Nước cờ trái phiếu doanh nghiệp lãi suất 20%/năm

Ngày 1-11-2019, Saigon Asia Credit Limited, một tổ chức đầu tư nước ngoài, đăng ký trụ sở ở Cayman Islands, đã mua toàn bộ 1.402 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) kỳ hạn năm năm, lãi suất 20%/năm do Công ty cổ phần Đầu tư, Thương mại Hồng Hoàng (vốn điều lệ 5 tỉ đồng) phát hành.
Công ty Hồng Hoàng đã sử dụng gần 61 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh Thành Hoa.
Công ty Hồng Hoàng đã sử dụng gần 61 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh Thành Hoa.

Đây là TPDN có kỳ hạn dài và lãi suất cao nhất trên thị trường cho đến thời điểm này. Điểm khác biệt nổi bật là lãi và vốn của TPDN trên được thanh toán một lần vào lúc đáo hạn.

Trên thị trường hiện nay, TPDN thường được phát hành kỳ hạn 12-24 tháng, thỉnh thoảng mới có doanh nghiệp phát hành kỳ hạn 36 tháng. Hầu hết các TPDN có lãi suất cố định năm đầu, những năm sau thả nổi cộng thêm biên độ nhất định, được trả lãi 3-6 tháng/lần và không có tài sản đảm bảo.

TPDN của một số công ty niêm yết được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp đó, nhưng giá trị tài sản đảm bảo cũng không vượt quá xa giá trị trái phiếu.

Công ty Hồng Hoàng đã sử dụng gần 61 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) làm tài sản đảm bảo cho TPDN. Căn cứ vào thị giá cổ phiếu ACB ngày 15-11-2019 là 24.400 đồng/cổ phiếu, giá trị tài sản đảm bảo ước khoảng 1.483 tỉ đồng, cao hơn không đáng kể giá trị khoản TPDN.

Vì sao Công ty Hồng Hoàng lại chấp nhận một mức lãi suất trái phiếu cao như vậy? Và vì sao phía nước ngoài đồng ý nhận cổ phiếu ACB làm tài sản đảm bảo - một thứ tài sản mà thị giá có thể biến động hàng ngày?

Trước hết, Hồng Hoàng không phải lo trả lãi suất hàng quí, hàng năm. Lãi suất được trả một lần cùng với gốc vào ngày đáo hạn có thể trở thành lãi suất danh nghĩa nếu giá trị tài sản đảm bảo vượt quá 2.804 tỉ đồng (bao gồm 1.402 tỉ đồng gốc + lãi năm năm là 100% tức 1.402 tỉ đồng). Nói một cách khác, thị giá cổ phiếu ACB phải tăng gấp đôi sau năm năm so với thị giá hiện tại để Hồng Hoàng có đủ tiền trả cho phía nước ngoài.

Đối với tổ chức ngoại, họ chấp nhận tài sản đảm bảo có giá trị bằng giá trị TPDN ở thời điểm vay vì họ có khả năng được hưởng lãi suất 20%/năm. Mức lợi nhuận 20%/năm là kỳ vọng thường thấy của rất nhiều quỹ đầu tư khi giải ngân vào các thị trường mới nổi và cận biên. Hơn ai hết, họ hiểu thị trường mới nổi và cận biên có độ rủi ro cao đi kèm lợi nhuận cao.

Nước cờ trái phiếu doanh nghiệp lãi suất 20%/năm ảnh 2

Lợi nhuận cao thì đã rõ. Còn rủi ro cao ở đây là gì? Một khi cổ phiếu ACB giảm giá, bên mua trái phiếu chẳng những không thu được lãi, mà còn có thể mất một phần gốc. Để hạn chế rủi ro, họ buộc phải nghiên cứu kỹ cổ phiếu ACB và họ đã đặt cược vào cổ phiếu này.

