Nữ sĩ Doãn Linh bí ẩn với thi phẩm “Khi đêm nở rộ như hoa”

VietTimes – Thi phẩm “Khi đêm nở rộ như hoa” của nữ sĩ Doãn Linh (Đài Loan) do dịch giả Trúc Ty chuyển ngữ vừa được giới thiệu tới độc giả Việt vào chiều 14/8. 
Nhà thơ Doãn Linh vừa trở về từ Đài Loan, giới thiệu "Khi đêm nở rộ như hoa"
Nhà thơ Doãn Linh vừa trở về từ Đài Loan, giới thiệu "Khi đêm nở rộ như hoa"

Tập thơ “Khi đêm nở rộ như hoa” do nhà thơ Trúc Ty tuyển dịch, gồm 28 bài (NXB Văn học và Domino Book ấn hành). Với “Hoa trong gương”, “Dưới trời sao – Mỹ Tho”, “Huế - Âm thanh duy nhất”, “Ấn tượng Monet”, “Rửa tội”, “Đông”, “Xuân”, “Hạ”, “Thu”, “Vô ảnh”… Doãn Linh để lại trong độc giả một ấn tượng vừa mong manh, hư ảo, vừa đời thực, trần trụi.

Trong tâm hồn nữ sĩ Doãn Linh luôn có sự pha trộn đối lập giữa hình ảnh vùng đất Mỹ Tho nơi bà được sinh ra và luôn ở trong tâm tưởng của bà, tươi đẹp, bất biến; nhưng một nửa trái tim của nữ sĩ quê gốc (Quảng Đông, Trung Quốc) lại chứa đầy những trải nghiệm đời thực đi qua nhiều châu lục, thấm đẫm sương gió phôi pha.

“Thơ đã giúp tôi vượt qua các biến cố của bản thân, gia đình và xã hội. Thơ cũng giúp tôi trụ lại với đời sống này, dù nhiều lúc tôi muốn buông xuôi, quỵ ngã. Chính vì thế thơ của tôi thường buồn, mang chở một tâm sự khó chia sẻ cùng ai. Tôi chọn ngành văn học, rồi nghiên cứu, giảng dạy và dịch thuật. Thói quen của tôi là đọc thấy gì hay là dịch. Cách đây gần 40 năm, tôi đã dịch một số thơ, truyện ngắn từ tiếng Việt ra tiếng Hoa; sau này dịch Pháp ra Hoa và ngược lại…” – Nữ sĩ Doãn Linh tự sự. 

Nữ sĩ Doãn Linh bí ẩn với thi phẩm “Khi đêm nở rộ như hoa” ảnh 1

Bìa cuốn sách vừa được NXB Hội Nhà văn và Domino Book ấn hành tháng 8/2019 

Doãn Linh, tên thật Hà Doãn Linh, còn gọi Hà Kim Lan, nguyên quán Đại Phố, Quảng Đông (Trung Quốc). Sinh ra ở Mỹ Tho (Việt Nam), từ nhỏ, Doãn Linh chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa, giáo dục Trung Hoa, Pháp và Việt Nam.

Từ năm 16 tuổi, Doãn Linh đã chính thức đăng tác phẩm trên các tờ báo Hoa ngữ tại Sài Gòn gồm thơ, tản văn, tiểu thuyết và các tác phẩm dịch thuật.

Năm 1968, nhận bằng Cử nhân Đại học Văn khoa Sài Gòn. Năm 1969, Doãn Linh nhận học bổng từ Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, sang Đài Loan nghiên cứu học tập tại Viện Nghiên cứu Văn học Trung Quốc của Đại học Quốc lập Đài Loan.

Năm 1971, hoàn thành bằng thạc sĩ văn học và tiếp tục học lớp tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Văn học Trung Quốc, Đại học Quốc lập Đài Loan.

Năm 1977, đạt học vị Tiến sĩ Quốc gia Văn học Trung Quốc, bà trở thành giáo sư tại khoa Trung văn và khoa Pháp văn của Đại học Đạm Giang, Đạm Thủy.

Năm 1979, Doãn Linh nhận học bổng từ chính phủ Pháp, đến khoa Văn học Hiện đại Đại học Paris VII, theo học về ký hiệu học, lý thuyết văn học và về Roland Barthes, đồng thời nghiên cứu những phương pháp về Hán học tại Viện Nghiên cứu Văn hóa và Văn học Viễn Đông; đạt học vị Tiến sĩ Đại học Paris VII.

Năm 1985, Doãn Linh từ Paris trở về Đại học Đạm Giang, giảng dạy tại khoa Trung văn và khoa Pháp văn, đồng thời phụ trách bộ môn Dịch thuật và nghiên cứu xã hội học tại Đại học Đông Ngô.

Năm 2005, bà được Đại học Chính trị Đài Bắc mời giảng dạy môn “Ngữ văn tiếng Việt”, khi trường này mới thành lập Trung tâm Ngoại ngữ. Năm 2007, được Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Đạm Giang mời đảm nhiệm môn “Văn hóa và Ngôn ngữ Việt Nam” cho đến nay.

Doãn Linh là tác giả của nhiều tập thơ: “Khi đêm nở rộ như hoa”, “Cánh chim câu trắng lướt qua”, “Tóc hay Dòng sông bội phản”, “Couscous”, “Thơ cắt lát Doãn Linh”. Bà cũng là tác giả của các chuyên luận văn học được giới văn chương ghi nhận: “Lý luận văn học Pháp và thực tiễn”, “Xã hội học văn học”, “Tô Đông Pha và Tần Thiếu Du”, “Roland Barthes"…

Nữ sĩ Doãn Linh là tác giả của nhiều tập thơ và chuyên luận sâu sắc
Nữ sĩ Doãn Linh là tác giả của nhiều tập thơ và chuyên luận sâu sắc 
Bạn bè văn chương vui mừng chào đón
Bạn bè văn chương vui mừng chào đón "Khi đêm nở rộ như hoa" của nữ sĩ Doãn Linh

Trở lại Việt Nam để ra mắt “Khi đêm nở rộ như hoa” lần này, nữ sĩ chia sẻ: “Tôi về Mỹ Tho để thăm quê, nhưng gia đình tôi không còn ai ở đó, Sài Gòn cũng không. Tâm trạng tôi y như một câu thơ của Lý Bạch: “Đê đầu tư cố hương” (tạm dịch: cúi đầu thì nhớ cố hương, nhưng ngẩng đầu thì không thấy quê hương đâu cả). Trưởng thành trên đất Pháp và sinh sống ở Đài Loan nhưng quê hương tôi không ở những nơi đó”.