Nước Anh trước lựa chọn lịch sử

Ngày 23-6 tới, người Anh sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý lịch sử để quyết định xem nên ở lại hay ra khỏi Liên hiệp châu Âu (EU). Hơn ai hết, các doanh nghiệp là những người hồi hộp nhất trước kết quả này.
Nhà máy Brandauer đang chờ đợi hợp đồng mới từ Mỹ sau cuộc trưng cầu dân ý. Ảnh: NYT
Nhà máy Brandauer đang chờ đợi hợp đồng mới từ Mỹ sau cuộc trưng cầu dân ý. Ảnh: NYT

Chờ đợi

Ông Crozier, 41 tuổi, là Giám đốc điều hành của Brandauer, một nhà máy sản xuất nhỏ ở vùng ngoại ô Birmingham, cách thủ đô London 125 dặm về phía Tây Bắc. Thành lập từ cách đây 154 năm, Brandauer khởi nghiệp bằng lĩnh vực sản xuất ngòi bút. Hiện giờ, nhà máy chế tạo rất nhiều vật dụng hàng ngày, từ phụ tùng xe hơi tới ấm trà.

Năm ngoái, một thương hiệu nổi tiếng của Mỹ muốn hợp tác với Brandauer để cung cấp linh kiện cho một sản phẩm mới mà họ có kế hoạch lắp ráp tại Đức. Thỏa thuận trị giá 1 triệu đô la Mỹ có vẻ như đã trong tầm tay.

Ông Crozier kể, sau khi mọi đàm phán làm ăn đã xong, người Mỹ hỏi về cuộc trưng cầu dân ý liệu nước Anh có ra khỏi EU hay không? (gọi là Brexit, viết tắt của Britain - nước Anh và Exit - thoát). Trong khi câu trả lời chưa chắc chắn, họ quyết định tạm ngừng đặt hàng.

Kể từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ, châu Âu chưa từng đối mặt với câu hỏi lớn nào liên quan tới tương lai của mình như vậy. Liệu EU có tan rã hay không nếu Anh ra đi.

Hiện giờ các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri Anh vẫn đang chia rẽ giữa hai xu hướng “có” và “không”. Nếu người Anh chọn lựa phương án Brexit, lãnh đạo Anh và EU sẽ phải đàm phán các điều kiện cụ thể cho cuộc chia ly. Nếu họ không đạt được thỏa thuận trong vòng hai năm, xuất khẩu của Anh có thể đối mặt với mức thuế đánh vào hàng hóa và dịch vụ mà hiện nay họ đang được miễn ở 27 quốc gia tạo nên thị trường chung rộng lớn của EU.

Điều gì sẽ xảy ra với tỷ giá hối đoái? Vấn đề di chuyển tự do của lao động? Liệu những công ty như Brandauer có thể chuyển các linh kiện tới nhà máy ở Đức mà không phải chịu thuế?

“Chúng tôi chỉ biết ngồi chờ kết quả”, ông Crozier nói với tờ The New York Times. Ông buộc phải trì hoãn việc thay thế máy móc cũ, một việc cần làm để chuẩn bị cho đơn hàng mới.

Lập luận của hai phe

Những người vận động cho Brexit muốn giải phóng nước Anh khỏi cái mà họ gọi là “một thể chế đang gặp rắc rối” bởi tình trạng bất ổn, rối loạn chức năng chính trị và một hệ thống vận hành quan liêu.

Trong câu chuyện của họ, Brussels, trụ sở chính của EU, là nơi mà các nhân viên thức dậy mỗi sáng và háo hức tìm những cách thức mới để siết kinh doanh bằng những chỉ thị rất khó hiểu, viết ra các quy tắc vô nghĩa chuẩn hóa tất cả mọi thứ từ thời gian làm việc trong tuần đến hình dạng chấp nhận được của... quả chuối.

Cái mà những người ủng hộ Brexit thực sự muốn là giới hạn số lượng người nhập cư vào đất nước của họ.
Trong khi đó, theo Bộ Tài Chính Anh, việc dừng các thỏa thuận thương mại hậu Brexit có thể làm giảm 6,2% tổng sản phẩm trong nước vào năm 2030. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Mark Carney thì cảnh báo rằng, Brexit có thể đẩy Anh vào một cuộc suy thoái.

“Chúng ta sẽ phải trả giá đáng kể nếu rời EU”, ông Paul Johnson, Giám đốc Viện Nghiên cứu tài chính, một tổ chức nghiên cứu độc lập ở London, cho biết. “Thương mại tự do với các nước EU có giá trị khá nhiều. Đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng”, ông nói với The New York Times.

Mặc dù EU đang gặp khó khăn về kinh tế, nhưng khu vực này đã hấp thụ 44% xuất khẩu của Anh và tạo dòng chảy thương mại liên quan đến công ăn việc làm của 3,3 triệu người Anh.

