Nước Mỹ dậy sóng về cuộc gặp gỡ Trump – Putin

VietTimes -- Ngày 16/7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai ông đã có cuộc hội đàm kéo dài hơn 1 giờ, sau đó họ đã tổ chức cuộc họp báo chung. Tại cuộc họp báo này, họ đã trả lời các câu hỏi về các vấn đề dầu khí, Syria, Crimea…
Donald Trump rất coi trọng cuộc gặp ông Putin và tuyên bố cuộc gặp là khởi đầu tốt đẹp cho quan hệ hai nước.
Donald Trump rất coi trọng cuộc gặp ông Putin và tuyên bố cuộc gặp là khởi đầu tốt đẹp cho quan hệ hai nước.

Ông Donald Trump ca ngợi cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Helsinki, Phần Lan ngày 16/7 vừa qua là “khởi đầu tốt đẹp” cho việc cải thiện quan hệ song phương; đồng thời bác bỏ cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ về việc tình báo Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cách đây 2 năm để giúp ông giành chiến thắng…

Tuy nhiên, cuộc gặp Trump – Putin đã làm dấy nên sự phản đối mạnh mẽ ở trong nước Mỹ. Đảng Dân chủ thậm chí kêu gọi ông Trump hãy hủy bỏ cuộc gặp này. Bản thân cuộc gặp này đã gây tranh cãi, bất cứ biểu hiện gì của Donald Trump cũng thành cái cớ để giới truyền thông nắm lấy chỉ trích.

Tờ “Time” viết, trong 46 phút họp báo chung, ông Donald Trump đã không hề chỉ trích Nga “thôn tính” Crimea, cũng chẳng đề cập đến vụ án đặc vụ Nga sử dụng khí độc hay việc tình báo Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống 2016. Ông không chỉ không chỉ trích Putin mà thậm chí đã đi ngược lại những đánh giá Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống mà cơ quan tình báo Mỹ, lưỡng viện Quốc hội và các thành viên chính phủ đã đưa ra.

Đặc biệt, thể hiện của ông Donald Trump về quan hệ giữa Nga và Mỹ trong cuộc tổng tuyển cử 2016 được coi là giống như tảng đá ném xuống sông làm dậy ngàn lớp sóng. Cơ quan tình báo Mỹ đã tuyên bố có đầy đủ chứng cứ rõ ràng về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử. Tờ “Financial Times” chỉ rõ: thể hiện của ông Donald Trump đã trái ngược hoàn toàn với ý kiến của ông Dan Coats, Chủ nhiệm Tình báo quốc gia – Trợ lý An ninh Quốc gia của chính mình. Cuối tuần trước, Dan Coats vừa mới lên tiếng yêu cầu cảnh giác về các cuộc tấn công mạng của người Nga.

Mấy tiếng sau cuộc họp báo, các thành viên Đảng Cộng hòa đã gia nhập vào đội ngũ những người Dân chủ phê phán Donald Trump. Chủ tịch Hạ nghị viện Paul Ryan nói: “Ông Donald Trump cần phải hiểu rằng Nga không phải là bạn đồng minh của chúng ta. Mỹ cần chú ý đến việc bắt người Nga phải trả giá, không để cho họ công kích nền dân chủ”. Lãnh tụ phe thiểu số tại Thượng nghị viện Charles Schumer nói: “Đối với một tổng thống Mỹ, việc đứng cùng Putin, phản đối cơ quan tư pháp, quan chức quốc phòng  và cơ quan tình báo của nước mình là khinh suất, nguy hiểm và yếu hèn”. Cựu Giám đốc CIA John Brennan thậm chí nói: “Biểu hiện của vị Tổng thống Mỹ này rõ ràng là phản quốc!”.

Ông Donald Trump đã gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Phương Tây.
 Ông Donald Trump đã gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Phương Tây.

Các phương tiện truyền thông chính của Phương Tây cũng đăng tải những lời lẽ ủng hộ ông Putin của Donald Trump lên trang nhất và hầu như đều ngả về phía cho rằng thể hiện của ông là “không đúng đắn về chính trị”. Hãng Reuters trực tiếp đánh giá sự ủng hộ của Donald Trump đối với ông Putin trong vấn đề Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012 là “khiến người ta kinh ngạc và cảnh giác” (shock, alarm), Thái độ của Donald Trump khiến người ngoài và cả trong nước nghi ngờ về kết quả của cơ quan tình báo Mỹ.

Đài CNN thì chạy tiêu đề: “Những phút mất mặt nhất (the most shameful) và gây sửng sốt nhất (stunning) của Donald Trump trong nhiệm kỳ tổng thống”. Tờ “The Washington Post” thì dùng những từ “nhục nhã” (disgraceful) và “mất mặt” (shameful) để thể hiện sự khinh thường ông Donald Trump và viết: “Thời khắc đó, Donald Trump lẽ ra phải ưỡn ngực hiên ngang vì nước Mỹ, thì ông đã lựa chọn việc lùi bước, co mình lại”.

