Nữ trung úy phi công Ekaterina Budanova – nỗi khiếp sợ của không quân Đức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngay từ những ngày đầu chiến tranh, Katya tình nguyện nhập ngũ và luôn tìm mọi cách để trở thành phi công quân sự
Nữ phi công huyền thoại Ekaterina Budanova (Ảnh: AiF)
Nữ phi công huyền thoại Ekaterina Budanova (Ảnh: AiF)

Trong Thế chiến 2, nữ phi công tiêm kích Ekaterina Budanova – tên gọi ngắn gọn là Katya - giữ vị trí thứ 2 về thành tích trong chiến đấu. Chị sinh ngày 7/12/1916, (nếu còn sống, hôm nay 7/12/2021, Ekaterina Budanova vừa tròn 105 tuổi) ở làng Konoplyanka, huyện Tumanovsky, tỉnh Smolensk, trong một gia đình nông dân.

Chị gái của nữ phi công Katya từng kể: “Nhà có 5 chị em, năm Katya lên 6 tuổi thì người cha qua đời, chị cả lên 13 tuổi, em út lên 4. Tuổi thơ của 5 chị em Katya là chuỗi tháng ngày cùng cực, nhọc nhằn. Gia đình đông con, người ăn thì có, người làm thì không. Vừa tốt nghiệp phổ thông, Katya quyết định lên Moscow kiếm việc làm để giúp đỡ mẹ. Katya được làm việc trong nhà máy chế tạo máy bay Filya, vừa đi làm vừa tham gia câu lạc bộ bay. Ngay từ những năm học phổ thông, Katya đã ước mơ trở thành phi công. Kết thúc khóa học của câu lạc bộ với loại giỏi, Katya được điều về làm phi công hướng dẫn của câu lạc bộ bay Kiev của Moscow”.

Ngay từ những ngày đầu chiến tranh, Katya tình nguyện nhập ngũ và luôn tìm mọi cách để trở thành phi công quân sự. Khi biết được Nữ phi công - anh hùng Liên Xô Marina Raskova đang tuyển nữ phi công để thành lập trung đoàn phi công nữ, Katya nộp đơn đăng ký ngay.

Marina Rascova là nữ phi công nổi tiếng của Liên Xô vào những năm 1930, chị lập nhiều kỷ lục thế giới về giờ bay và quãng đường bay. Sau nhiều lần đề nghị, tháng 10/1941, lãnh tụ Stalin nhất trí để Mariana Raskova thành lập trung đoàn nữ phi công.

Qua xét tuyển, Ekaterina Budanova hoàn toàn đủ điều kiện, để có thể làm chủ được máy bay chiến đấu Yak-1, chị được đưa đi tập huấn tại Saratov.

Tháng 9/1942 Katya được lệnh ra chiến trường. Một tháng sau, chị mới viết thư về cho mẹ. Bức thư có đoạn: “Mẹ yêu quý! Con thành thật xin lỗi vì không xin phép mẹ trước khi ra trận, con mong mẹ đừng trách và đừng giận con, vì lương tâm và trách nhiệm đã buộc con phải làm như vậy – phải ra chiến trường - nơi mà số phận của tổ quốc đang được định đoạt…Con mong mẹ làm việc và giữ gìn sức khỏe, luôn nhớ đến Katyusha- con gái bé bỏng của mẹ”.

Ban đầu những phi công nam cùng đơn vị nhìn Katya mảnh khảnh rất lấy làm ái ngại và nhiều nghi vấn. Thái độ nghi vấn ấy tan biến ngay khi Katya thể hiện sự chuyên nghiệp. Chị được bay đôi cùng cùng trung đoàn trưởng.

Chiến công đầu tiên của Katya trong trận không chiến với một tốp máy bay của không quân Đức Quốc xã ngày 6/10/1941. Katya tấn công tốp máy bay gồm 8 chiếc Ju-88, chiếc gần nhất bị trúng đạn, bốc cháy và rơi xuống bờ phải sông Volga.

