng Trà đã tham gia vào “số đông” chi tiêu hoang phí. Tiêu tiền thì rất dễ, chỉ cắt giảm chi tiêu mới là điều không thể.

Còn một phong trào khác cũng đã cố gắng áp đặt giới hạn chi tiêu cho ngân sách liên bang để khi Quốc hội phân bổ tiền vượt quá giới hạn thì ngân sách tất cả các lĩnh vực sẽ bị khấu trừ. Nhưng kết cục là Quốc hội chỉ cần bỏ phiếu để tăng giới hạn chi tiêu mỗi khi dự trù quá giới hạn cho phép.

Hỗn loạn bao trùm kỳ bầu cử tháng 11

Các chiến dịch tranh cử của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều đang gặp nhiều rắc rối.

Mới tháng 1, tình hình còn đầy hứa hẹn cho đảng Cộng hòa. Tổng thống Trump đã vượt qua được nỗ lực “đảo chính” dưới tấm áo choàng “luận tội” của phe Dân chủ. Ông còn đang vô cùng phấn khởi với một nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất trong lịch sử nước Mỹ. Rất nhiều người đã tin rằng việc ông Trump tái đắc cử là điều không cần bàn cãi.

Tình trạng thất nghiệp ở nước Mỹ đã tăng cao kỷ lục (Ảnh: Getty)
Tình trạng thất nghiệp ở nước Mỹ đã tăng cao kỷ lục (Ảnh: Getty)

Đại dịch Covid-19 là cú bẻ lái bất ngờ chấm dứt trạng thái phấn chấn của ông Trump. Chuyển từ vị trí đầu tàu của một nền kinh tế đang khởi sắc rực rỡ nhất, ông chủ Nhà Trắng giờ đang phải cố gắng chèo lái con thuyền trong bão tố để cứu vãn một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Đại Khủng hoảng những năm 1930.

Tình thế đảo lộn hoàn toàn chỉ trong đúng một tháng! Hiện giờ, ông đang phải vật lộn với cuộc chiến vì sinh mệnh chính trị của mình trước những thăng trầm của đại dịch và để mở lại nền kinh tế.

Tình hình của đảng Dân chủ với đại diện là ứng cử viên Joe Biden cũng không khả quan hơn. Thông điệp tranh cử của ông Biden và phe Dân chủ là thay đổi triệt để hệ thống quản trị, xã hội, kinh tế và văn hóa Mỹ hướng tới một mô hình cực tả nơi miền đất hứa. Tất cả những lời hứa hẹn mơ hồ mà đảng Dân chủ đưa ra trong hai năm qua giờ đều là không tưởng.

May mắn nhất thì ông Biden sẽ nắm quyền điều hành nhưng kèm theo đó là nguồn lực hạn hẹp và quá nhiều rắc rối phải giải quyết trong tháng 11 cũng như trong tương lai. Thực tế là sẽ không có bất kỳ chính sách giả tưởng nào của ông được đưa vào cuộc sống.

Lúc này, mỗi lá phiếu bầu của cử tri Mỹ sẽ được cân nhắc trên cơ sở họ đánh giá thế nào về năng lực quản lý đại dịch và mở cửa lại nền kinh tế của ông Trump. Liệu họ có đổ lỗi cho ông khi tình hình xấu đi hay sẽ tiếp tục tin tưởng ông. Đảng Dân chủ chắc chắc sẽ tìm mọi cách khiến ông thất bại?

Về phần mình, ông Biden sẽ phải thuyết phục người dân Mỹ tin rằng ông đã có thể làm tốt hơn ông Trump. Các nhà phê bình cho rằng ông Biden đang bị bó buộc trong chính trị bản sắc; trong những yêu cầu vô lý của những người ủng hộ ông Bernie Sanders, vốn là những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội; và trong chính hoạt động quản trị của ông trước đây khi là Phó TT cho ông Obama.

Cả nước Mỹ và thế giới đều đang nóng lòng mong đợi quả ngọt trong cơn bão tố.