Tuần báo “Time” cho rằng ông Donald Trump rất yếu ớt (weak); những người hiểu về Donald Trump đều biết ông ta sợ hãi chuyện: bị làm nhục và bị coi là yếu kém; nhưng cuộc gặp gỡ Putin đã khiến ông ta bị tổn hại nghiêm trọng đến sự tôn nghiêm. Hãng Bloomberg đã phải kêu lên: “Trump đã để cho Putin chiến thắng ở Phần Lan” (Trump gave Putin a win in Finland).

Làn sóng phản đối ông Donald Trump nổi lên khắp nước Mỹ.
 Làn sóng phản đối ông Donald Trump nổi lên khắp nước Mỹ.

Tờ “The New Yorker” viết, so với Tổng thống John F. Kennedy muốn củng cố địa vị nước Mỹ thì ông Donald Trump lại đang làm suy yếu địa vị nước Mỹ. “Thông qua việc làm suy yếu mối quan hệ với các đồng minh, phá hoại trật tự thế giới do Mỹ chủ đạo, ông Donald Trump đang dẫn dắt chúng ta quay trở lại mối nguy hiểm xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 20”. Học giả Robert Kagan ở Viện Brookings Institution nói: “Ông Donald Trump đã thay đổi chính sách của các đời tổng thống từ khi Mỹ - Nga trở thành đối thủ và cường quốc hạt nhân cho đến nay; từ xưa đến nay chúng ta chưa bao giờ thấy bất cứ một tổng thống Mỹ nào lại có chung mục tiêu với người Nga như vậy”.

Quả thật, từ sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống, quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu đang bị thử thách lớn. Ông Trump liên tục đốc thúc các nước NATO tăng thêm chi phí quân sự, tăng thuế đối với các đồng minh châu Âu, rút khỏi Hiệp định hạt nhân với Iran và Hiệp nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu bất chấp sự phản đối của các nước bạn bè…Tất cả những động thái này khiến các nước EU cảm thấy quan hệ Mỹ - châu Âu không còn như trước nữa. Thực ra, trước cuộc gặp gỡ Trump – Putin, nhiều hãng thông tấn, báo chí đã lo ngại ông Trump đang phân hóa quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh. Tờ “Financial Times” viết, xem xét từ việc quan hệ Mỹ - Nga, Nga và Phương Tây đang không ngừng xấu đi thì cuộc gặp gỡ này quả là một thắng lợi lớn đối với ông Putin.

Tờ “The New York Times” viết: “Lợi dụng hacker để tung thông tin giả, ủng hộ các phần tử cánh Hữu ở châu Âu, Putin đang tìm cách chia rẽ Phương Tây. Còn ông Trump luôn tìm cách công kích các lãnh đạo châu Âu, gây nên chiến tranh thương mại với châu Âu lại đang giúp Putin làm điều đó (chia rẽ Phương Tây)”. Hãng Reuters nhận xét, cuộc gặp gỡ Trump – Putin là một “bãi mìn chính trị trong nước” của Donald Trump, nhưng lại là thắng lợi về địa duyên chính trị của Putin. Đó là vì, xét từ góc nhìn của người Nga thì điều này cho thấy Washington đã thừa nhận Moskow là một thế lực hùng mạnh. Điều này chứng minh việc Phương Tây cô lập Nga đã thất bại.

Ông Putin tặng quả bóng World Cup cho Donald Trump và nói 'Bây giờ quả bóng đã ở sân phía ông'.
 Ông Putin tặng quả bóng World Cup cho Donald Trump và nói 'Bây giờ quả bóng đã ở sân phía ông'.

“The Wall Street Journal” viết, Helsinki đã tạo cơ hội để kiểm nghiệm ông Donald Trump cùng phong cách ngoại giao của ông. Donald Trump tin rằng xây dựng được quan hệ cá nhân với Putin có thể giúp hai nước đạt được thành quả trong việc kiểm soát vũ khí, vấn đề hòa bình Syria và các vấn đề khác. Đối với ông Putin thì bản thân cuộc gặp gỡ này đã là một thành quả tốt đẹp. Cựu Đại sứ Mỹ tại Moskow Michael McFaul cho rằng: “Ông Trump chịu ngồi cùng, thậm chí có thể nói những điều tích cực, chính là thắng lợi lớn của Putin. Điều đó có nghĩa là quan hệ hai nước đang đi tới chỗ bình thường hóa”.

Khác hẳn với những sự khác biệt giữa báo chí Mỹ với tổng thống của họ, báo chí Nga nhìn nhận rất tích cực về cuộc gặp này, Tờ “Nước Nga ngày nay” tập trung đưa tin hai nước cùng đảnh IS, hợp tác về dầu khí…Giọng điệu chung của báo chí Nga là: “chiến tranh lạnh đã chấm dứt!”.

Cho dù những biểu hiện, lời lẽ của ông Donald Trump có khiến dư luận trong nước sôi lên, thi nhau chỉ trích, “bút phạt”; có vẻ bản thân ông không hề đếm xỉa đến, giống như việc ông mạnh dạn quyết định gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vậy. Điều ông Donald Trump cần là thực hiện cuộc gặp gỡ, xây dựng được quan hệ cá nhân tốt đẹp với ông Putin; thực hiện được điều đó, đối với ông cuộc gặp gỡ này đã được coi là đạt kết quả tốt.