Núi nợ của Trung Quốc ngày một cao thêm trong bối cảnh nước này tung ra các gói kích thích kinh tế

VietTimes -- Tổng nợ công và tư của Trung Quốc đã leo lên một mức cao mới so với quy mô của nền kinh tế nước này, làm dấy lên lo ngại rằng những “liều thuốc” kích thích kinh tế sẽ chỉ làm cho núi nợ cao thêm.
Công nhân xây dựng một sân trượt băng tốc độ cho Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh. Trung Quốc đã tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng trong năm nay theo một chương trình kích thích kinh tế (ảnh Reuters)
Công nhân xây dựng một sân trượt băng tốc độ cho Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh. Trung Quốc đã tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng trong năm nay theo một chương trình kích thích kinh tế (ảnh Reuters)

Tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, ngoại trừ ngành tài chính, là 248,8% vào cuối tháng 3 – theo một thống kê được hai viện nghiên cứu của nước này đưa ra. Con số này cao hơn 5,1 điểm phần trăm so với thống kê được công bố vào tháng 12 năm ngoái.

“Núi nợ” này được phát sinh từ khoản vay kỷ lục 6,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ (910 tỷ USD) trong quý một năm nay.

“Nền kinh tế trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 rất tốt, nhưng đó không phải là bữa trưa miễn phí”, Dương Tiểu Tinh (Zhang Xiaojing), một chuyên gia kinh tế cao cấp tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ví von. “Sự gia tăng của tỷ lệ nợ đã nhiều hơn dự đoán”, ông nói.

Tỷ lệ nợ đã tăng 5 điểm trong quý kinh doanh kết thúc vào tháng 3/2016, khi mà chính phủ Trung Quốc chấp thuận nhiều hơn các khoản vay để đối phó với sự xáo động của thị trường.

Từ năm 2012, tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã gia tăng với tốc độ hàng năm là 10-20 điểm phần trăm cho tới khi Bắc Kinh yêu cầu các công ty và chính quyền địa phương tháo gỡ đòn bẩy tài chính (để giảm nợ). Kết quả là tỷ lệ nợ dao động trong khoảng 245% kể từ cuối tháng 9 năm đó.

Hồi đầu tháng này, ông Hoàng Tiểu Long (Huang Xiaolong), Phó phòng Ổn định Tài chính Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc) đã nói với các phóng viên rằng tỷ lệ nợ này sẽ duy trì ở mức ổn định. Nhưng một số nhà phân tích không đồng tình với nhận định của ông Long.

“Chúng tôi có thể quay trở lại thời kỳ mà tỷ lệ nợ gia tăng ở mức 2 con số mỗi năm. Nguy cơ này là rất lớn”, ông Dương Tiểu Tinh nói.

Tỷ lệ nợ trên GDP của khu vực doanh nghiệp ở mức 156,9% trong tháng 3, tăng 3,3 điểm so với cuối năm ngoái. Các doanh nghiệp nhà nước gánh 68% khoản nợ đó. Số phần trăm nợ cứ tăng đều trong hai năm qua.

Một nửa số nợ của các doanh nghiệp nhà nước là từ các “cơ sở tài trợ chính quyền địa phương” [thuật ngữ tiếng Anh gọi là Local Goverment Financing Vehicles. Luật ngân sách từ năm 1994 của Trung Quốc không cho phép chính quyền địa phương phát hành trái phiếu để huy động vốn, vì vậy các chính quyền địa phương đã nghĩ ra sáng kiến là lập ra công ty đầu tư – đây chính là các “cơ sở tài trợ chính quyền địa phương”. Các công ty này sẽ đi vay của các ngân hàng tại địa phương để thực hiện xây dựng hạ tầng tại địa phương]. Vì các công này do chính quyền địa phương thành lập nên cũng đồng nghĩa với việc một phần ba số nợ thuộc về chính quyền địa phương.

Và sự gia tăng tỷ lệ nợ của Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn

Tỷ lệ nợ của Trung Quốc tiếp tục tăng lên (màu xanh nhạt trong biểu đồ biểu thị cho các doanh nghiệp, màu xanh dương là chính phủ và màu xanh đậm là các hộ gia đình)
Tỷ lệ nợ của Trung Quốc tiếp tục tăng lên (màu xanh nhạt trong biểu đồ biểu thị cho các doanh nghiệp, màu xanh dương là chính phủ và màu xanh đậm là các hộ gia đình)

Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hôm thứ Hai (17/6) đã đưa ra một thông báo với Văn phòng Trung ương Đảng, với nội dung là nới lỏng các hạn chế huy động vốn cho chính quyền địa phương. Động thái này được đưa ra để khắc phục tiến độ chậm chạp trong các dự án xây dựng do thiếu vốn tại các địa phương. Mặc dù chính phủ trung ương đã “bật đèn xanh” cho nhiều dự án với gói kích thích được thiết kế để giảm tác động tiêu cực của thương chiến Mỹ - Trung, nhưng đầu tư vào cơ sở hạ tầng chỉ tăng 4% trong thời gian từ tháng Giêng đến tháng Tư năm nay.

Chính quyền địa phương được yêu cầu trả từ 20% đến 40% chi phí xây dựng, nhưng khoản cắt giảm thuế 2 nghìn tỷ nhân dân tệ trong chương trình kích thích đã làm cạn kiệt doanh thu của họ. Các quy định mới cho phép chính quyền địa phương huy động vốn bằng trái phiếu, miễn là chúng được phát hành để xây dựng đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, nhà máy điện hoặc các cơ sở khí đốt.   

Bắc Kinh đang khuyến khích các ngân hàng và công ty bảo hiểm cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng có lợi nhuận. Hạn ngạch của trái phiếu có mục đích đặc biệt này được đặt ở mức 2,15 nghìn nhân dân tệ trong năm nay, tăng 800 tỷ so với năm 2018. Nhưng số tiền đó không đủ để trang trải tổng đầu tư cơ sở hạ tầng, có thể đạt 14 nghìn tỷ nhân dân tệ mỗi năm.

Bắc Kinh đã phát hành một thông báo vào ngày 10/6 với nội dung cho phép các chính quyền địa phương có các khoản vay ngoài sổ sách. Đây là một lĩnh vực trước đây bị nhà nước quản lý rất chặt. Các dự án từng bị tạm dừng giữa chừng do phát hiện nợ ẩn sẽ được phép tiếp tục vay từ ngân hàng, miễn là số dư nợ không tăng.

Chiến dịch giảm vay nợ của Trung Quốc thực hiện từ năm 2017 đã tạm dừng một cách không chính thức sau khi hàng loạt các công ty tư nhân bị phá sản do khủng hoảng tín dụng vào cuối năm ngoái. Thông báo phát hành vào hôm thứ Hai của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho thấy các quan chức chính phủ đã tính đến cách mở rộng vay nợ.

Bắc Kinh đã bắt tay vào thực hiện một số dự án xây dựng hạ tầng có lợi nhuận từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008. Phần lớn các dự án này đã hoàn thành. Những dự án còn lại chưa rõ có thể đem lại lợi nhuận hay không, trong khi nhiều dự án khác có vốn từ vay nợ. Những dự án này tạo ra sự ổn định công ăn việc làm trong ngắn hạn, nhưng lại tạo ra rủi ro nợ dài hạn, khiến cho tình trạng ngày càng tồi tệ. Điều này có thể làm cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào bế tắc.

Theo Nikkei Asian Review