Trung đoàn trưởng Gridnev – người bay đôi với Katya – kể về một trận đánh của chị như sau: “Trên đường về sau một trận đánh, Katya nhìn thấy 12 máy bay ném bom của Đức bay phía dưới, mặc dù đạn sắp hết, xăng sắp cạn, chị vẫn quyết định tấn công. Mục tiêu đầu tiên: chiếc máy bay dẫn đầu đã bốc cháy. Katya đã bắn viên đạn cuối cùng. Tiếp cận lần 2, chị chỉ mô phỏng một cuộc tấn công, lao thẳng vào máy bay ném bom của phát xít Đức. Viên phi công Đức giật mình, đội hình bị rối loạn, quyết định trút bom ngay cả khi không xác định được mục tiêu. Trong trận đó, Katya bị thương, chiếc Yak-1 của chị bị bắn thủng”.

Cuối tháng 11/1942, Ekatarina Budanova được công nhận là một trong những phi công xuất sắc nhất, được biên chế vào đội “thợ săn tự do”.

Ngày 6/12/1942, Katya đã giành thắng lợi trong trận không chiến không cân sức: một mình chống lại 13 máy bay của không quân Đức, một chiếc bị Katya bắn hạ, 12 chiếc khác phải quay đầu bỏ chạy.

Ngày 10/12/1942, trên đường làm nhiệm vụ về, Katya bị hai chiếc Me-109 tấn công. Lúc này nhiên liệu còn lại chỉ đủ bay 30 phút, đạn dược chỉ còn 1/3, nhưng Katya không rút chạy, chị quyết định chấp nhận thách thức. Cuộc chiến đó kéo dài 25 phút, chiếc Me-109 dẫn đầu của Đức bị bốc cháy.

Ngày 23/2/1943, vì những thành tích đạt được trong chiến dịch chặn đánh phát xít Đức trên sông Volga, vùng Rostov, Katya được trao tặng Huân chương Sao Đỏ.

Cứ như vậy, trong suốt 10 tháng ròng rã, mỗi ngày vài lần, Katya chấp nhận hiểm nguy, thách thức hy sinh, và sẽ tiếp tục lâu hơn nữa, nếu như chị không bị một vết thương định mệnh, đó là ngày 19/7/1943. Nhận nhiệm vụ yểm trợ cho chiếc IL-2 của ta, sau khi máy bay IL-2 trở về an toàn, 3 chiếc Me-109 của Đức xuất hiện ngay bên cạnh, không kịp báo cho đồng đội, chị lao vào trận chiến 1 chọi 3 để thu hút hỏa lực của địch về phía mình. Katya đã bắn hạ được một máy bay của đối phương, đây là chiến công thứ 11 của chị, nhưng sau đó chị bị thương – một vết thương định mệnh, tuy vậy Katya tay vẫn không rời cần điều khiển, đưa máy bay vào khu vực của mình rồi hạ cánh. Đồng đội đưa chị ra khỏi cabin, nhưng Ekaterina Budanova đã trút hơi thở cuối cùng.

Bộ tư lệnh quyết định trao tặng danh hiệu anh hùng Liên Xô cho Ekaterina Budanova, nhưng không hiểu vì lý do gì điều này không được thực hiện. Mãi tới 1993, sau một nửa thế kỷ, nữ phi công huyền thoại Ekaterina Budanova mới được truy tặng huân chương chiến công loại 1 và danh hiệu anh hùng Liên Xô.

Ở Moscow có một con đường mang tên chị. Bức thư mà chị gửi cho mẹ, ban đầu được chị gái Olga, và hiện nay là các con của chị Olga lưu giữ cẩn thận. Bức thư của quá khứ đã cho chúng ta thấy được một hình mẫu cao cả của lòng yêu nước vô điều kiện.