Theo Công ty Chứng khoán ACBS, đơn vị tư vấn thương vụ này, đối với Công ty Hồng Hoàng, sự đặt cược vào biến động giá cổ phiếu ACB sau năm năm ít rủi ro hơn bởi tài sản thế chấp của họ chỉ là gần 61 triệu cổ phiếu cộng thêm 5 tỉ đồng vốn điều lệ.

Nếu giá cổ phiếu ACB không đạt kỳ vọng, họ mất 5 tỉ đồng (không loại trừ trường hợp họ tuyên bố phá sản - NV).

Vấn đề đặt ra là liệu thị giá cổ phiếu ACB sẽ như thế nào sau năm năm nữa? Chủ tịch quỹ đầu tư ngoại lớn nhất nhì Việt Nam đã cười khi người viết hỏi ông câu này. Ông nói: “Tất nhiên giá cổ phiếu ACB sẽ tăng gấp đôi sau năm năm, trừ khi xảy ra khủng hoảng thế giới như năm 2008”.

Một dữ liệu khác đáng tin cậy hơn, đó chính là dao động của cổ phiếu ACB trong năm năm gần đây (2013-2018). Đây là năm năm khó khăn, một cuộc khủng hoảng kép đối với ACB khi chịu tác động của khủng hoảng tài chính quốc tế và sự kiện bầu Kiên bị bắt năm 2012 (ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ACB).

Theo Hose, năm 2014, ACB trả cổ tức bằng tiền 7%; năm 2015 cổ tức bằng tiền cũng 7%; năm 2016 cổ tức bằng cổ phiếu 10%; năm 2017 cổ tức bằng cổ phiếu 15% và 2018 cổ tức bằng cổ phiếu 30%. Thị giá cổ phiếu ACB (giá điều chỉnh sau khi trả cổ tức) trong suốt hai năm 2013-2014 quanh ngưỡng 8.000 đồng/cổ phiếu. So với mức hiện tại hơn 24.000 đồng/cổ phiếu, thị giá cổ phiếu ACB tăng gấp ba lần.

Ngay cả trong thời kỳ năm năm đầy gian nan của quá khứ, cổ phiếu ACB vẫn tăng 200%. Trong năm năm tới, mức tăng trưởng 100% của cổ phiếu ACB rõ ràng không phải không có cơ sở. Có lẽ Saigon Asia Credit Limited đã không bỏ qua yếu tố này khi xem xét mua TPDN mà Công ty Hồng Hoàng phát hành.

ACB hiện tại được giới đầu tư và tài chính đánh giá là một trong những tổ chức tín dụng có chất lượng tài sản tốt, đã xử lý gần như triệt để nợ xấu của nhóm bầu Kiên, đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC, thực hiện Basel II và nhất là số dư trích lập dự phòng rủi ro tương đối dư dật.

Một nhà quan sát tài chính lâu năm cho rằng việc nước ngoài mua TPDN của công ty trong nước nhận tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu ACB có thể là một cách thức gián tiếp để sở hữu có kỳ hạn cổ phiếu ACB khi room của ngân hàng đã đầy. Vì không thể mua trực tiếp, họ đã sử dụng kênh TPDN để có quyền “sở hữu” cổ phiếu trong năm năm.

Cách đầu tư này đúng luật. Nên nhớ một khi tài sản đảm bảo thuộc quyền quản lý của họ, thì mọi đợt chia cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu, họ đều là người quản lý dòng tiền được tạo ra từ tài sản đảm bảo trên. Công ty Hồng Hoàng chỉ có thể nhận được lợi nhuận vào thời điểm TPDN đáo hạn nếu giá trị tài sản đảm bảo tăng hơn 100%.

Đừng nghĩ các nhà đầu tư nước ngoài không am tường thị trường chứng khoán Việt Nam!

Theo TBKTSG

Link: https://www.thesaigontimes.vn/297091/Nuoc-co-trai-phieu-doanh-nghiep-lai-suat-20/nam.html