Nước cờ siêu đẳng của Putin trong thế “thập diện mai phục” tại Syria

VietTimes -- Ngay trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, “nhà nước ngầm” ở Mỹ đặt ra trước Tổng thống Donald Trump bài toán siêu việt liên quan tới quan hệ Mỹ-Nga, nhưng người giải nó không phải là ông chủ Nhà Trắng mà lại là chủ nhân Điện Kremlin-Tổng thống Nga V.Putin.
Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Nga Putin

Giải phóng Idlib-quyền chính đáng và hợp pháp của Syria

Kể từ cuối tháng 8 đầu tháng 9/2018, quân đội Syria nhận được sự phối hợp hành động của Nga, Iran và lực lượng tình nguyện Hezbollah, chuẩn bị chiến dịch giải phóng tỉnh Idlib khỏi hang ổ cuối cùng của các tổ chức khủng bố. Đó là quyền chính đáng và hoàn toàn hợp pháp của Syria-một quốc gia có chủ quyền và là thành viên của Liên Hợp Quốc. Matxcơva, Damascus và Teheran đã chính thức tuyên bố rõ ràng và minh bạch về mục đích của chiến dịch quân sự này.

Một khi chiến dịch giải phóng Idlib của quân đội Syria thành công, các tổ chức khủng bố sẽ bị tiêu diệt, hòa bình sẽ được lập lại và quốc gia Trung Đông này sẽ bước vào thời kỳ khôi phục đất nước sau hơn 7 năm chiến tranh.

Tuy nhiên, khi đó Mỹ và đồng minh không còn bất cứ lý do gì để tiếp tục hiện diện quân sự bất hợp pháp ở Syria mượn cớ “chống khủng bố” và điều này cũng đồng nghĩa với việc Đề án Đại Trung Đông của Washington được khởi xướng kể từ khi “Mùa Xuân Arab” bùng phát đầu năm 2011 hoàn toàn bị phá sản. Đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến “nhà nước ngầm” ở Mỹ “mất ăn mất ngủ” để tìm cách đối phó [1,2,3].

Nước cơ siêu khó đặt ra trước Donald Trump

Nhằm làm phá sản chiến dịch của quân đội Syria giải phóng Idlib và ngăn chặn thất bại của Đề án Đại Trung Đông, các thế lực diều hâu ở Mỹ thường được gọi là “nhà nước ngầm”, và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay lập tức rầm rập điều tàu chiến và máy bay mang theo hàng ngàn tên lửa hành trình và bom đạn điều khiển chính xác cao tới triển khai thế trận xung quanh Syria.

Để mượn cớ sẵn sàng can thiệp quân sự vào Idlib, Mỹ và đồng minh ráo riết chuẩn bị dàn dựng kịch bản “quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường”. Sau khi Nga lật tẩy toàn bộ kịch bản gây hấn hóa học này, “nhà nước ngầm” lại xoay chuyển tình thế sang hướng khác và đưa ra tuyên bố hết sức ngang ngược rằng, không cần bất kỳ nguyên cớ nào. Mỹ và đồng minh sẽ sẵn sàng tấn công các lực lượng của Syria, Iran và Nga một khi liên minh chống khủng bố này mở chiến dịch trên bộ giải phóng Idlib.

Mặt khác, trên mặt trận ngoại giao, “nhà nước ngầm” mở chiến dịch tuyên truyền tại diễn đàn của Liên Hợp Quốc và trên bộ máy truyền thông khổng lồ phủ sóng khắp hành tinh rằng chiến dịch tấn công quân sự của Syria-Nga-Iran ở Idlib sẽ gây ra thảm họa nhân đạo khủng khiếp nhất!

Như vậy là đã rõ, “nhà nước ngầm” đã đẩy Mỹ tới tình thế sẵn sàng đối đầu quân sự trực tiếp với Nga. Còn người ra lệnh cuối cùng không phải là ai khác, mà chính là Tổng thống Donald Trump-Tổng Tư lệnh tối cao Các lực lượng vũ trang Mỹ. Trong tình thế đó, nếu liên quân Syria-Nga-Iran-Hezbollah mở chiến dịch giải phóng Idlib, Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đứng trước hai sự lựa chọn: Một là, ra lệnh tấn công các lực lượng của Nga và Syria. Hai là, án binh bất động.

Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, để cải thiện quan hệ với Nga cần có hòa bình, nhưng đối với “nhà nước ngầm”, họ cần đối đầu, thậm chí là chiến tranh với Nga. Nếu hành động theo cách thứ nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bị “nhà nước ngầm” làm tiêu tan vĩnh viễn mọi ý định của ông cải thiện quan hệ với Nga.

Còn nếu hành động theo cách thứ hai, ông Donald Trump sẽ bị “nhà nước ngầm” ngay lập tức buộc tội là “kẻ đồng lõa với Nga gây ra thảm họa nhân đạo khủng khiếp ở Idlib” và sẽ bị luận tội bất tín nhiệm trước Quốc hội Mỹ. Như vậy, “nhà nước ngầm” đã bày ra một chiếc bẫy mà theo họ Donald Trump không thể nào thoát ra được.

