Nửa đầu năm, Công ty mẹ - Tổng công ty cà phê Việt Nam lợi nhuận suy giảm, nặng gánh đầu tư tài chính

VietTimes -- Sau khi thoái vốn tại Vinacafe Biên Hòa, Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe) vẫn gặp nhiều thách thức khi triển khai thực hiện tái cơ cấu giai đoạn từ năm 2015 - 2017. Kết quả kinh doanh và khối lượng công việc được thể hiện một phần trong báo cáo tài chính tổng hợp bán niên năm 2018 của Công ty mẹ - Vinacafe.
Sau khi thoái vốn tại Vinacafe Biên Hòa, Tổng công ty cà phê Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tái cơ cấu (Nguồn: Vinacafe Biên Hoa)
Sau khi thoái vốn tại Vinacafe Biên Hòa, Tổng công ty cà phê Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tái cơ cấu (Nguồn: Vinacafe Biên Hoa)

Quá trình thực hiện tái cơ cấu giai đoạn từ năm 2012 – 2015, Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe) đã tiến hành thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa (Mã CK: VCF), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu cà phê Intimex Nha Trang, Công ty cổ phần Giống cây trồng Vinacafe Tây Nguyên và thoái vốn một phần Công ty cổ phần TCCG Đồng Tâm.

Trong đó, đáng chú ý là việc thoái 100% vốn tại VCF vào năm 2013 và 2015 đã đem về cho Vinacafe những khoản lợi nhuận đột biến lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Sau giai đoạn trên, Vinacafe tiếp tục triển khai phương án tái cơ cấu giai đoạn từ năm 2015 – 2017 nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều thách thức hơn trước.

Trong Báo cáo tài chính tổng hợp Quý 2/2018 (chưa soát xét) mà Công ty mẹ - Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe) vừa công bố, cho thấy mức lợi nhuận suy giảm rõ rệt so với cùng kỳ và danh sách dài các khoản đầu tư vào các công ty thành viên phải trích lập dự phòng. Đáng chú ý, có những doanh nghiệp đã âm vốn chủ sở hữu và đang tiến hành giải thể.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, Công ty mẹ - Vinacafe có doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.268 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn hàng bán chiếm tới 97% trên doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ còn 72 tỷ đồng.

Các khoản doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác của Công ty mẹ - Vinacafe cũng giảm mạnh. Trong khi đó, tổng cộng các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 96 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 5 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Tốc độ suy giảm của doanh thu lớn hơn tốc độ suy giảm của chi phí đã khiến cho lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 của Công ty mẹ - Vinacafe chỉ bằng 1/6 so với cùng kỳ năm 2017, đạt 9,9 tỷ đồng.

Tính tới ngày 30/6/2018, Công ty mẹ - Vinacafe có tổng tài sản là 2.227 tỷ đồng (chủ yếu là tài sản ngắn hạn với 1.284 tỷ đồng, chiếm 57,6%). Cơ cấu nguồn vốn bao gồm Nợ phải trả ghi nhận 922 tỷ đồng (trong đó 578 tỷ đồng vay và nợ tài chính ngắn hạn) và 1.304 tỷ đồng từ Vốn chủ sở hữu.

Một số khoản mục có tỷ trọng đáng kể trên tổng tài sản chưa được thuyết minh rõ như: các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (ghi nhận 270 tỷ đồng, giảm 30 tỷ đồng so với cùng kỳ), các khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi (ghi nhận 259 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với cùng kỳ 2017).

Đáng chú ý, tính đến 30/6/2018, Công ty mẹ - Vinacafe ghi nhận các khoản đầu tư tài chính dài hạn là 443,2 tỷ đồng. Đây là các khoản đầu tư vào 31 công ty con, 5 công ty liên kết và 2 đơn vị khác. Giá gốc của các khoản đầu tư được ghi nhận là 601,68 tỷ đồng, tuy nhiên, Công ty mẹ - Vinacafe đã phải trích lập dự phòng tới hơn 158 tỷ đồng.

Một phần danh sách các công ty thành viên của Vinacafe (Nguồn: Vinacafe)
Một phần danh sách các công ty thành viên của Vinacafe (Nguồn: Vinacafe) 

Một số công ty thành viên khiến Công ty mẹ - Vinacafe phải trích lập dự phòng toàn bộ phần vốn góp như: Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Châm (13,94 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Bá (6,17 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Đầu tư và XNK Cà phê Tây Nguyên (17,86 tỷ đồng).

Đây là các công ty có tình trạng hoạt động kinh doanh kém hiệu quả trong nhiều năm, lỗ lũy kế đã vượt quá vốn chủ sở hữu.

Ví dụ như Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Châm, tính đến 31/12/2017 đã âm vốn chủ sở hữu tới 27,8 tỷ đồng, lỗ lũy kế tới 61,47 tỷ đồng. Do đó, công ty này đã được Công ty mẹ - Vinacafe đưa vào danh sách các doanh nghiệp sẽ tiến hành giải thể, bên cạnh 5 công ty khác. 

Cũng trong năm 2018, các công ty thành viên khác đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa hoặc thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng - IPO (với tỷ lệ nắm giữ vốn sau khi cổ phần hóa là 51%).

Giải thích cho sự chậm trễ với lộ trình đã đề ra, ban lãnh đạo Vincafe cho biết quá trình thực hiện gặp khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp, phương án sử dụng đất chưa được các cấp chính quyền địa phương thẩm định và phê duyệt và nhận thức về cổ phần hóa vẫn còn hạn chế.

Năm 2018, Công ty mẹ - Vinacafe đặt ra kế hoạch doanh thu đạt 2.951 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 57 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo cũng đề ra chỉ tiêu tổng diện tích cà phê là 16.638 ha, năng suất 2,57 tấn/ha/năm; tổng diện tích trồng lúa là 4.149 ha, năng suất 6,44 tấn/ha/năm. Sản lượng cà phê xuất khẩu hướng tới mục tiêu 50.000 tấn, tăng 13.000 tấn so với năm 2017./.