Việc Anh nằm trong EU là lý do chính khiến cho các công ty đa quốc gia mở rộng hoạt động tại nước này. Từ đó, họ có thể bán hàng hóa và dịch vụ từ Scotland tới Rumani - một khu vực có dân số hơn 500 triệu người. Điều này khiến London phát triển thành một trung tâm tài chính có tầm quan trọng tương đương với New York (Mỹ).

Tuy nhiên, những người ủng hộ Brexit cho rằng, một nước Anh độc lập, bằng cách nào đó, sẽ giàu lên so với hiện tại.

“Những ý kiến cho rằng thế giới sẽ dừng lại chỉ là tin đồn nhảm”, Richard Tice, một ông trùm bất động sản và là người ủng hộ Brexit, nói. Ông cho rằng, sau khi thoát khỏi EU, Anh có thể mở rộng thương mại với các nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.

Mặc dù ông Tice thừa nhận, nền kinh tế có thể sẽ có “một chút va chạm và nhàm chán” thời gian đầu sau Brexit, nhưng theo ông, cuộc sống không chỉ có tiền bạc, mà còn cả chất lượng sống, chất lượng của các dịch vụ công, mật độ dân số và chăm sóc người dân.

“EU đang rất trì trệ”, ông Tice nói. “Không thể tin được mức độ tàn khốc của tình trạng thất nghiệp. Không hề có sự tăng trưởng ở đó”, ông nhấn mạnh.

Tâm trạng khác nhau

Tại khu Canary Wharf ở thủ đô London, nơi có các tòa tháp văn phòng cao tầng, địa điểm của nhiều ngân hàng đa quốc gia, một số người lo ngại sẽ bị mất việc làm nếu nước Anh nói có với Brexit.

Nếu Anh rời khỏi EU, các chính phủ châu Âu sẽ tìm cách dịch chuyển các ngành kinh doanh sinh lợi trở về nước họ. Các công ty tài chính cũng sẽ chuyển các hoạt động ngoại hối và ngân hàng đầu tư ra khỏi Anh. “Khi Anh không còn là một phần của EU, sẽ không có cơ hội để London trở thành trung tâm cho các giao dịch bằng đồng euro” - Jacob Kirkegaard, một thành viên cao cấp tại Viện Peterson về kinh tế quốc tế ở Washington, nói. “London sẽ trở thành một trung tâm tài chính nhỏ hơn nhiều”.

Ở phía Đông Bắc nước Anh, thành phố Sunderland cũng lo ngại họ sẽ phải chứng kiến thiệt hại. Vào giữa những năm 1980, Sunderland đã thu hút được tập đoàn xe hơi Nhật Bản Nissan thiết lập một nhà máy ở đây.

Qua nhiều năm, nhà máy mở rộng, bán xe ô tô trên khắp châu Âu và hiện đang thuê 7.500 lao động, tại thành phố 277.000 người này.

Nếu cử tri Anh nói có với Brexit, nhà máy của Nissan sẽ đối mặt với sự tăng chi phí của các bộ phận nhập khẩu khiến giá thành xe đắt hơn tại các thị trường khác trong EU.

“Với tư cách là doanh nghiệp, tất nhiên chúng tôi muốn Vương quốc Anh nằm trong EU. Điều đó sẽ có ý nghĩa đối với việc làm, thương mại và chi phí”, ông Carlos Ghosn, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Nissan, cho biết.

Tại quán rượu Post Office Vaults ở trung tâm, Jess Milton, 24 tuổi người pha chế rượu đang đứng trước quầy có tới 360 loại bia đóng chai, phần nhiều trong số đó được nhập khẩu từ Bỉ. Những chai bia này đều được miễn thuế. Điều gì sẽ xảy ra nếu Anh rời EU?

“Tôi nghĩ rằng kinh doanh của chúng tôi sẽ hoàn toàn thất bại”, Milton nói.

Nghe vậy, một vị khách hàng tỏ ý không hài lòng. Ông Richard Plumb, 59 tuổi, cho rằng những người nhập cư đã làm thay đổi cộng đồng nơi ông sống. Plumb đổ lỗi cho Brussels.

“Chúng tôi không thể kiểm soát những gì xảy ra với đất nước của mình” - ông nói. “Chúng tôi không thể thoát khỏi những thứ mà mình không mong muốn. Quy định của EU ngăn chặn tất cả những gì chúng tôi muốn làm”.

Còn về thương mại, tăng trưởng kinh tế và việc làm thì sao? Ông Plumb cho rằng, nỗi sợ hãi về Brexit đã bị thổi phồng. Và nếu có cái giá phải trả cho việc rời khỏi châu Âu thì Brexit xứng đáng với giá đó.

“Giống như quốc gia giành được chủ quyền một lần nữa”, ông Plumb nói. “Nó sẽ làm cho đất nước tốt hơn. Tôi cảm giác như vậy” - ông nhấn mạnh.

(Theo The New York Times/TBKTSG)