Cao thủ võ Judo V.Putin lại một lần nữa ra tay

Trong chiến lược chính trị của mình, Tổng thống Nga V.Putin đã từng để lại dấu ấn khá đậm nét trong cách thức hóa giải các tình huống xung đột phức tạp nhất. Thậm chí tưởng chừng hoàn hoàn vô vọng như trường hợp ông bất ngờ thu hồi Crimea về với Nga mà không cần bắn một phát đạn. Cách thức ông phá vòng vây cấm vận của Mỹ một cách ngoạn mục, hoặc là cách thức ông hóa giải tình huống Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga Su-24 năm 2015 v.v.

Lần này, V.Putin lại một lần nữa ra tay “cứu” Donald Trump thoát khỏi cái bẫy chết người do “nhà nước ngầm” cài sẵn. Ngày 17/9/2018, tại cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố Sochi, Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan thống nhất phương án hoãn chiến dịch tấn công Idlib và thiết lập vùng phi quân sự ở Idlib, trong đó Nga sẽ cùng với Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành thanh lọc các lực lượng đối lập cực đoan (thực chất là các tổ chức khủng bố) ra khỏi các lực lượng đối lập “ôn hòa”. Bằng quyết định này, liên quân Syria-Nga-Iran cùng với Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn một mũi tên nhằm trúng nhiều mục đích.

(1) Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận cùng với liên quân Syria-Nga-Iran tiễu trừ các tổ chức khủng bố cuối cùng ở Idlib.

(2) Không gây ra thảm họa nhân đạo bởi các tổ chức khủng bố không thể sử dụng dân thường làm lá chắn đỡ đạn khi liên quân chống khủng bố tiễu trừ chúng và như vậy Mỹ và đồng minh không có cớ để vu cáo Nga là “quốc gia hung hăng, hiếu chiến”.

(3) Tránh cho Thổ Nhĩ Kỳ làn sóng di cư ồ ạt đông tới hàng triệu người một khi liên quân Syria-Nga-Iran tiễu trừ khủng bố ở Idlib.

(4) Giữ được sự thống nhất của tiến trình chính trị Astana cho cuộc khủng hoảng Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đồng bảo trợ.

(5) Tạo điều kiện cho Syria có thời gian củng cố lực lượng, khôi phục hạ tầng cơ sở và ổn định cuộc sống của người dân.

(6) Nga tiếp tục giúp Syria tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, thể hiện ảnh hưởng ngày càng lớn và không thể phủ nhận ở Trung Đông.

(7) Iran rất hài lòng với thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib vì vừa tiếp tục duy trì ảnh hưởng ở Syria, vừa tránh được nguy cơ cuộc đối đầu quân sự với Mỹ.

(8) Tạo ra tình thế cho Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa giữ được thể diện, vừa thoát khỏi cạm bẫy của “nhà nước ngầm”. Để “ghi nhận” công lao to lớn này của V.Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố từ bỏ các biện pháp cấm vận đối với các công ty tham gia xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Phương Bắc-2” của Nga tới châu Âu. Bằng cách từ bỏ các biện pháp cấm vận này, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn tránh được sự xung đột với Đức-đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Âu [4].

Ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib được loan tin, “nhà nước ngầm” thông qua bàn tay của Israel tổ chức một cuộc tấn công nhằm vào tỉnh Latakia của Syria núp bóng chiếc máy bay trinh sát điện tử IL-20 của Nga đang bay làm nhiệm vụ trên bầu trời Địa Trung Hải. Bộ Quốc phòng Nga nhận định rằng Israel đã cố tình "gài bẫy" máy bay trinh sát của Nga để nó sa vào tầm ngắm của tên lửa S-200 Syria, khiến 15 quân nhân Nga trên chiếc IL-20 thiệt mạng. Toan tính của “nhà nước ngầm” khi gây ra thảm họa này là nhằm kích động hành động phản ứng quyết liệt của Nga và làm phá sản thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib.

Để làm phá sản âm mưu thâm độc này, Tổng thống Nga V.Putin lại một lần nữa thể hiện tư duy chính trị sáng suốt, tỉnh táo, và coi chuyện máy bay trinh sát IL-20 bị bắn rơi chỉ là “thảm họa ngẫu nhiên” và yêu cầu phía Israel tuân thủ thỏa thuận giữa hai bên./.

Tài liệu tham khảo:

[1] Strategic Geography and the Changing Middle East. https://www.foreignaffairs.com/reviews/capsule-review/1997-11-01/strategic-geography-and-changing-middle-east

[2] Проект "Большой Ближний Восток" и роль НАТО. http://inforos.ru/ru/?module=news&action=view&id=21626

[3] Администрация Обамы терпит на Ближнем Востоке крупное поражение.http://www.fondsk.ru/news/2016/10/06/administracia-obamy-terpit-na-blizhnem-vostoke-krupnoe-porazhenie-42742.html

[4] Идлиб: «Глубинное государство» попало в яму, вырытую для Трампа. https://www.putin-today.ru/archives/68506